Đối phó với thời tiết bất thường

Có thể nói chưa bao giờ TPHCM lại đối diện với nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu như hiện tại và cả trong tương lai. Năm 2011 được dự báo là một năm rất phức tạp trong việc đối phó với diễn biến thất thường của thời tiết.
Đối phó với thời tiết bất thường

Có thể nói chưa bao giờ TPHCM lại đối diện với nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu như hiện tại và cả trong tương lai. Năm 2011 được dự báo là một năm rất phức tạp trong việc đối phó với diễn biến thất thường của thời tiết.

Dòng chảy xáo trộn

Diễn biến thủy văn đang đặt ra nhiều vấn đề không chỉ cho cơ quan quản lý. Thống kê giai đoạn 10 năm, từ 2001-2010, dòng chảy thủy văn về các hồ chứa thuộc khu vực Nam bộ tiếp tục có xu thế giảm nhẹ so với những năm trước. Dòng chảy năm chênh lệch đến 20%-30% so với mức trung bình nhiều năm, trừ các năm 2002 và 2003. Riêng năm 2010, dòng chảy bị hụt lên tới 45%-52% so với trung bình nhiều năm. Nguyên nhân dòng chảy xuống mức thấp như thế được xác định là do lượng mưa trên lưu vực các hồ đều giảm mạnh so với trung bình nhiều năm. Hồ Dầu Tiếng trong năm 2010 có lưu lượng về xuống đến mức thấp nhất từ năm 1995 đến nay!

Một góc mảng xanh bên cạnh cầu Tân Thuận, quận 4. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Một góc mảng xanh bên cạnh cầu Tân Thuận, quận 4. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Ngay cả mùa lũ, dòng chảy về các hồ chứa chính cũng suy giảm. Lượng dòng chảy mùa lũ chỉ dao động từ 77%-89% so với dòng chảy cả năm, còn tính trung bình chỉ chiếm khoảng 85%. Nói cách khác, lưu lượng bình quân mùa lũ về các hồ đều xuống mức thấp nhất trong dãy số liệu nhiều năm và bị hụt trung bình khoảng 50%. Trong mùa lũ năm 2010, lượng mưa trên lưu vực hồ Trị An chỉ nhỏ hơn trung bình khoảng 16% thế nhưng lượng dòng chảy lại nhỏ hơn trung bình tới 55%. Tính ra cả giai đoạn 10 năm qua, dòng chảy mùa lũ đã giảm khoảng 5% so với thời kỳ trước đó.

Số liệu tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn cho thấy, trong thời kỳ 1979-2009 mức nước có sự gia tăng trung bình là 8,3mm/năm. Sự gia tăng mực nước đó ngoài ảnh hưởng của triều trên biển Đông còn có những nguyên nhân khác bắt nguồn từ biến đổi khí hậu gây ra.

Bão ngay trong mùa khô!?

Số liệu thống kê từ Đài Khí tượng - thủy văn khu vực Nam bộ cho thấy, từ năm 2000 đến hết năm 2010 tổng cộng đã có 123 cơn bão xảy ra trên biển Đông, thời gian xảy ra bão nhiều nhất là tháng 8 với 23 cơn và năm có bão nhiều nhất là 2008 với 15 trận bão. Điều đáng quan ngại là so với thống kê bão trước đó, bão giờ đây đã trở nên bất thường và khó lường. Chẳng thế mà trước đây trong thời gian từ tháng 2-4, tức là các tháng mùa khô, hầu như không có bão thì trong 10 năm qua đã có 3 cơn bão. Điều này đồng nghĩa mùa bão xuất hiện sớm và kéo dài hơn trước đây. Các chuyên gia cho rằng, không loại trừ khả năng sự biến đổi khí hậu với nhiệt độ bề mặt biển trên khu vực này luôn cao hơn và xấp xỉ 270C chính là nguồn cơn gây ra sự bất thường này.

Không những thế số lượng những cơn bão có cường độ rất mạnh hoạt động trên biển Đông, mạnh từ cấp 12 trở lên cũng ngày một nhiều hơn mà tiêu biểu là trận bão Xangsane năm 2006 và bão Megi năm 2010. Đường đi của bão cũng ngày một phức tạp và khó dự báo.

Riêng địa bàn TPHCM, trong 10 năm qua đã xảy ra nhiều loại thiên tai gây thiệt hại về người và tài sản như áp thấp nhiệt đới, bão, lốc xoáy, sấm sét, sạt lở bờ sông, triều cường, mưa to gây ngập úng kéo dài. Đặc biệt có 2 cơn bão đổ bộ trực tiếp vào địa bàn TPHCM là cơn bão Linda xảy ra ngày 2-11-1997 và cơn bão Durian ngày 5-12-2006. Cả hai đều gây ra những thiệt hại nặng nề về tài sản hoa màu.

Việc cần làm ngay trong năm 2011

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD đã xếp TPHCM vào trong danh sách 10 thành phố của thế giới bị đe dọa nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu. Mưa lũ, triều cường ngày càng có xu hướng gia tăng trên địa bàn, đe dọa tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của hàng triệu cư dân thành phố.

Trước những cảnh báo này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa đề xuất lên cấp thẩm quyền một loạt chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong số này có 5 chương trình, dự án có đủ cơ sở và cần được ưu tiên thực hiện ngay trong năm nay. Đó là công trình trồng cây chắn sóng ven biển Cần Giờ; quy hoạch tổng thể thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp thành phố đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025 trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao; chương trình tuyên truyền và nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn TPHCM; chương trình nghiên cứu chọn lọc, khảo nghiệm và ứng dụng giống cây lâm nghiệp thích ứng cho các vùng chịu ảnh hưởng bất lợi của biến đổi khí hậu và cuối cùng là chương trình nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp.

Theo nhận xét của Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM Trần Công Lý, sở dĩ các dự án, chương trình trên được ưu tiên bởi vì ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn có đặc thù gắn chặt với các yếu tố tự nhiên nên sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng biến đổi khí hậu. Và một khi ngành nông nghiệp nông thôn bị tác động sẽ lập tức ảnh hưởng tới cuộc sống của nhiều tầng lớp xã hội

THIỆN NHÂN

Tin cùng chuyên mục