TPHCM sau 23 năm thực hiện chương trình giảm nghèo
(SGGPO).- “Điều quan trọng là không chỉ một số lượng lớn người nghèo TP thoát được chuẩn nghèo trong từng giai đoạn mà chính là mức sống, điều kiện sống và chất lượng sống của người nghèo TP được cải thiện đáng kể trên các mặt” – đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM chỉ rõ trong buổi tổng kết chương trình giảm nghèo giai đoạn 2014-2015.
Theo đồng chí Lê Thanh Hải, sự thành công của chương trình giảm nghèo trước hết và rõ nét nhất là kéo giảm chênh lệch về mức sống giữa các nhóm dân cư của TP.
Giảm chênh lệch giàu - nghèo
|
Ngày 26-9, Thành ủy – HĐND – UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổng kết chương trình giảm nghèo giai đoạn 2014-2015 và đánh giá 23 năm thực hiện chương trình giảm nghèo theo tiêu chí thu nhập. Tham dự có các đồng chí: Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Vũ Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng; Phạm Thị Hải Chuyền, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH; Võ Viết Thanh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch UBND TPHCM; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Hoàng Năng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM…
Bí thư Thành ủy TPHCM đặc biệt biểu dương ý chí bền bỉ, tinh thần quyết tâm vươn lên thoát nghèo, cần cù lao động của hộ nghèo, hộ cận nghèo TP. Đồng thời, Thành ủy TPHCM cũng chân thành cảm ơn những tình cảm tốt đẹp, nghĩa cử cao quý của các tổ chức, cá nhân trong nước, bà con kiều bào, tổ chức và cá nhân người nước ngoài đã góp sức tài trợ cho các chương trình, dự án giảm nghèo của TP trong suốt 23 năm qua.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận cho biết, qua 23 năm (1992-2015), chương trình giảm nghèo của TP đã trải qua 4 giai đoạn. Từ giai đoạn 2, chương trình được vận hành theo cơ chế xã hội hóa. Đây là cơ sở quan trọng để giữ vững và phát huy phong trào quần chúng, chăm lo cho người nghèo.
Người nghèo, hộ nghèo, cận nghèo của TP tuy được xác định từ chuẩn nghèo theo tiêu chí thu nhập nhưng các chính sách, giải pháp hỗ trợ chăm lo của chương trình được thực hiện toàn diện trên các lĩnh vực thiết yếu của cuộc sống. Đặc biệt, cũng từ giai đoạn 2, TP nâng mức chuẩn nghèo TP tiếp cận với chuẩn nghèo của quốc tế (2 USD/người/ngày). Đến cuối tháng 8-2015, TP còn hơn 17.300 hộ nghèo (chiếm tỉ lệ 0,89% tổng hộ dân TP).
Về sự thành công rõ nét của chương trình, Bí thư Thành ủy TPHCM chỉ rõ, mức chênh lệch về mức sống giữa nhóm dân cư có thu nhập cao nhất và nhóm dân cư có thu nhập thấp nhất của TP được kéo giảm từ hơn 10 lần vào năm 1992 xuống còn 6,6 lần năm 2014. Mức sống giữa thành thị và nông thôn cũng được kéo giảm; không còn chênh lệch trong nhóm hộ nghèo, cận nghèo ở nội thành và ngoại thành.
Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải trao Huân chương Lao động cho các tập thể đạt thành tích xuất sắc trong việc giảm hộ nghèo, tăng hộ khá trên địa bàn TPHCM.
Phát huy nội lực, hướng thiện của cộng đồng
Giao lưu trong chương trình, chị Trịnh Thị Thu Hiền, ngụ quận Thủ Đức, chia sẻ: Trong việc đồng hành với TP trợ giúp cho người nghèo, gia đình tôi thường hỗ trợ học bổng để con em hộ nghèo có cơ hội đến trường. Chúng tôi muốn giúp các em có tri thức để tự thay đổi cuộc sống nên về “điều kiện”, chúng tôi không đòi hỏi các em phải là học sinh giỏi, chỉ cần các em khó khăn thật sự. Nhà tôi còn có xưởng cơ khí, luôn sẵn sàng nhận đào tạo nghề cho các em”. 9 năm, hơn 100 em được gia đình chị Hiền hỗ trợ với số tiền hơn 200 triệu đồng.
