Đổi mới để tồn tại và phát triển phải dựa vào chính mình

Năm 2013 đã đi được 1/4 quãng đường, nhưng kinh tế Việt Nam hầu như chưa được cải thiện, thậm chí nhiều mặt còn trở nên gay gắt hơn. Tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế chậm và chưa hiệu quả. Một số chính sách đã gây ra những bất ổn tiềm tàng. Số doanh nghiệp (DN) đóng cửa quá nhiều và còn tiếp tục gia tăng. Niềm tin của người dân vào các chính sách vĩ mô ngày càng giảm… Trong bối cảnh chung đó, DN phải làm gì để thích ứng?
Đổi mới để tồn tại và phát triển phải dựa vào chính mình

Năm 2013 đã đi được 1/4 quãng đường, nhưng kinh tế Việt Nam hầu như chưa được cải thiện, thậm chí nhiều mặt còn trở nên gay gắt hơn. Tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế chậm và chưa hiệu quả. Một số chính sách đã gây ra những bất ổn tiềm tàng. Số doanh nghiệp (DN) đóng cửa quá nhiều và còn tiếp tục gia tăng. Niềm tin của người dân vào các chính sách vĩ mô ngày càng giảm… Trong bối cảnh chung đó, DN phải làm gì để thích ứng?

  • Khó khăn chưa có điểm dừng

Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, năm 2013 được xem là năm bản lề của toàn bộ kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, thế nhưng các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô chủ yếu của quý 1-2013 chưa chứng tỏ xu thế đảo chiều của nền kinh tế. Trên thực tế, 2 yếu tố quan trọng mang tính chất tiên quyết khả năng phục hồi tăng trưởng và duy trì ổn định vĩ mô là mức tăng trưởng tín dụng và thu chi ngân sách đều yếu hơn hẳn các năm trước. Ba tháng đầu năm 2013, tăng trưởng tín dụng gần như bằng không (chỉ đạt 0,03%), trong khi thu ngân sách chỉ đạt 16,7% dự toán năm, còn chi ngân sách, dù Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh việc giải ngân đầu tư từ đầu năm, chỉ đạt 18,5% dự toán năm. Những con số này phản ánh khả năng hấp thu vốn cực kỳ yếu của nền kinh tế, giống như con bệnh nặng không thể hấp thu được cả thuốc bổ.

Sản xuất ván ép tại Nhà máy gỗ MDF VRG Dongwha. Ảnh: CAO THĂNG

Sản xuất ván ép tại Nhà máy gỗ MDF VRG Dongwha. Ảnh: CAO THĂNG

Tổng mức bán lẻ cũng rơi xuống mức đáy, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 4,9%, thấp hơn nhiều so với tăng 5,9% cùng kỳ năm 2012. Điều đáng lưu ý, số DN và số vốn đăng ký mới có xu hướng giảm chỉ đạt khoảng 15.000 DN, trong khi số DN đóng cửa trong quý 1 tăng lên tới 15.300 DN, cho thấy mức độ khó khăn của môi trường kinh doanh và xu hướng tiếp tục giảm sút lòng tin thị trường là rất đáng lo ngại.

TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và chính sách, Đại học Quốc gia Hà Nội, chỉ ra rằng, lạm phát quý 1 có khuynh hướng giảm nhưng tăng trưởng suy giảm nghiêm trọng và sức sống của DN rất yếu. Nợ xấu vẫn là vấn đề cốt lõi của hệ thống tài chính và toàn bộ nền kinh tế. Các chính sách khác gây ra những bất ổn tiềm tàng như ngoại hối, vàng và đặc biệt là các chính sách trợ cấp, kiểm soát giá, kích thích kinh tế thiếu cơ sở. Động lực cho cải cách kinh tế đang có khuynh hướng giảm hoặc mất dần sự đồng thuận và quyết tâm. Trước lộ trình tự do hóa, Việt Nam có nguy cơ bị giới đầu tư quốc tế bỏ rơi…

  • Chưa đối xử công bằng giữa các doanh nghiệp

Tại diễn đàn, nhiều ý kiến có cùng quan điểm khi cho rằng, các DN gặp khó như hiện nay ngoài những yếu tố khách quan, còn do chính vấn đề nội tại của nền kinh tế, do chính sách không nhất quán và thiếu công bằng. Ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Công ty Thép Việt chứng minh, bao năm qua, chúng ta hô hào để thu hút đầu tư bằng nhiều chính sách ưu đãi. Đơn cử như các DN FDI trong ngành, họ sản xuất thép tại Việt Nam, sử dụng đường sá của Việt Nam nhưng không phải chịu đồng thuế nào, tương tự với nhiều DN khác như Coca-Cola hoạt động ở Việt Nam hơn 10 năm, nhưng lại đến nay vẫn không phải đóng thuế. Các DN nhà nước được hưởng quá nhiều ưu ái nhưng khi đổ bể thì không ai chịu trách nhiệm. Riêng các DN tư nhân hiện đang phải chịu quá nhiều áp lực từ các cơ chế chính sách đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước... Khó khăn đã làm cho hàng loạt DN phải phá sản nhưng lỗi chưa hẳn là do DN yếu kém.

Cùng quan điểm trên, ông Dương Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Hùng Vương, nhìn nhận, ngay từ năm 2011, nút thắt về tiền tệ và lãi suất đã có vấn đề nhưng lại chậm tháo gỡ. Trả lời câu hỏi, vì sao con cá tra, cá basa đang độc quyền tại nhiều thị trường nhưng vẫn không thể nâng giá bán lên được, ông Dương Ngọc Minh thẳng thắn: “Tất cả cũng chỉ từ cơ chế chính sách bất hợp lý mà ra. Cụ thể, năm 2012, khi các ngân hàng không gia hạn cho DN thì buộc họ phải bán đổ bán tháo để quay vòng vốn, trả nợ cho ngân hàng. Các hộ nuôi trồng thủy sản cũng rơi vào tình trạng tương tự…”.

Để giảm bớt khó khăn, cứu vãn nguy cơ phá sản hàng loạt của DN, Chính phủ đã và đang thực hiện biện pháp giãn, giảm thuế cho DN. Nhưng theo các chuyên gia, cách làm này chưa đủ. Vấn đề quan trọng là phải tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh cho các DN cùng hoạt động, cạnh tranh và phát triển. Đơn cử như trong thời điểm nợ xấu vẫn còn ở mức cao, DN bị dồn vào thế chân tường thì buộc các ngân hàng phải hy sinh nhiều hơn. Và trong tình huống đặc biệt, Chính phủ phải có những giải pháp đặc biệt nhưng đến giờ vẫn chưa thấy. Nói theo cách của PGS-TS Trần Đình Thiên: “Có vẻ như Chính phủ vẫn chưa tin DN?”.

Tại diễn đàn, nhiều DN cũng cho rằng, họ đang tiến hành nhiều biện pháp để tái cấu trúc DN, đang nỗ lực để duy trì hoạt động bằng chính khả năng của mình, hoặc không dựa quá nhiều vào vốn ngân hàng. Đây là một tín hiệu vui, vì càng nhiều DN có cách nghĩ, cách làm như vậy, chắc chắn trong thời gian không xa, Việt Nam sẽ có một đội ngũ DN đủ mạnh để vươn ra thế giới.

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục