Đối thoại Shangri-La 14: Thay đổi hiện trạng biển Đông làm xói mòn an ninh châu Á

Hành xử vượt ngoài chuẩn mực quốc tế
Đối thoại Shangri-La 14: Thay đổi hiện trạng biển Đông làm xói mòn an ninh châu Á

Ngày 30-5, tại Hội nghị Thượng đỉnh an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương 14 (Đối thoại Shangri-La 14), giới chức quốc phòng thế giới đã lên án hành động thay đổi hiện trạng trên biển Đông của Trung Quốc trong thời gian qua.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam (bên phải) tại phiên thảo luận chung đầu tiên.

Hành xử vượt ngoài chuẩn mực quốc tế

Tại hội nghị, trong phát biểu được đánh giá là rất quan trọng và thu hút sự chú ý của nhiều nước trong khu vực, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nhấn mạnh cách hành xử của Trung Quốc trong khu vực hiện nay vượt ra ngoài các chuẩn mực quốc tế. Mỹ phản đối việc tiếp tục bất cứ hoạt động quân sự hóa nào tại các khu vực tranh chấp trên biển Đông. Các bên tranh chấp cần ngừng ngay lập tức và lâu dài việc bồi đắp. Bộ trưởng Carter lưu ý rằng Mỹ đang rất quan ngại về hoạt động bồi đắp và xây dựng các bãi đá ngầm trên biển Đông và viễn cảnh quân sự hóa các đảo của Bắc Kinh. Trung Quốc đã khai khẩn trên 800ha, hơn diện tích khai hoang của tất cả các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền cộng lại và Trung Quốc làm điều này chỉ trong 18 tháng vừa qua. Những hành động này của Trung Quốc đã làm xói mòn an ninh khu vực châu Á -Thái Bình Dương.

Ông Carter kêu gọi thúc đẩy nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Bộ trưởng Carter nhấn mạnh tuyên bố của Mỹ với Thái Bình Dương, rằng Mỹ có mọi quyền tham gia và quan tâm về tình hình khu vực. Bài phát biểu còn khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục bay, điều tàu thuyền và hoạt động ở mọi nơi luật quốc tế cho phép. Ông Ashton Carter cũng cho rằng, yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông là vô lý, và các lực lượng của Mỹ nếu được lệnh, sẽ sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ các quyền lợi của mình trong vùng biển châu Á - Thái Bình Dương rộng lớn.

Phát biểu bên lề hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ John McCain, kêu gọi dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương của Mỹ đối với Việt Nam càng sớm càng tốt. Việt Nam cần có đầy đủ các biện pháp để ngăn chặn hành vi quyết đoán của Trung Quốc ở biển Đông. Trong một bản sửa đổi Đạo luật cấp phép quốc phòng Mỹ năm 2016, có tên “Sáng kiến biển Đông”, dự kiến sẽ được thông qua vào cuối năm nay, ông McCain cũng đề xuất Mỹ nên cung cấp hàng trăm triệu USD để giúp huấn luyện và trang bị cho các lực lượng vũ trang của các quốc gia Đông Nam Á nhằm đối phó với những thách thức lãnh thổ. Đề xuất này cho phép cung cấp 425 triệu USD trong 5 năm cho một số nước ở Đông Nam Á để mua sắm thiết bị, quân nhu, huấn luyện và xây dựng quân đội quy mô nhỏ.

Đề xuất “Sáng kiến Đối thoại Shangri-La”

Các nhà quan sát cho rằng sẽ có khẩu chiến gay gắt giữa các nước với Trung Quốc về vấn đề biển Đông tại Hội nghị Shangri-La lần này. Việc Bắc Kinh đưa quan chức cấp cao hơn so với giới chức dẫn đầu phái đoàn năm ngoái là một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh hiểu rõ tranh cãi biển Đông sẽ là vấn đề trọng tâm hàng đầu trong đối thoại Shangri-La.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani cảnh báo các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trái phép trên biển Đông có nguy cơ đẩy khu vực vào hỗn loạn, đồng thời hối thúc Trung Quốc hành xử có trách nhiệm. Bộ trưởng Nakatani đã đề xuất “Sáng kiến Đối thoại Shangri-La” gồm 3 giải pháp nhằm tăng cường an toàn hàng hải và hàng không trong khu vực, trong đó có việc các thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) giám sát 24/24 giờ không phận khu vực. Tuy nhiên, việc thiết lập bất kỳ hệ thống kiểm soát an toàn 24/24 giờ đối với 10 nước ASEAN sẽ cần có trình độ hội nhập nhất định mà hiện khối chưa thiết lập.  

Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein cảnh báo, nếu xung đột nổ ra ở biển Đông, đây có thể trở thành một trong những cuộc xung đột chết chóc nhất mà thế giới từng biết đến. Trung Quốc sẽ thiệt hại nhiều hơn nếu khu vực không ổn định.

Phát biểu bên lề Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu đề xuất các quốc gia có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở biển Đông, trong đó có Trung Quốc, nên tiến hành các cuộc tuần tra hòa bình chung để giảm nguy cơ xung đột.

Một loạt các quốc gia khác cũng đã bày tỏ lo ngại về những căng thẳng gia tăng trên biển Đông và nhất trí vấn đề này cần phải được giải quyết trên cơ sở đối thoại. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon nhấn mạnh những gì rút ra bài học ở châu Âu là không nên đẩy căng thẳng đi quá xa mà cần giải quyết vấn đề thông qua đối thoại, thông qua quan hệ đối tác, thông qua các điều ước quốc tế chứ không phải chỉ bằng việc đáp trả lẫn nhau bằng lời nói hay bằng các hành động đơn phương.

Dự kiến, ngày 31-5, Đối thoại Shangri-La sẽ bước sang ngày làm việc cuối cùng với các phiên thảo luận về tăng cường trật tự khu vực châu Á - Thái Bình Dương; hướng tới giải quyết xung đột tích cực; các thách thức an ninh toàn cầu và châu Á - Thái Bình Dương...

Ngày 30-5, bên lề Đối thoại Shangri-La 14, đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Việt Nam do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đã có các cuộc gặp gỡ song phương với các đoàn Tư lệnh PACOM - Mỹ, đoàn Bộ Quốc phòng Tây Ban Nha, Bộ Quốc phòng New Zealand, Bộ Quốc phòng Đức. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết tại các cuộc gặp gỡ, đoàn đại biểu Việt Nam đã cùng thảo luận với phía bạn nhằm trao đổi ý kiến xung quanh các vấn đề an ninh đang nổi lên, về xây dựng và phát triển, chiến lược và can dự của các nước lớn đối với biển Đông.

THANH HẰNG

- Đối thoại Shangri - La 14: Tranh chấp biển Đông cần tuân thủ luật quốc tế

Tin cùng chuyên mục