Tuyên truyền ráo riết đi đầu, kiểm tra xử lý nghiêm theo sau. Đó là đúc kết mấu chốt đem lại thành công cho chiến dịch tuyên truyền việc đội nón bảo hiểm (NBH) cho trẻ em trên địa bàn TPHCM vừa kết thúc cách đây chưa lâu.
Tuyên truyền đến tận trường học, bệnh viện
Ngày 22-8-2012, Ban An toàn giao thông (ATGT) TPHCM ban hành kế hoạch số 281/KH-BATGT với nội dung thực hiện chiến dịch tuyên truyền kết hợp với tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm quy định bắt buộc đội NBH đối với trẻ em từ 6 tuổi trở lên.
Kế hoạch được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu kéo dài từ 1-9-2012 đến 31-12-2012 tập trung công tác vào địa bàn các quận 1, 9, 12, Bình Thạnh và Bình Tân. Giai đoạn 2, bắt đầu từ ngày 1-4-2013 kéo dài đến 15-5-2013, dành cho các quận 9, Gò Vấp và huyện Hóc Môn. Từ ngày 15-11-2013 đến hết ngày 15-12-2013 là giai đoạn 3 với địa bàn được thực hiện là các quận 9, Gò Vấp, Bình Tân, Tân Phú và huyện Hóc Môn.
Theo nhận xét của ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng Ban chuyên trách Ban ATGT thành phố, trong suốt quá trình chuẩn bị kế hoạch lẫn thời gian đầu triển khai thực hiện, cơ quan chức năng đã xác định tầm quan trọng của công tác tuyên truyền rộng rãi để người dân hiểu rõ vấn đề, từ đó tự giác và nhiệt tình hưởng ứng chương trình, đặc biệt phụ huynh học sinh có con em thuộc diện phải đội NBH bắt buộc khi ngồi trên mô tô.
Ông Tường nhấn mạnh rằng tuyên truyền không chỉ trên các phương tiện truyền thông đại chúng mà còn thông qua sự phối hợp giữa các đầu mối như Sở GD-ĐT, các phòng GD-ĐT quận huyện, Thành đoàn, Quỹ Phòng chống thương vong châu Á… Để rồi đến lượt mình, các đơn vị ấy lại tuyên truyền phổ biến tiếp xuống các cấp trực thuộc, liên quan. Có thể lấy ví dụ động tác tuyên truyền đơn giản nhưng không kém hiệu quả của Quỹ Phòng chống thương vong châu Á. Đó là Quỹ Phòng chống thương vong châu Á ký kết biên bản hợp tác với Bệnh viện Chợ Rẫy để lắp đặt hệ thống truyền thông, màn hình ti vi tuyên truyền về NBH tại Khoa Chấn thương sọ não hoặc phối hợp với Sở GD-ĐT tổ chức các ngày hội gia đình với nhiều chủ đề khác nhau như “NBH và an toàn giao thông”, “Trẻ em cũng phải đội NBH”, “Em yêu NBH”…
Tương tự, Công an TPHCM chọn cách phối hợp với các sở ngành, đoàn thể để tổ chức hội thi, tuyên truyền cho 60 cơ quan, 122 trường học về những quy định liên quan đến đội NBH khi tham gia giao thông, những nguy cơ xảy ra đối với trẻ em khi không được đội NBH hoặc đội NBH kém chất lượng.
Ông Tường cho rằng đấy cũng là một hình thức tuyên truyền mang lại hiệu quả thiết thực, vừa tạo sân chơi bổ ích vừa giúp người dân tiếp thu những kiến thức về pháp luật giao thông, đặc biệt những quy định về đội NBH cho trẻ em.
Trong khi đó, Ban ATGT các quận huyện nghiêng về cách tuyên truyền theo hướng triển khai đến các trường tiểu học đóng trên địa bàn, tập trung vào các nội dung đẩy mạnh hoạt động giáo dục, tuyên truyền, nhắc nhở tạo ý thức cho học sinh rồi thông qua học sinh tác động đến cha mẹ về ý thức đội NBH cho trẻ em khi tham gia giao thông hoặc phối hợp với công an các phường tổ chức tuyên truyền ở một số tổ dân phố về cùng chủ đề.
Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm
Nhưng sẽ rất khó, nếu không muốn nói là không thể đạt được mục tiêu cải thiện thói quen không đội NBH cho trẻ em nếu song song với khâu tuyên truyền, cơ quan chức năng không coi trọng công tác tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.
Có lẽ chính vì thế mà trong suốt thời gian triển khai chiến dịch, hàng ngày các đơn vị cảnh sát giao thông các quận huyện đều có kế hoạch tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm đối với những trường hợp trẻ em ngồi trên xe máy nhưng không đội NBH. Trong khi đó, hàng tuần từ thứ hai đến thứ sáu, mỗi ngày Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ đều bố trí một tổ công tác tại các quận huyện trọng điểm. Nhiệm vụ của các tổ công tác này là tổ chức chốt chặn, tuần tra cơ động, kiểm tra xử lý vi phạm trong khoảng thời gian từ 16 - 18 giờ tại các tuyến đường, giao lộ gần khu vực trường học.
Chính từ sự ráo riết và nhịp nhàng tuần tra, kiểm soát ấy mà số lượng vi phạm cũng đồng thời giảm dần theo từng giai đoạn. Trong giai đoạn đầu tiên của chiến dịch, lực lượng chức năng đã xử lý 2.879 trường hợp vi phạm về đội NBH bắt buộc cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên, nhưng con số đó đã giảm dần xuống còn 647 trường hợp trong giai đoạn 2 và 509 trường hợp trong giai đoạn 3.
Tỷ lệ nghịch với sự đi xuống của số trường hợp vi phạm về đội NBH bắt buộc cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên là số lượng tăng dần phụ huynh cho con em đội NBH khi ra đường. Số liệu thống kê từ Ban ATGT TPHCM cho thấy nếu như trước khi triển khai chiến dịch, tỷ lệ trẻ em có đội NBH khi ngồi trên xe máy chỉ khoảng 13% - 15%, sau khi kết thúc giai đoạn 1 của chiến dịch, tỷ lệ trẻ em có đội NBH tăng lên thành 40% rồi lần lượt tương ứng thành 60% và 80% - 90% cho 2 giai đoạn tiếp theo.
Có nhiều điều đáng để suy nghĩ chung quanh những số liệu thống kê vừa nêu. Trên tất cả, có một câu hỏi đặt ra bây giờ, sau khi chiến dịch tuyên truyền kiểm tra khép lại, đó là tỷ lệ cao về trẻ em chấp hành đội NBH khi ngồi trên xe máy như đã được ghi nhận vẫn sẽ duy trì, tăng trưởng hơn nữa hay sẽ giảm dần trong thời gian tới?
THIỆN NHÂN