Hôm qua, 28-12, trên 400 lãnh đạo các trường ĐH-CĐ trên toàn quốc đã cùng họp với nhau tại Hà Nội để bàn về công tác tuyển sinh 2014, tổng kết những mặt được, chưa được của giáo dục đại học trong năm 2013 và quan trọng hơn là thực hiện việc đổi mới giáo dục đại học trong năm 2014.
Trái ngược với tiết trời lạnh giá của Hà Nội, những vấn đề của giáo dục đại học không chỉ bây giờ mà chưa bao giờ hết nóng trong mối quan tâm của xã hội, của bất cứ ai quan tâm đến nền giáo dục Việt Nam. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi mà năm học 2013 - 2014 là năm đầu tiên toàn ngành bắt đầu triển khai thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT thì việc hệ thống giáo dục đại học Việt Nam sẽ “chuyển mình” như thế nào để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho đất nước càng trở nên là mối quan tâm đặc biệt không chỉ đối với người học. Chính vì thế, cùng với những thông tin sốt dẻo về tuyển sinh 2014, những vấn đề yếu kém nội tại của giáo dục đại học Việt Nam lại thêm một lần được mổ xẻ.
Đổi mới giáo dục đại học xét cho cùng là để có được những sản phẩm đầu ra đạt chuẩn, mà trong bối cảnh hiện nay là đạt chuẩn quốc tế. Nói như Hiệu trưởng ĐH Hàng hải Lương Công Nhớ, đổi mới là phải bảo đảm sinh viên ra trường phải có việc làm, và quan trọng hơn, phải bảo đảm bằng cấp đại học Việt Nam đạt chuẩn khu vực và thế giới. Đây cũng là điều chia sẻ của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khi cho rằng, mục đích của ĐH-CĐ là cung cấp nguồn nhân lực, là người học ra có đáp ứng được yêu cầu công việc không, có làm được việc không. “30% sinh viên ĐH-CĐ ra trường không xin được việc cho thấy chất lượng có vấn đề. Không có cách nào khác phải thay đổi căn bản hoạt động giáo dục đại học. Mục đích là đào tạo ra những con người có đạo đức, kiến thức, kỹ năng sống tốt, nhất là kỹ năng hội nhập quốc tế. Ngành giáo dục cũng phải đi đầu trong hội nhập quốc tế”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề.
Mang đến hội nghị của ngành giáo dục chiếc ổ cắm đa năng và chiếc USB tiện dụng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra để kể lại câu chuyện những năm trước đây để nhấn mạnh rằng, đổi mới giáo dục đại học cũng như con đường tìm kiếm công nghệ mới, đòi hỏi phải đạt được sự hội nhập quốc tế. “Những năm trước đây, tôi và các cộng sự khác khi đi công tác nước ngoài phải sử dụng ổ cắm, dây điện mang từ trong nước ra để là quần áo ở khách sạn nhằm tiết kiệm chi phí, ổ cắm thiếu tương thích với hệ thống điện của nước bạn nên có lúc gây ra sự cố ngoài ý muốn. Những năm đó, cán bộ đi công tác nước ngoài thì món quý giá được chờ đợi là ổ cắm đa năng được mang về từ nước bạn. Nhưng giờ đây điện quang của Việt Nam đã sản xuất được ổ cắm đa năng. Xa hơn nữa là USB dữ liệu, chứa được nhiều dữ liệu, máy tính nào cũng dùng được. Làm sao để người Việt Nam như những ổ cắm đa năng, phải đạt chuẩn quốc tế. Giờ phải làm sao để người Việt Nam đi ra nước ngoài, đâu cũng có thể thích ứng được”, Phó Thủ tướng gợi mở.
Những phát biểu hôm qua của các trường ĐH ở khắp mọi miền đất nước cũng đều gặp nhau ở một điều, đổi mới giáo dục đại học phải tạo ra những con người có khả năng thích ứng, hội nhập. Nhưng để hội nhập được, phải có chuẩn để đổi mới và phải theo chuẩn quốc tế, không thể theo kiểu mạnh ai nấy làm như hiện nay. Hội nhập quốc tế như chia sẻ của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phải bắt đầu từ tên gọi tiếng Anh của các trường đại học đang rất thiếu thống nhất hiện nay, từ đội ngũ giảng viên chưa đáp ứng yêu cầu. “Việt Nam có nhiều GS, PGS, nhưng có bao nhiêu GS có thể nói chuyện, giảng bài ở các trường đại học trên thế giới. Hay tên gọi tiếng Anh của các trường đã chả đâu vào đâu thì làm sao đòi hội nhập được, làm sao đòi sinh viên Việt Nam được nhận học ở các trường quốc tế. Tên gọi chỉ là việc rất nhỏ, nhưng thể hiện nhận thức chung của toàn hệ thống. Chúng ta đang chịu những sức ép lớn mà quên đi những điều căn bản nhất, vì thế cần phải nhìn lại đúng thực trạng của giáo dục đại học Việt Nam ở đâu để đổi mới”, Phó Thủ tướng nêu vấn đề.
Có thể nói, đổi mới giáo dục đã là yêu cầu sống còn đối với ngành giáo dục, với từng cơ sở giáo dục. Vấn đề còn lại là ngành giáo dục sẽ chọn đột phá ở khâu nào: cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo hay quản trị, quản lý nhà nước. Dù đột phá ở khâu nào thì yêu cầu đặt ra là phải đạt được mục tiêu cuối cùng, đó là tạo ra lực lượng nhân lực đáp ứng được yêu cầu của quá trình hội nhập sâu rộng hiện nay.
PHAN THẢO