Ngày 9-9, cuộc Đối thoại Quốc phòng Seoul đã khai mạc tại Seoul, Hàn Quốc, với chương trình nghị sự xoay quanh chủ đề an ninh khu vực và toàn cầu.
Tìm phương thức hợp tác hiệu quả
Theo Korea Herald, cuộc đối thoại được coi là diễn đàn an ninh cấp Thứ trưởng diễn ra trong 3 ngày, thu hút khoảng 250 quan chức quốc phòng và chuyên gia an ninh đến từ 30 nước, trong đó có Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản cùng nhiều thể chế quốc tế lớn như Liên hiệp quốc và Liên minh châu Âu (EU); các tổ chức an ninh như Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, cuộc đối thoại được tổ chức thành 3 phiên họp với các nội dung chính là vấn đề thống nhất bán đảo Tiều Tiên và an ninh toàn cầu, phân tích và kiểm soát khủng hoảng trên biển ở khu vực Đông Bắc Á, an ninh mạng và hợp tác quốc phòng.
Quân đội Hàn Quốc diễn tập chống khủng bố tại Seoul
Trong thời gian diễn ra sự kiện, quan chức các nước tham gia dự kiến tiến hành các cuộc gặp song phương và một cuộc gặp đa phương giữa Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Nga, Mông Cổ và Hàn Quốc. Diễn đàn an ninh khu vực trên được khởi động từ năm 2012. Cuộc đối thoại năm nay diễn ra trong bối cảnh thế giới vừa kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít và 70 năm bán đảo Triều Tiên bị chia cắt. Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, đối thoại quốc phòng Seoul là diễn đàn của các cuộc gặp đa phương nhằm thảo luận sâu về tình hình an ninh khu vực toàn cầu và các phương thức hợp tác quốc phòng hiệu quả trong tương lai. Tờ Korea Herald nhận định, Đối thoại quốc phòng Seoul là cơ hội để Hàn Quốc tăng cường vai trò tham gia vào an ninh toàn cầu. Qua 4 năm tổ chức, với số lượng khách mời tham gia ngày càng tăng và sự tham dự của nhiều tổ chức quốc tế đã minh chứng cho sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với diễn đàn an ninh này.
Điểm sáng ở bán đảo Triều Tiên
Cuộc đối thoại trên diễn ra trong bối cảnh an ninh trên bán đảo Triều Tiên đã được tháo ngòi căng thẳng. Hàn Quốc dừng chiến dịch tuyên truyền chống Triều Tiên dọc biên giới, còn Bình Nhưỡng xóa bỏ tình trạng bán chiến tranh theo thỏa thuận tái lập quan hệ mà hai miền vừa đạt được. Ngày 10-8 vừa qua, Hàn Quốc tái khởi động chiến dịch tuyên truyền dọc theo biên giới vốn đã dừng từ năm 2004, để đáp trả vụ nổ mìn ngày 4-8 tại khu phi quân sự, cáo buộc Triều Tiên đứng sau vụ việc. Bình Nhưỡng bác bỏ cáo buộc và có động thái tương tự từ ngày 17-8.
Hội Chữ thập đỏ Hàn Quốc lên danh sách những người đăng ký tham gia cuộc đoàn tụ gia đình ly tán liên Triều
Việc hai miền Triều Tiên nối lại quan hệ được cho là một trong những điểm sáng được thảo luận tại hội nghị. Ngày 9-9, Hội Chữ thập đỏ Hàn Quốc đã lên danh sách 500 ứng viên tham gia ngày đoàn tụ các gia đình ly tán liên Triều dự kiến tổ chức từ ngày 20 đến 26-10. Vòng cuối cùng của cuộc tuyển chọn sẽ chọn khoảng 100 thành viên của các gia đình Hàn Quốc. Đoàn tụ gia đình trở thành vấn đề nhân đạo được thúc đẩy mạnh mẽ nhất do phần lớn những người còn sống đều đã ngoài 70 và 80 tuổi. Khoảng một nửa trong số 129.700 người xin đoàn tụ gia đình đã qua đời. Hai miền Triều Tiên đã tổ chức 19 cuộc đoàn tụ trực tiếp và 7 cuộc đoàn tụ qua màn hình kể từ năm 2000. Lần tổ chức gần nhất diễn ra vào tháng 2-2014.
Quan hệ đối tác chặt chẽ giữa Hàn Quốc và Mỹ hiện vẫn được phía Triều Tiên xem là một trở ngại cho việc tăng cường quan hệ liên Triều. Mới đây, Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho rằng thỏa thuận tháo ngòi nổ chiến tranh liên Triều mới ký gần đây cho thấy Bình Nhưỡng và Seoul có khả năng bảo vệ hòa bình dựa trên tinh thần tự thân của dân tộc. Các cuộc tập trận quân sự chung giữa Seoul và Washington đã trở thành yếu tố chính đẩy mối quan hệ liên Triều vào cảnh đối đầu và mất lòng tin.
THANH HẰNG (tổng hợp)