Đổi mới từ việc nhỏ

Hôm qua 29-7, ngành giáo dục tổng kết năm học 2013 - 2014 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2014 - 2015. Nhiều thông tin nóng hổi đã được đưa ra tại hội nghị này để chuẩn bị sẵn sàng cho một năm học mới nhiều hy vọng. Và tất nhiên, cũng còn đó những băn khoăn trăn trở về những yếu kém mà ngành giáo dục Việt Nam đang phải khắc phục.

Hôm qua 29-7, ngành giáo dục tổng kết năm học 2013 - 2014 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2014 - 2015. Nhiều thông tin nóng hổi đã được đưa ra tại hội nghị này để chuẩn bị sẵn sàng cho một năm học mới nhiều hy vọng. Và tất nhiên, cũng còn đó những băn khoăn trăn trở về những yếu kém mà ngành giáo dục Việt Nam đang phải khắc phục.

Năm học 2013 - 2014 là năm học đầu tiên thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Thực tế, Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT ra đời mới chỉ khoảng 9 tháng (Nghị quyết được ban hành ngày 4-11-2013), tức là chưa đủ dài để ngành giáo dục có thể thực hiện những kế hoạch đổi mới của mình. Ngay cả kế hoạch hành động của ngành giáo dục triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết này cũng vừa mới được Bộ GD-ĐT ban hành cách đây 2 ngày. Còn trước đó, những nội dung đổi mới tuy đã được ngành giáo dục triển khai nhưng còn quá nhiều khó khăn. Đơn cử như dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình - SGK phổ thông sau năm 2015 đã bị “gác” lại do sự chuẩn bị vội vàng, thiếu chu đáo cùng với những lùm xùm xung quanh vụ việc này. Hàng loạt các vấn đề mà ngành giáo dục phải đổi mới căn bản, toàn diện vẫn chưa được hoàn thiện.

Thế nhưng, dù mọi việc mới chỉ trong quá trình khởi động thì không thể phủ nhận, năm học 2013 - 2014 khép lại với khá nhiều thành tích mà bất cứ ai quan tâm đến ngành giáo dục cũng có thể nhận thấy. Nóng hổi nhất là thành tích xuất sắc của các em học sinh Việt Nam tại những kỳ Omlimpic quốc tế hóa học, toán học, sinh học, vật lý.. đã làm rạng danh Việt Nam trên đấu trường quốc tế về học tập. Tiếp đó là sự hài lòng của xã hội do ngành giáo dục tiến hành đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ. Lần đầu tiên sau nhiều năm các em chỉ phải thi tốt nghiệp 4 môn, trong đó có 2 môn tự chọn; cũng lần đầu tiên 62 trường ĐH-CĐ thực hiện tuyển sinh riêng sau hơn 10 năm thực hiện kỳ thi ĐH-CĐ “3 chung”.

Dấu ấn đặc biệt nhất của 2 kỳ thi này là những đề thi đã đánh giá sát năng lực học sinh, đã mang đậm hơi thở cuộc sống, hòa cùng nhịp đập thời sự của dân tộc về biển Đông trong các đề văn, sử địa. Cách đổi mới đề thi theo hướng mở, tạo điều kiện cho học sinh vận dụng được kiến thức, thay vì phải học thuộc lòng đã được xã hội ghi nhận. Cách ra đề thi như vậy đã tác động đến nhận thức của giáo viên và học sinh, thay đổi phương pháp dạy và học để loại bỏ dần kiểu học truyền thụ một chiều “đọc và chép”. Như Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã khẳng định trong ngày 29-7, việc đổi mới thi, công nhận tốt nghiệp THPT năm 2014 đã tạo ra sự thay đổi có tính chất bước ngoặt về chất trong đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy của giáo viên và tư duy quản lý giáo dục. Đó cũng là những dấu ấn nổi trội nhất của năm học vừa qua - năm học đầu tiên thực hiện tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW.

Bước vào năm học 2014 - 2015, ngành giáo dục đứng trước thách thức phải tăng tốc “trận đánh lớn” về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, tăng tốc trong điều kiện bức tranh giáo dục vẫn còn nhiều gam màu xám, bị nhiều sức ép. Vì đổi mới giáo dục đã rất cấp bách, nhưng đổi mới cũng đòi hỏi phải toàn diện, hướng tới mục tiêu lâu dài chứ không phải là giải pháp tình thế. Trong bài phát biểu hôm qua 29-7 tại hội nghị của ngành giáo dục, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định, “phi trí bất hưng”, một quốc gia muốn phát triển thì phải có một nền giáo dục tốt. “Việt Nam vẫn rất thiếu nguồn nhân lực trình độ cao. Có doanh nghiệp vào Việt Nam đầu tư cần 1.500 nhân lực trình độ cao nhưng sau mấy tháng chỉ tìm được mấy chục người, vì vậy học phải chuyển hướng đầu tư. Các kỳ thi khu vực, quốc tế cho thấy con em Việt Nam không thua bất cứ quốc gia nào. Cần nhìn rõ những hạn chế của giáo dục phổ thông, giáo dục đại học để khắc phục”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

“Tại sao không dạy cho các em học sinh bắt đầu từ việc nghiêm trang chào cờ? Còn dạy thêm, học thêm, chạy điểm không?”, đó là những câu hỏi của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mà ngành giáo dục hoàn toàn có thể giải đáp, ngay từ năm học mới này. Bởi có những việc đổi mới có thể làm ngay mà không cần đợi có đề án, có tiền... mới làm được. Như Phó Thủ tướng đã chỉ ra: đổi mới cách giáo dục đạo đức cho học sinh, bắt đầu từ hoạt động chào cờ trong nhà trường; chấn chỉnh kỷ cương trong giáo dục, trường lớp mà giáo viên là những tấm gương phải gương mẫu đầu tiên. Điều đó có nghĩa, phải thực hiện đổi mới giáo dục toàn diện, nhưng cũng cần đổi mới ngay từ những việc nhỏ nhất, với tất cả lương tâm, trách nhiệm, vì tương lai con em, vì đất nước trường tồn.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục