Tại buổi họp công bố tiêu hủy hàng giả, hàng nhái, do Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN) tổ chức tại Hà Nội hôm 21-10, đã xảy ra một sự việc rất đáng chê trách. Một số cán bộ, người lao động có liên quan đến việc tiêu hủy, có cả một số nhà báo, đã chen vào tranh nhau lấy những chiếc túi xách, ví da, mắt kính… là tang vật hàng nhái đã bị tịch thu, chuẩn bị tiêu hủy.
Ảnh cắt từ clip chen nhau lấy hàng tiêu hủy
Việc kiểm tra, tịch thu và tiêu hủy các sản phẩm nhái các thương hiệu đã đăng ký bảo hộ của nước ngoài hoàn toàn được dư luận đồng tình và đánh giá cao, vì thiết thực bảo vệ sản xuất, bảo hộ thương hiệu và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Vậy mà thật đáng tiếc khi Bộ KH-CN tổ chức công khai tiêu hủy hàng giả, hàng nhái lại xảy ra sự cố nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của việc thực thi pháp luật về sở hữu công nghiệp, gây dư luận xấu trong xã hội. Xem video clip, ai cũng thấy xấu hổ cho những con người đánh mất lòng tự trọng đến mức nhào vào hôi của, dù biết là hàng gian; mạnh ai nấy lấy. Có lẽ họ không muốn bỏ qua cơ hội được mang về nhà làm quà cho người thân, bạn bè, hay ít ra để cho bản thân mình được sử dụng… miễn phí những chiếc túi xách hay cặp kính nhái hàng hiệu, nếu không nhanh tay lẹ chân thì những tang vật này sẽ bị cắt vụn ra bỏ vào thùng rác thì cũng uổng phí. Thay vì bỏ ra vài trăm ngàn đến cả chục triệu đồng để mua hàng hiệu, họ chấp nhận chen lấn chút đỉnh và sứt mẻ nhân cách khi làm việc phản cảm đến mức thiếu văn hóa như vậy ở nơi có hàng trăm người chứng kiến, mặc cho những ống kính truyền hình hay các smartphone đang ghi hình, miễn vơ được hàng gian. Thật kinh ngạc khi họ chẳng phải là những kẻ lưu manh hay người nghèo khó, mà báo cáo của Bộ KH-CN thừa nhận đó là “một số cán bộ, người lao động có liên quan đến việc tiêu hủy” và khẳng định không hề có người dân bên ngoài vào. Thật đáng trách khi trong đó có cả một vài nhà báo. Vài nhà báo đến đưa tin lại vào cuộc “ăn hôi” không hề là hình ảnh đại diện cho báo giới, nhưng thật đau lòng khi “con sâu làm rầu nồi canh”. Chắc chắn những nhà báo chân chính sẽ không thể gọi họ là “đồng nghiệp”.
Năm 2013, vụ đám đông ở Đồng Nai lao vào hôi của khi một xe tải chở bia bị lật là một câu chuyện rất đáng trách và đáng xấu hổ, đã bị dư luận phê phán kịch liệt. Sau đó, hiệu ứng cộng đồng đã mang lại sự chuyển biến tích cực khi cùng lên án hành vi hôi của, nhiều người đã không ngại dừng lại nhặt tiền rơi, nhặt hàng hóa giùm nạn nhân trên đường. Vậy mà bây giờ lại tiếp diễn chuyện hôi của, không diễn ra ngoài đường, mà ngay tại buổi tiêu hủy tang vật. Vụ hôi bia ở Đồng Nai trước đây, nhiều người hôi của đã bị cơ quan công an triệu tập. Vụ hôi hàng nhái, hàng giả này cũng cần phải xử lý để không bao giờ tái diễn. Hoan nghênh Bộ trưởng Bộ KH-CN đã chỉ đạo thanh tra, xem xét kiểm điểm nghiêm khắc và có hình thức kỷ luật đối với từng tổ chức, cá nhân liên quan vụ việc.
TIỂU QUỲNH
(quận 6, TPHCM)