Trở lại xóm Kiếp ở khóm 2, phường 8, TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau), nơi từng một thời là điểm nóng về buôn bán ma túy, chúng tôi thật sự bất ngờ trước sự “lột xác” của con xóm một thời… tệ nạn.
Chủ tịch UBND phường 8 TP Cà Mau Mã Ngoan Cường, cho biết: “Xóm Kiếp bây giờ đã trở lại đúng với tên gọi trước đó được chính quyền địa phương đặt cho nó là hẻm Bình Minh. Tệ nạn xã hội đã được đẩy lùi đến hơn 90%, người dân trở lại làm ăn đàng hoàng, nhà nhà đều chung tay, góp sức xây dựng gia đình văn hóa, khóm văn hóa”.
Theo ông Lê Hữu Dung, Bí thư chi bộ khóm 2, phường 8, TP Cà Mau: Cái tên xóm Kiếp trước đây được người dân địa phương đặt ra để ám chỉ cho kiếp nghiện ngập của những người dân trong hẻm. Hầu hết dân trong xóm này di cư từ khắp nơi đổ về. Họ chiếm đất nhà nước cất chòi, cất nhà ở biệt lập với mọi người xung quanh. Không học hành, không hộ khẩu, không giấy chứng minh nhân dân và không nghề nghiệp.
Xóm Kiếp lúc đó có 51 hộ, với hơn 250 nhân khẩu nhưng có đến hàng chục người phải đi tù về tội mua bán chất ma túy trái phép. “Ở xóm Kiếp ngày trước có gần 100% người dân mua bán chất ma túy để kiếm sống, ngay cả trẻ con sáng đi học, tối về theo cha mẹ mua bán chất chết người này”, một người dân sống lâu năm trong xóm nói. Giờ đây người ta vẫn còn giật mình nhớ lại chuyện bà T.T.N. khi bị công an áp giải lên xe về trại giam mà bà còn ngoái đầu lại dặn dò các con “vài bữa làm ăn nhớ cẩn thận”. Cá biệt, như hộ ông N.Đ.C. có 5 người thì có đến 4 người phải nhận bản án từ 5-10 năm tù về tội mua bán ma túy…
Xóm Kiếp có được sự đổi thay như hôm nay là nhờ vào sự quyết tâm loại bỏ các loại tệ nạn xã hội, đặc biệt là ma túy ra khỏi đời sống cộng đồng của chính quyền và nhân dân phường 8. Ngoài việc truy bắt hàng chục đối tượng đứng đầu tổ chức mua bán ma túy trong xóm Kiếp, đưa đi cai nghiện gần 100 đối tượng, địa phương còn tổ chức tuyên truyền vận động bà con trong xóm tránh xa ma túy. Hội Phụ nữ phường 8 chia nhau bám sát từng gia đình trong xóm, vận động, hỗ trợ cho chị em cách thức và phương tiện làm ăn. Một hội viên cho biết: “Những ngày đầu khi mới vào xóm Kiếp, chúng tôi gặp nhiều khó khăn vì trước giờ chị em chỉ biết… bán ma túy để kiếm sống. Nhưng với quyết tâm cao, chúng tôi đã cố gắng thay đổi cuộc đời họ. Chị Sáu đã có quầy nước ngọt, cô Tư đã có xe nước mía làm kế sinh nhai”.
Ông Mã Ngoan Cường cho biết: Để tạo điều kiện cho người dân trong xóm Kiếp có thể kiếm việc làm, chính quyền địa phương đã cấp được 8 giấy CMND chính thức, 5 giấy chứng nhận tạm thời, 25 hộ được cấp sổ tạm trú, 26 hộ được cấp sổ hộ khẩu thường trú, 20 trẻ em có giấy khai sinh… Cơ sở hạ tầng cũng được quan tâm đầu tư, thay đường đi sình bùn, lầy lội trước đây bằng con lộ bê tông rộng 2,5m láng bóng; điện nước được kéo vào phục vụ cho đời sống của người dân. Đặc biệt phường đã xây dựng một trụ sở văn hóa ngay trong xóm để bà con đến sinh hoạt và qua đó tiếp tục vận động họ làm ăn chân chính.
Bà Nguyễn Thị Nga (67 tuổi), vừa chấp hành xong mức án 7 năm tù về tội mua bán chất ma túy, xúc động: “Ngày trước ngu muội quá, thấy người ta bán ma túy vừa khỏe vừa có nhiều tiền nên tui cũng làm theo. Còn đưa đường dẫn lối các con vào nghề, để giờ đây chúng nó còn đang ngồi tù chấp nhận hình phạt”. Hiện bà Nga đang kiếm sống bằng một xe nước mía do chính quyền hỗ trợ.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Thanh, một con nghiện trong xóm Kiếp, vừa ra trại sau 2 năm cai nghiện vui mừng không kém khi nhận được chiếc xe máy mà chính quyền hỗ trợ để chạy xe ôm. “Không bao giờ tui dính vào ma túy nữa, khoảng thời gian qua tui đã làm khổ bản thân, gia đình và xã hội, giờ đây phải quyết tâm làm lại từ đầu”, anh Thanh nói.
Nhất Thiên