Thật ý nghĩa khi nhiều hộ sau khi vượt nghèo đã tự nguyện giúp lại những người khó khăn hơn mình. Nhiều cán bộ công chức, giáo viên, bác sĩ… đã dành một phần thu nhập của mình để giúp người nghèo, hỗ trợ học bổng cho học sinh. “Những người nghèo thầm lặng giúp đỡ, không muốn nêu tên để được trả ơn, hay được khen thưởng. Tính cộng đồng ngày càng được mở rộng, vun đắp, tô bồi” – Bí thư Thành ủy TPHCM khen ngợi.
Đồng chí Lê Thanh Hải đúc kết, thành quả của chương trình giảm nghèo có giá trị nhân văn sâu sắc, nghĩa tình sâu đậm, là nét đẹp văn hóa của người dân TP. Chương trình khơi dậy, phát huy truyền thống tốt đẹp về lòng nhân ái, tương trợ, đùm bọc lẫn nhau, xây đắp tình làng nghĩa xóm, phát huy được nội lực, hướng thiện của cộng đồng. Người nghèo TP được giúp đỡ, từ lời động viên đến giúp vốn với lãi suất ưu đãi, giúp bằng giống vật nuôi cây trồng, được cho mượn đất để trồng trọt chăn nuôi, hướng dẫn cách làm ăn, giúp xóa nhà dột nát tạm bợ, xây mới nhà ở an toàn và tạo điều kiện cần thiết để vươn lên trong cuộc sống.
Qua thực hiện chương trình giảm nghèo, nhiều tổ chức Đảng ở khu phố, ấp, xã, phường, thị trấn, đã sát dân và chủ động giúp dân tốt hơn. Mô hình chi bộ, đảng viên trợ giúp hộ nghèo đã tạo nên một sức sống của tổ chức cơ sở Đảng, thể hiện rõ nét vai trò tiên phong, gương mẫu, hạt nhân của tổ chức Đảng và của người đảng viên tham gia công tác giảm nghèo; tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng bộ với nhân dân, giữa cán bộ đảng viên với nhân dân.
Trân trọng, tự hào về thành tựu đạt được nhưng Bí thư Thành ủy TPHCM thẳng thắn nhận xét, kết quả giảm nghèo ở TP chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo đối với một bộ phận dân cư vẫn còn khá cao. Có những hộ không thuộc diện nghèo trong chương trình nhưng còn thiếu điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản trong cuộc sống. Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh 5 vấn đề nhằm đẩy mạnh giảm nghèo bền vững của TP. Theo đó, TP cần đổi mới tư duy và phương pháp tiếp cận chương trình giảm nghèo bền vững. TP tiếp tục thí điểm giảm nghèo đa chiều, cuối năm 2015 sơ kết để thực hiện ở TP trong giai đoạn 2016-2020. TP cần đẩy mạnh các chính sách và giải pháp hỗ trợ tác động đến người nghèo. Tạo điều kiện cho người nghèo, cận nghèo được tiếp cận, thụ hưởng những lợi ích chính đáng, hợp pháp. Đồng thời kiên trì, làm cho chính người nghèo, cận nghèo phấn đấu vươn lên thoát nghèo.
Nguồn lực để vận hành chương trình đóng vai trò quyết định, TP tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, huy động tối đa, phát huy nguồn lực xã hội theo phương châm phát huy sức dân chăm lo cho dân. Gắn kết chặt chẽ giữa nhiệm vụ giảm nghèo bền vững với nhiệm vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu kinh tế, chỉnh trang đô thị, xây dựng nông thôn mới. Chính sách giảm nghèo trong giai đoạn mới phải được xây dựng và thực hiện theo hướng giảm dần tính trợ cấp, tăng cường mạnh mẽ các chính sách, giải pháp mang tính tác động, hỗ trợ để người nghèo tự tin tổ chức làm ăn sinh sống, giảm nghèo, tiến đến vươn lên khá giả.
| |
Đường Loan