Đối thoại Shangri-La 2016: Thách thức đến từ suy giảm lòng tin

Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á - Đối thoại Shangri-La 2016 đã chính thức khai mạc đêm 3-6 tại Singapore, quy tụ hơn 20 Bộ trưởng quốc phòng, các quan chức cũng như đông đảo giới học giả trên thế giới. Nhiều chuyên gia cho rằng an ninh khu vực đang đứng trước nhiều thách thức, trong đó thách thức lớn nhất chính là sự suy giảm lòng tin chiến lược giữa các quốc gia.
Đối thoại Shangri-La 2016: Thách thức đến từ suy giảm lòng tin

Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á - Đối thoại Shangri-La 2016 đã chính thức khai mạc đêm 3-6 tại Singapore, quy tụ hơn 20 Bộ trưởng quốc phòng, các quan chức cũng như đông đảo giới học giả trên thế giới. Nhiều chuyên gia cho rằng an ninh khu vực đang đứng trước nhiều thách thức, trong đó thách thức lớn nhất chính là sự suy giảm lòng tin chiến lược giữa các quốc gia.

Nhiều mối quan ngại

Trong bài phát biểu dài 30 phút khai mạc hội nghị, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã đề cập đến nhiều thách thức với an ninh toàn cầu và cho rằng các quốc gia cần tăng cường đối thoại để nâng cao hiểu biết, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau cũng như đem đến cơ hội và sự hỗ trợ đối với các quốc gia gặp vấn đề trong nước.

Phó tổng Tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam, Thượng tướng Võ Văn Tuấn tiếp song phương quyền phó Tổng Tham mưu trưởng Philippines, Trung tướng Miranda tại Đối thoại Shangri-La


Liên quan đến vấn đề an ninh ở biển Đông, Thủ tướng Prayuth hối thúc các nước tranh chấp lãnh thổ chọn hợp tác thay vì đối đầu, đồng thời cho rằng tất cả các bên cần tham gia hoạt động chung, mang tính xây dựng... để tuyên bố chủ quyền không trở thành rào cản. Đặc biệt, theo Thủ tướng Thái Lan, ASEAN cần thống nhất về vấn đề biển Đông vì hòa bình và ổn định ở khu vực hàng hải này để đem lại lợi ích cho tất cả các bên. Thủ tướng Thái Lan cũng nhấn mạnh việc thúc đẩy tự do đi lại trên biển và trên không, ủng hộ giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Theo tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia của Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, các quốc gia đang đối mặt với rất nhiều thách thức mà thách thức lớn nhất là sự suy giảm về lòng tin chiến lược. Việc Trung Quốc hoàn thành xây dựng các đảo nhân tạo ở khu vực Trường Sa của Việt Nam và có những động thái quân sự hóa ở quy mô gây lo ngại, có khả năng dẫn tới những va chạm, xung đột quân sự ở trên khu vực biển Đông. Đây chính là mối đe dọa lớn nhất và gây quan ngại lớn nhất, không chỉ đối với hòa bình và an ninh khu vực mà còn trên toàn thế giới, cũng như đối với nền kinh tế của toàn khu vực.

Mỹ kêu gọi ủng hộ phán quyết của PCA

Theo Kyodo, ngày 3-6, phát biểu bên lề hội nghị, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain đã hối thúc các quốc gia Đông Nam Á ủng hộ phán quyết sắp tới của Tòa Trọng tài Thường trực Liên hiệp quốc (PCA) ở La Haye về vụ Philippines kiện Trung Quốc trong tranh chấp trên biển Đông.

Trong bài thuyết trình, ông McCain nêu rõ, Trung Quốc đã thực hiện các vụ chặn nguy hiểm các máy bay quân sự trên bầu trời biển Đông, tiến hành cải tạo đất tại những hòn đảo và đá ngầm tranh chấp, đồng thời quân sự hóa các vùng biển tranh chấp trong khi cũng lợi dụng thương mại như một vũ khí trong các vụ tranh chấp với các nước láng giềng. Ông McCain nhấn mạnh, những hành động như vậy đã phá vỡ cam kết của Bắc Kinh với ASEAN trong Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC).

Theo Reuter, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar cũng lên tiếng ủng hộ ông McCain: “Chúng tôi có quan điểm và chính sách rất rõ ràng về vấn đề tranh chấp ở biển Đông. Ấn Độ ủng hộ tất cả các bên giải quyết trên tinh thần hòa bình, luật pháp quốc tế cũng như các chuẩn mực quốc tế khác”. Chủ tịch Ủy ban quân sự NATO Petr Pavel nói liên minh này không muốn can dự vào các tranh chấp ngoài khu vực, nhưng quan ngại sự mập mờ của Trung Quốc ở biển Đông. “Ý kiến của chúng tôi là Trung Quốc phải làm minh bạch tuyên bố chủ quyền và ý đồ của họ ở biển Đông. Chúng tôi không rõ Trung Quốc muốn đi đến đâu và bản chất các tuyên bố chủ quyền của họ là gì. Điều đó dĩ nhiên làm chúng tôi quan ngại”, ông Petr Pavel nói.

Trong khi đó, giáo sư Chu Vĩnh Thắng thuộc Đại học Ngoại giao Trung Quốc đã hối thúc Philippines tham gia vào các cuộc đối thoại song phương với Bắc Kinh để giải quyết tranh chấp trên biển Đông.

 Bên lề hội nghị, đoàn cán bộ quốc phòng Việt Nam đã có nhiều cuộc gặp gỡ song phương. Thứ trưởng Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã gặp Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ David Shear, Thư ký Thường trực Bộ Quốc phòng Singapore Chan Yeng Kit, Tư lệnh Quốc phòng Australia Mark Binskin, Tư lệnh Quốc phòng New Zealand Tim Keating và Phó tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Tôn Kiến Quốc. Trong khi đó, Phó tổng Tham mưu trưởng quân đội, Thượng tướng Võ Văn Tuấn gặp người đồng cấp Nhật Bản Kozi Yamazaki, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn quốc phòng Lookheed Martin - bà Marillyn Hewson, quyền Phó tổng Tham mưu trưởng Philippines Renato Miranda; Tư lệnh Hải quân Mỹ John Richardson và Phó chủ tịch Tập đoàn Boeing - bà Leanne Caret.

VIỆT ANH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục