Cảng Sa Kỳ và vùng phụ cận thuộc loại sầm uất nhất trong các vùng ven biển miền Trung Việt Nam. Cảng đóng vai trò là nơi xuất nhập khẩu các mặt hàng, sản phẩm của riêng tỉnh Quảng Ngãi và cũng cho tỉnh Champasak của Lào - tỉnh quan hệ kết nghĩa nhưng không có bờ biển. Cảng sầm uất nằm giữa địa giới 2 xã Bình Châu, huyện Bình Sơn và Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh. Nhưng khi nói đến Sa Kỳ, người dân chỉ quen nghĩ đến vùng đất thuộc xã Tịnh Kỳ- một trong 21 xã của huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi - nằm ven biển, có địa thế như một cù lao.
1. Dòng sông Sa Kỳ (đoạn nối tiếp sông Kinh) chảy từ hướng Tây Bắc qua hướng Bắc, hướng Đông, Đông Nam rồi hướng Nam tạo thành một ranh giới tự nhiên với các xã chung quanh. Do nằm giữa bốn bề sông nước nên trước đây việc đi lại, buôn bán, giao lưu với các vùng lân cận của nhân dân chủ yếu bằng đường thủy.
Quanh xã có các bến đò như: Mỹ Khê, Chợ Mới đi qua xã Tịnh Hòa và Sa Kỳ đi qua xã Bình Châu (Bình Sơn). Ngày nay, nhiều cây cầu đã được xây dựng, bắc ngang qua sông nên việc giao lưu qua lại của người dân và du khách đến tắm biển Mỹ Khê rất thuận lợi.
Từ sau năm 1975 đến nay, khu vực bến đò Sa Kỳ được mở rộng thành cảng. Nơi này trở thành bến đi và đến của những con tàu đánh bắt xa bờ. Cửa biển Sa Kỳ cũng nhanh chóng trở thành nơi ra vào buôn bán của các loại tàu thuyền. Tàu 1.200 tấn có thể cập dễ dàng ở bến cảng này. Ngày 18-5-1990, tỉnh đã khởi công vét 8.000m3 đá ngầm dưới nước. Ngày 17-9-1991, luồng cảng đã mở cửa cho chiếc tàu đầu tiên mang tên Ba Tơ trọng tải 442 tấn vào cảng.
Những năm 1940, Sa Kỳ nổi tiếng là một trong những làng cá giàu có của Quảng Ngãi. Trong chiến tranh, bom đạn đã cày xới tan hoang vùng quê thơ mộng này. Chiến tranh qua đi, người dân Sa Kỳ phải làm lại từ đầu trên những đống hoang tàn đổ nát. Cả một vùng quê đất trắng, không có lấy một bóng cây, mái nhà.
Vậy mà, như một phép thần kỳ, sau hơn 30 năm, Sa Kỳ đã lấy lại được “phong độ” của một làng quê duyên hải như thuở ban đầu. Hơn thế, Sa Kỳ ngày nay đã là một trong những vùng đất trù phú của miền Đông Sơn Tịnh. Những ngôi nhà ngói đỏ, nhà cao tầng mọc lên khang trang, những con tàu đánh bắt xa bờ đậu kín bến cảng.
Hình ảnh dễ đập vào mắt du khách nhất là những con tàu đậu đầy bến cảng. Toàn những tàu lớn. Khi đầu tư cho một con tàu, người dân phải đổ vốn vào đó hàng tỷ đồng.
Anh Nguyễn Nam, một ngư dân ở đây cho biết, tàu neo đậu tại bến là những tàu đi đánh bắt xa ở tận Hoàng Sa, Trường Sa, Tri Tôn, mỗi lần đi phải đến 20 ngày hoặc một tháng mới về. Phần lớn ngư dân dùng lưới cản đánh bắt cá. Đến mùa cá chuồn, cá đỏ, cá thu, mỗi chuyến đi nhiều tàu có thể đánh bắt trên 10 tấn cá các loại, thu lợi từ 40 đến 50 triệu đồng. Riêng số tàu đậu phía Bình Châu có đến trên 60 chiếc 200 mã lực.
Việc đánh bắt cá cũng tính theo mùa. Từ tháng Chạp đến tháng 8 năm sau là mùa cá chuồn, cá đỏ, cá thu. Từ tháng 8 năm sau đến tháng Chạp là mùa đi lộng, cách bờ từ 16 đến 17 hải lý (1 hải lý tính theo ngư dân khoảng 1.850m). Đây là mùa cá ngừ, cá nháy, cá rựa.
Do nghề cá bắt đầu phát triển trở lại nên khu vực cảng Sa Kỳ mọc lên nhiều nhà máy nước đá trong vài năm trở lại đây.
Anh Đỗ Thành Danh, chủ cơ sở sản xuất nước đá Thành Danh, tại Định Tân, Bình Châu cho biết, nhà máy anh có công suất 10.000 cây đá/ngày. Trước khi ra khơi, các tàu tập trung về cầu cảng trước nhà máy để lấy đá. Thường một tàu nhỏ lấy khoảng 400 cây đá/lần, tàu lớn khoảng 2.000 cây đá/lần. Đá được xay nhuyễn như tuyết cho vào hầm giữ lạnh đến cả tháng. Toàn khu vực cảng Sa Kỳ có hơn 10 nhà máy đá. Những lúc vào mùa, mỗi ngày các nhà máy xuất bán từ 8.000 đến 9.000 cây đá.
2. Chiều. Bãi biển Tịnh Kỳ tấp nập những ghe thuyền nhỏ đánh bắt gần bờ. Những ngư dân trẻ, già, lớn, bé cùng nhau đứng hàng dài trên bãi kéo lưới. Với nhịp điệu hô khoan, từng mét lưới được kéo vào bờ. Những đứa trẻ bơi thúng trong khu vực lưới kéo la to: “Trúng rồi!”. Những người lớn dõi mắt xuống nước quan sát. Hằng hà sa số cá cơm nằm gọn trong lưới.
Những phụ nữ nhanh chóng chạy về nhà mang các tấm ni lông ra trải trên bờ. Những chiếc thúng lớn nhỏ được trưng dụng đựng cá. Họ chia thành nhiều nhóm để cùng khiêng cá vào bờ đổ trên những tấm ni lông. Có lẽ, đây là lần đầu tiên trong đời tôi tận mắt nhìn được cảnh ngư dân được mùa cá cơm.
Chủ tịch xã Trần Đình Tiến tâm sự, cũng đã lâu lắm rồi khu vực này mới được cá cơm “ghé” vào nhiều đến vậy. Các chủ lưới, chủ ghe vội vã dùng điện thoại di động gọi các đại lý thu mua thủy, hải sản của tỉnh ngả giá. Những chiếc xe tải bắt đầu tập họp. Cá được đựng vào từng cần xé một chất lên xe…
Đêm. Dù trời không có trăng nhưng bãi biển hôm ấy vui như ngày hội. Ngư dân vui vì được mùa. Chỉ mấy tiếng đồng hồ, với một mẻ lưới mà nhiều gia đình đã có trong tay vài triệu bạc. Còn tôi, vui vì sau bao nhiêu năm được ăn tết ở quê nhà, được thấy những ngư dân hạnh phúc trong không khí được mùa. Khác với sau năm 1975, người dân quê tôi trở về làng trong cảnh đổ nát tan hoang…
KIỀU PHAN