Một thực tế là trong nhiều năm gần đây, Bộ GD-ĐT liên tục có những đổi mới về thi cử, tuyển sinh. Sau hàng chục năm ổn định với kỳ thi đại học “3 chung” thì 2 năm qua, bộ đã thực hiện đổi mới mạnh mẽ công tác thi, tuyển sinh ĐH-CĐ. Từ 4 đợt thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ mỗi năm trước đây nay chỉ còn một kỳ thi duy nhất với hai mục đích. Việc tổ chức một kỳ thi với hai mục đích như hiện nay được Bộ GD-ĐT khẳng định là thực hiện theo đúng Luật Giáo dục quy định xét tốt nghiệp THPT và đúng Luật Giáo dục Đại học quy định quyền tự chủ tuyển sinh của các nhà trường.
Tuy nhiên, dù kỳ thi “2 trong 1” đã triển khai được 2 năm thì xã hội vẫn chưa thực sự tâm phục khẩu phục với phương án này. Hiện vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về phương án thi cử, xét tuyển của Việt Nam. Phổ biến nhất là băn khoăn khó có thể đạt được hai mục đích một cách trọn vẹn với một kỳ thi như hiện nay vì yêu cầu của xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ khác nhau. Đó là chưa kể, với thực tế xét tuyển còn nhiều rối rắm, bất hợp lý trong 2 mùa tuyển sinh 2015 (lộn xộn, được ví như sàn chứng khoán) và 2016 (tỷ lệ ảo quá cao, các trường vất vả trong tuyển sinh) càng khiến xã hội băn khoăn nhiều với phương án xét tuyển hiện hành.
Nhiều ý kiến cho rằng, trên thực tế chỉ có khoảng 60 - 70 trường đại học có tính cạnh tranh cao trong tổng số gần 450 trường ĐH-CĐ, vậy có cần thiết tổ chức thi chung để phục vụ tuyển sinh cho tất cả các trường? Nhiều người cũng đặt vấn đề có nên tiếp tục tổ chức thi theo kiểu truyền thống như hiện nay hay chuyển sang phương thức thi hiện đại hơn theo hướng tiếp cận đánh giá năng lực của thí sinh với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin (tương tự phương pháp thi đánh giá năng lực mà Đại học Quốc gia Hà Nội đang triển khai)…
Từ những băn khoăn đó, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường ĐH-CĐ, các sở GD-ĐT đề xuất phương án thi/xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ chính quy cho năm 2017 và những năm tiếp theo. Kết quả tổng hợp đề xuất của các sở GD-ĐT, các trường ĐH-CĐ cho thấy, nhiều sở GD-ĐT muốn được chủ động tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT; trong khi đó các trường đại học muốn được tự chủ trong tuyển sinh vào trường mình. Bộ đã thành lập Tổ công tác để nghiên cứu, đánh giá, xây dựng phương án tối ưu nhất để sớm công bố vào đầu năm học tới.
Được biết, hiện Bộ GD-ĐT đã dự thảo ban đầu về một số phương án thay đổi kỳ thi THPT và xét tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2017 để xin ý kiến góp ý. Theo đó, đối với việc tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp, Bộ dự kiến sẽ giao cho các sở GD-ĐT làm dưới sự chỉ đạo của UBND các tỉnh, thành phố. Bộ sẽ ban hành quy chế thi và có thể ra đề thi. Cách thức ra đề thi cũng dự kiến sẽ theo các dạng bài thi tổng hợp với 5 bài thi. Trong đó, 3 bài thi bắt buộc là toán, văn, ngoại ngữ; 2 bài thi còn lại là tổng hợp các môn khoa học xã hội và khoa học tự nhiên. Ngoài 3 môn thi bắt buộc, thí sinh có quyền lựa chọn một trong 2 bài thi khoa học xã hội hay khoa học tự nhiên để làm bài.
Về tuyển sinh đại học, có 2 phương án. Hoặc Bộ GD-ĐT vẫn sẽ tổ chức thi chung để giúp các trường đại học có nhu cầu (bên cạnh các trường tự tổ chức thi riêng). Với những trường lấy kết quả của kỳ thi chung của Bộ để tuyển sinh thì phải bắt buộc tham gia vào phần mềm xét tuyển chung của Bộ để tránh tình trạng “ảo”. Còn nếu các trường đại học tự tổ chức thi tuyển sinh riêng, Bộ sẽ đưa ra những quy định yêu cầu các trường phải đảm bảo không tái diễn tình trạng luyện thi vào ĐH như trước khi thi “3 chung”; không tổ chức thi tập trung ở thành phố, khiến thí sinh ở tất cả các tỉnh lại phải đổ dồn về trọ thi như trước kia. Trong thời gian tới, Bộ sẽ họp với các trường ĐH-CĐ để lấy ý kiến, sau đó báo cáo Chính phủ về phương án thi, tuyển sinh 2017.
Như vậy, chắc chắn năm học 2016 - 2017 này, học sinh tiếp tục là đối tượng chịu tác động của việc đổi mới thi cử, xét tuyển. Nếu dự kiến giao cho các địa phương tổ chức thi tốt nghiệp được triển khai thì có thể thuận tiện hơn cho thí sinh, các địa phương, bởi đó vốn là mong muốn của địa phương và xã hội mấy năm gần đây. Nhưng đề thi tốt nghiệp do Bộ GD-ĐT ra hay do các sở GD-ĐT ra, đề thì vẫn theo truyền thống là chia thành các môn hay có bài thi tổng hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội… là điều cần tiếp tục tính toán, lấy ý kiến một cách thận trọng. Tương tự, kỳ thi tuyển sinh theo phương án nào: giao hoàn toàn cho các trường tự tổ chức hay Bộ GD-ĐT vẫn đứng ta tổ chức kỳ thi chung… cũng là vấn đề rất quan trọng mà Bộ GD-ĐT phải cân nhắc.
Hơn ai hết, học sinh vô cùng mong muốn Bộ GD-ĐT sớm có một phương án thi cử, tuyển sinh tối ưu, ổn định trong nhiều năm để các em hết cảnh năm nào cũng phải phập phồng chờ đợi thông tin mới về thi cử. Nhưng cũng hơn ai hết, các em mong muốn Bộ GD-ĐT thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng, không vì áp lực của dư luận mà quá vội vàng trong việc đưa phương án thi cử, tuyển sinh, để rồi năm nào xã hội cũng phải chứng kiến những bất hợp lý của việc đổi mới.
Có thể hiểu rất rõ ràng, việc xây dựng một phương án thi, tuyển sinh tối ưu nhất là điều rất quan trọng. Nhưng chính sách tuyển sinh cũng chỉ là một công đoạn đầu của quá trình đào tạo. Chính sách tuyển sinh tốt là để đảm bảo chất lượng đầu vào và là điều kiện cần để có chất lượng đầu ra. Còn để có chất lượng đầu ra tốt, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động thì đào tạo đại học của Việt Nam cần phải thay đổi rất nhiều khâu, trong đó bắt buộc phải có Khung trình độ Quốc gia để chuẩn hóa chất lượng đào tạo.
PHAN THẢO