Đổi mới truyền thông, đưa vải thiều và nông sản Việt Nam vươn ra thế giới

Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ TT-TT phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang, UBND tỉnh Hải Dương tổ chức diễn đàn “Vietnamese Lychees go global - Vải thiều Việt Nam vươn ra thế giới” và khai trương triển lãm số, gian hàng số cùng chủ đề. 

Chương trình nhằm thảo luận các giải pháp đưa vải thiều Việt Nam đến gần hơn với người tiêu dùng trên khắp thế giới và tạo điều kiện cho bạn bè thế giới dễ dàng biết, hiểu và tiếp cận thuận tiện hơn quả vải thiều Việt Nam. 

Năm 2022, vải thiều Việt Nam dự báo là được mùa, với sản lượng khoảng 320.000 tấn. Hiện vải thiều Việt Nam, với hai vùng trồng nổi tiếng là Thanh Hà (Hải Dương) và Lục Ngạn (Bắc Giang), đã có mặt ở trên 30 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, để có được sản phẩm vải thiều đạt chất lượng vào các thị trường yêu cầu cao, mà ở Việt Nam thường gọi vui là thị trường “khó tính” đòi hỏi người nông dân, cán bộ kỹ thuật, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước phải cùng nhau hợp lực để xây dựng được chuỗi các quy trình nghiêm ngặt, khép kín từ khâu lựa chọn thổ nhưỡng, chăm sóc cây trồng đến chế biến và tiêu thụ.

Tại diễn đàn, các tham luận được đại diện của hai tỉnh Hải Dương, Bắc Giang trình bày mang đến thông tin hữu ích về định hướng vùng trồng vải an toàn tại các địa phương cũng như các giải pháp để hiện thực hóa mong muốn mở rộng thị trường xuất khẩu vải thiều. 

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Anh Tuấn cho biết, với mong muốn mở hướng thông tin đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế, đầu tư, tăng thứ hạng hình ảnh quốc gia, Bộ TT-TT đổi mới nhiệm vụ truyền thông quảng bá theo hướng quảng bá từ địa phương, đi từ khung truyền thông thống nhất, trong đó có quảng bá về sản vật địa phương  để các cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế, báo chí nước ngoài tiếp cận nhiều hơn về những nông sản đặc trưng vùng miền của Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn, Việt Nam đã đàm phán, ký kết và thực hiện 17 hiệp định thương mại tự do. Với năng lực tốt về nguồn cung, cùng với quá trình mở cửa hội nhập sâu rộng, Việt Nam đã từng bước khẳng định vị trí trên thị trường nông sản thế giới. Nếu như kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2000 đạt 4,2 tỷ USD thì đến năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 48,6 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2020…

Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn khẳng định, Bộ TT-TT sẽ nỗ lực hết mình để mang đến cho người dân thế giới những nông sản Việt Nam ngon, đảm bảo chất lượng và an toàn trong sử dụng.

Tin cùng chuyên mục