Hơn 1.000 hồ ở Hà Nội đều ô nhiễm trầm trọng

Sáng 24-11, lần đầu tiên Công an TP Hà Nội phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hà Nội, Toà Tổng Giám mục Hà Nội và Tổng Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Bắc tổ chức hội thảo bàn về việc bảo vệ môi trường có tầm nhìn đến năm 2025. Thông điệp của hội thảo là “Bảo vệ môi trường - đừng bao giờ chờ đợi”.
Hơn 1.000 hồ ở Hà Nội đều ô nhiễm trầm trọng

(SGGPO).- Sáng 24-11, lần đầu tiên Công an TP Hà Nội phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hà Nội, Toà Tổng Giám mục Hà Nội và Tổng Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Bắc tổ chức hội thảo bàn về việc bảo vệ môi trường có tầm nhìn đến năm 2025. Thông điệp của hội thảo là “Bảo vệ môi trường - đừng bao giờ chờ đợi”.

Dự hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân.

Đại diện các tổ chức, tôn giáo tham dự hội thảo

Theo đồng chí Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, việc xây dựng chiến lược phát triển xanh bền vững là mục tiêu của tất cả các quốc gia, Hà Nội không nằm ngoài mục tiêu đó. Tuy nhiên, hiện tại môi trường Hà Nội đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Mỗi ngày người dân Hà Nội thải ra lượng lớn rác thải trong khi việc xử lý chủ yếu là chôn lấp, việc thu gom rác thải chưa được xử lý triệt để và cơ giới hoá. Trong khi đó, ô nhiễm nước ngầm, ô nhiễm tại các làng nghề, khu công nghiệp đều rất nghiêm trọng, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm phổ biến, ô nhiễm không khí có ngày vượt hàng chục lần.

Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, Hà Nội hiện có 266/1.350 làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, với khoảng 60.000m³ nước thải chưa qua xử lý xả trực tiếp ra môi trường; 8 khu công nghiệp, 1 khu công nghệ cao, 48 cụm công nghiệp và trên 1,6 vạn cơ sở sản xuất công nghiệp nằm ngoài các khu, cụm công nghiệp. Hiện Hà Nội vẫn còn 1 khu công nghiệp và 30 cụm công nghiệp không có hệ thống xử lý nước thải. Ngoài ra, Hà Nội còn có 58.000 cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, kích thích tăng trưởng; trên 5.300 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.. có tác động đến môi trường.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội thảo

Đặc biệt, trong thời gian qua, hiện tượng cá chết tại một số hồ của Hà Nội gây bức xúc và lo lắng cho người dân. Riêng về vụ cá chết ở Hồ Tây, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, hiện nay Hồ Tây có trên 40 cửa xả thải, trong đó 8 cửa là xả thải nguồn nước sinh hoạt. Tuy nhiên, cá chết hàng loạt ở Hồ Tây không phải là do xả thải mà là do tự nhiên. Mật độ cá ở Hồ Tây quá dày, mười mấy con cá trên một mét khối nước; mặt nước Hồ Tây có những nơi bùn quá dày, mưa và biến đổi khí hậu đã dẫn đến hiện tượng phốt pho từ bùn tăng lên đột biến, khiến tảo phát triển ồ ạt, dẫn đến hiện tượng mất oxy. Kết quả xét nghiệm cho thấy oxy ở Hồ Tây bằng không. Oxy mất từ dưới đáy hồ nên chỉ trong vòng 2 ngày đã gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt. “Đây là vấn đề vô cùng nghiêm trọng. Hà Nội có hơn 1.000 hồ thì tất cả các hồ đều ô nhiễm trầm trọng. Nếu chúng ta không giải quyết những vấn đề này thì không thể phát triển được”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Cá chết nổi trắng Hồ Tây ngày 2-10-2016. Ảnh: Lã Anh

Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định, ngay trong đầu  tháng 12, Hà Nội sẽ có 10 trạm quan trắc không khí; sang năm 2017 xây dựng thêm 50 trạm quan trắc và tiến tới là lắp các trạm quan trắc tại các hồ.  Cùng với đó, cây xanh được xem là một trong những giải pháp giảm tỷ lệ ô nhiễm bụi, tiếng ồn. Mục tiêu của Hà Nội sẽ phủ 1 triệu cây xanh, phấn đấu 10m²/ một đầu người/ cây xanh (đến nay Hà Nội đã trồng được hơn 500.000 cây).

Ngoài ra, để góp phần giải quyết cơ giới hoá việc thu gom rác thải, trong tháng 1-2017, Hà Nội sẽ khởi công Nhà máy đốt rác thải bằng nhiệt điện. Đặc biệt, để chấm dứt sử dụng nước ngầm đã bị ô nhiễm nặng, tới đây người dân Hà Nội sẽ được sử dụng nước đáp ứng tiêu chí “uống được tại vòi”. Trước mắt, kế hoạch này sẽ triển khai tại khu vực nội thành, còn các khu vực ngoại thành, nhất là vùng nông thôn hiện chưa có đủ kinh phí để thực hiện.

“Dù còn nhiều khó khăn nhưng việc phát triển kinh tế xanh, trong đó có phát triển năng lượng xanh là xu hướng của Hà Nội. Điều này, đòi hỏi sự chung tay của tất cả, đòi hỏi tính tự giác từ bản thân mỗi người”, ông Nguyễn Đức Chung khẳng định.

Để góp phần bảo vệ môi trường, thời gian qua, mặt trận, các tôn giáo cũng đã có nhiều hành động cụ thể. Ngay sau hội thảo này, để phát huy được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và các tổ chức tôn giáo đối với nhiệm vụ bảo vệ môi trường trên địa bàn, Công an TP Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội, Ủy ban MTTQ VN TP Hà Nội sẽ tổ chức phát động phong trào và ra quân giữ gìn môi trường tại 15 bệnh viện lớn trên địa bàn vào ngày 26-11.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị các cơ quan tổ chức nêu cao tinh thần tự giác hưởng ứng phong trào ý nghĩa này, mỗi một tuần có một sở, một cơ quan, tổ chức phát động một hoạt động bảo vệ môi trường. 

Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Đức Chung, để động viên và khuyến khích nhân dân bảo vệ môi trường, trong thời gian sắp tới, Hà Nội sẽ thực hiện cơ chế giao cho người dân bảo vệ cây xanh trước cửa nhà mình và khuyến khích người dân trồng thêm cây xanh.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục