Đốm

Cuối tháng 7, tại phòng chờ bệnh viện, người ta thấy một bệnh nhân đến xét nghiệm Covid-19 có dắt theo chú chó đốm. 

Trước khi vào phòng xét nghiệm, ông chủ gửi chú chó lại cho nhân viên y tế với lời nhắn gửi: “Chút nữa tôi ra”. Đó là một cụ ông gần tám mươi tuổi, mặc bộ đồ pijama màu xám. Ông cụ khuất sau cánh cửa phòng xét nghiệm và được đưa đi bằng một lối nào đó ngay khi có kết quả dương tính. Chú chó không nhìn thấy chủ mình thêm một lần nào nữa. Dù mắt nó không rời khỏi hành lang và cánh cửa nơi ông chủ bước vào... 

Ông cụ chắc hẳn đang nằm điều trị tại một bệnh viện dã chiến nào đó trong thành phố. Chú chó không chịu đi đâu, cứ nằm im lìm một xó ở góc sân đậu xe của bệnh viện ngóng đợi từ ngày này qua ngày khác. Nhân viên bệnh viện thay nhau dắt Đốm (là tên mà mọi người đặt cho chú, qua màu sắc bộ lông) đi vệ sinh, cho nó uống sữa, ăn cơm. Bệnh viện mùa dịch, nhốn nháo người qua lại. Ai cũng vội vàng, âu lo nên chẳng mấy người để ý đến chú chó tội nghiệp. Mắt Đốm dường như không chớp, nó nhìn bao quát hết những người qua lại. Mỗi khi thấy một cụ già nào đó run rẩy chậm chạp từ xa bước đến là Đốm lại ngỏng cổ vểnh tai. Rồi đôi mắt buồn rượi ấy cụp xuống khi nhận ra vẫn không phải là chủ của mình. 


Đốm đã quen với cảnh đông đúc ở bệnh viện. Nhưng mỗi lần có tiếng còi xe cứu thương rít lên là Đốm lại giật mình. Ngày nào bệnh viện cũng có người mất, có khi chẳng phải vì Covid-19. Tiếng khóc của người nhà bệnh nhân khiến Đốm thấy bất an. Nó nhổm dậy ngó nghiêng xung quanh, hốt hoảng. Cô lao công đang thu dọn gần đó liền xoa đầu trấn an nó. “Không sao cả”, “Sẽ ổn thôi” là câu Đốm được nghe nhiều nhất, các bác sĩ nói với Đốm mà như đang tự an ủi chính mình. Trong bộ quần áo bảo hộ kín mít, họ kiệt sức ngồi tựa vào tường ngay chỗ Đốm đang nằm, qua tấm chắn giọt bắn, mồ hôi họ lăn dài trên khuôn mặt phờ phạc. Cũng có khi lẫn trong đó là những giọt nước mắt của đau thương kìm nén. 

Cô bác sĩ trẻ lúc nửa đêm mang đồ ăn cho Đốm, thủ thỉ bảo: “Em phải gắng ăn, mạnh khỏe để còn đợi chủ mình. Chắc nhà không còn ai nên ông cụ mới dẫn em đến đây? Em biết không, ở ngoài kia chỉ sau một đêm đã có biết bao đứa trẻ phải mồ côi cha mẹ. Có biết bao người cũng hàng ngày ngóng đợi người thân như em đợi ông chủ của mình. Chị cũng thèm được về nhà…”. Hình như Đốm hiểu hết những lời nói ấy, nó dụi mõm vào chân người bác sĩ trẻ tỏ vẻ biết ơn. Đêm ở bệnh viện chập chờn theo từng tiếng bước chân gấp gáp. 

Một hôm có bệnh nhân nhận ra Đốm “quen lắm”. Anh ta cúi xuống ngó nghiêng một lúc thì níu chị lao công lại hỏi:
- Thôi đúng rồi. Đúng là chú chó của cụ Thêm ở hẻm tôi. Nhưng sao nó lại nằm ở đây vậy chị ơi? 
- Thì ông chủ gửi nó lại đây. Cụ ấy đi điều trị Covid-19 rồi. 
- Trời ơi. Thảo nào thấy nhà cụ đóng cửa suốt thôi. Kể từ sau khi người vợ mất vì tai biến mạch máu não thì không thấy bóng dáng ông cụ nữa. Mà tình hình ông cụ sao rồi chị?
- Nào ai biết. Thấy bảo ông cụ xét nghiệm dương tính, được chuyển đi một bệnh viện dã chiến nào đó. Cũng chẳng biết sống chết thế nào.  
- Tội nghiệp. Hai ông bà không có con cái. Tuổi già sống nhờ đồng lương hưu. Lúc còn sống, cụ bà hay muối dưa bán trước nhà. Cũng chẳng phải vì thiếu thốn mưu sinh, mà hai cụ thèm người trò chuyện. Họ quý chú chó này lắm, cưng nựng như con cháu trong nhà. Có hôm đi bên ngoài nhìn vào thấy chủ với chó quây lại bên mâm cơm ấm cúng.
 
Đã gần hai tháng kể từ ngày Đốm được gửi lại đây. Một hôm cô bác sĩ trẻ chợt phát hiện ra bụng Đốm to hơn hẳn, đi lại nặng nề. “Hình như nó có bầu”, “Hình như nó sắp sinh, ti nó đã tiết sữa rồi này”. Suất ăn của Đốm được tăng thêm, nhưng nó không ăn uống được là bao. Trên tấm bìa carton chỗ Đốm nằm được trải thêm tấm nệm. Mấy ngày nay, bệnh nhân ngày càng đông, các bác sĩ thêm phần vất vả. Nhưng dẫu bận rộn thì thỉnh thoảng vẫn có ánh mắt nhìn vào chỗ Đốm trông chừng. 

Nửa đêm, Đốm chuyển dạ cứ đứng lên, nằm xuống, xoay xở ngược xuôi. Mọi người tụm lại lót thêm cho cái khăn, vuốt nhẹ vào lưng Đốm động viên: “Ráng lên! ráng lên”. Bác sĩ khoa sản ngó Đốm cười: “Trước giờ toàn đỡ đẻ cho người. Hôm nay là ca trực đặc biệt nhất của tôi”. Tám chú đốm con lần lượt ra đời. Những cái miệng hồng hào dụi dụi tìm ti mẹ đáng yêu quá chừng. Đốm xong nhiệm vụ ngoan ngoãn nằm bên đàn con nhỏ bé của mình. Thỉnh thoảng Đốm ngước nhìn mọi người như vừa biết ơn, vừa tỏ vẻ tự hào: “Nhìn tui xem. Tui sinh hẳn một đàn con đó”. 

Mẹ con Đốm được chăm sóc tử tế giống như một “sản phụ” đặc biệt. Các bác sĩ ăn gì thì Đốm ăn đó. Có nhiều người ngỏ ý xin mang mẹ con Đốm về nuôi nếu ông chủ của nó không quay lại đón. Ông cụ thì đã già, sức đề kháng yếu cũng chẳng biết thế nào. Nhưng mọi người vẫn muốn nuôi hy vọng rằng ông cụ sẽ chiến thắng dịch bệnh, để một ngày gần nhất trở lại đón mẹ con nhà Đốm. Trong góc nhỏ bệnh viện, Đốm vẫn nằm ở đó, hàng ngày dõi mắt về phía hành lang và cánh cửa phòng khám ấy. Đó là nơi mà ông chủ của nó trước khi bước vào còn dừng chân ngoảnh lại dặn dò nó bằng một ánh nhìn… 

Tin cùng chuyên mục