Đối thủ đáng gờm

Tình hình chính trường Đức ngày càng khó lường khi sự ủng hộ dành cho hai đảng lớn nhất bám đuổi nhau khá sát nút. Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận vừa được hãng INSA tiến hành ở Đức cho thấy có 31% số cử tri ủng hộ đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trong khi đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) chỉ nhận được 30%.

Tình hình chính trường Đức ngày càng khó lường khi sự ủng hộ dành cho hai đảng lớn nhất bám đuổi nhau khá sát nút. Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận vừa được hãng INSA tiến hành ở Đức cho thấy có 31% số cử tri ủng hộ đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trong khi đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) chỉ nhận được 30%.

Điều đáng nói là SPD luôn kém liên đảng bảo thủ khoảng 10%. Tuy nhiên, ngay sau khi SPD thông báo ứng cử viên thủ tướng của đảng và Chủ tịch đảng tới đây sẽ là cựu Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz, uy tín của SPD bất ngờ tăng mạnh, thậm chí vượt cả liên đảng bảo thủ CDU/CSU. Chỉ trong vài ngày, uy tín của SPD tăng liên tục và đảng này tiếp nhận thêm hàng ngàn đảng viên mới. Điều đó cũng nói lên một điều rằng một bộ phận cử tri đang kỳ vọng SPD xuất hiện gương mặt sáng giá có thể “hạ bệ” đương kim thủ tướng Merkel. Chưa bao giờ SPD được sự ủng hộ mạnh như vậy từ 8 năm nay. Dù còn hơn 7 tháng nữa mới bầu cử, nhưng nếu đà này không thay đổi thì SPD có triển vọng đạt kết quả khả quan. Tuy nhiên, muốn hất CDU/CSU ra khỏi chính quyền Đức thì SPD phải cần một liên minh với đa số phiếu tuyệt đối. Một liên minh chính phủ Đỏ - Đỏ - Xanh (SPD + Linke + Green) có thể là một giải pháp vì hầu hết các đảng phái, trong đó có SPD không muốn liên minh với đảng có cánh hữu AfD.

Như vậy, hai lực lượng chính trị lớn nhất ở Đức là CDU/CSU và SPD đã lộ diện ứng cử viên thủ tướng của mình. Vấn đề là liệu ông Schulz và ê kíp tranh cử có khả năng thuyết phục cử tri Đức tin vào một sự thay đổi hay một làn gió mới cho nước Đức hay không khi mà sự nghiệp chính trị của ông Schulz phát triển chủ yếu từ Nghị viện châu Âu (EP), ông chỉ thực sự được dư luận rộng rãi biết tới từ khi được bầu làm Chủ tịch EP năm 2012 và được tái cử năm 2014. Tại Đức, ông từng làm thị trưởng một thành phố nhỏ ở bang miền Tây Nordrhein-Westfalen. Cuối năm ngoái, ông mới quyết định chuyển về Berlin để tham gia cuộc tổng tuyển cử năm 2017. Trên cương vị Chủ tịch EP, ông Schulz khá tích cực trong các sứ mệnh ngoại giao của châu Âu, như trong quan hệ với Cuba, Iran, hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn, chủ trương độc lập về quân sự với Mỹ. Ông từng tuyên bố sẽ lật đổ bà Merkel để nước Đức không còn những “chia rẽ sâu sắc”, điều theo ông đã châm ngòi cho sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy ở Đức trong vài năm gần đây.

Nhìn chung, so với nữ Thủ tướng Merkel, ông Schulz chưa có dịp thể hiện được nhiều quan điểm của mình trong các vấn đề đối nội để thu hút cử tri trong khi những vấn đề nổi cộm còn gây nhiều tranh cãi ở nước Đức hiện nay. Lợi thế dành cho bà Merkel hay ông Schulz trong cuộc tổng tuyển cử sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các diễn tiến liên quan tới vấn đề an ninh và việc giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn trong thời gian tới. Dù vậy, chính Thủ tướng Merkel cũng đã phải thừa nhận rằng chiến dịch tranh cử của bà tới đây sẽ là cuộc đua khó khăn nhất, khi có ông Schulz làm đối trọng.

VIỆT ANH

Tin cùng chuyên mục