Đổi mới phương pháp tiếp cận nghèo đói

Ngày 14-9, tại Hà Nội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tổ chức tọa đàm phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều, kinh nghiệm quốc tế và khả năng áp dụng ở Việt Nam.

Ngày 14-9, tại Hà Nội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tổ chức tọa đàm phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều, kinh nghiệm quốc tế và khả năng áp dụng ở Việt Nam.

Các đại biểu dự tọa đàm cho rằng, trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã quan tâm đến chính sách đối với người nghèo thông qua việc đầu tư nguồn lực trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước. Nguồn lực của Nhà nước dành cho công việc này rất lớn, chủ yếu tập trung cho các vùng nông thôn, miền núi, có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của các tổ chức, đóng góp của cộng đồng, xã hội cũng góp phần to lớn trong việc thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo. Thông qua tác động, hiệu quả thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước và các huyện nghèo giảm nhanh, hoàn thành vượt mục tiêu Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, công tác giảm nghèo còn những hạn chế làm một bộ phận người nghèo chưa thoát nghèo một cách bền vững; số hộ nghèo còn tập trung ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa hoặc những môi trường dễ bị tổn thương trước sự phát triển của nền kinh tế...

Để giảm nghèo bền vững, theo các đại biểu cần phải nghiên cứu, xem xét phương thức xác định hộ nghèo, đánh giá, phân loại tình trạng nghèo, các yếu tố tác động đa chiều tới nghèo đói trong điều kiện mới để từ đó xác định nhóm chính sách ưu tiên và nhóm chính sách có khả năng chuyển thành nhóm chính sách thường xuyên với mục tiêu, phương pháp và mô hình quản lý phù hợp với giai đoạn mới của chính sách giảm nghèo bền vững đặt ra.

Theo kế hoạch, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ hoàn thành đề án tổng thể về đổi mới phương pháp tiếp cận nghèo đói Việt Nam từ đơn chiều sang đa chiều, báo cáo Ban chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững cho ý kiến trước khi trình Thủ tướng Chính phủ quyết định (tháng 10-2014). Năm 2015, bộ sẽ xây dựng các chính sách, chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

T.T.X.

Tin cùng chuyên mục