- Thực tập sinh xứ mình đi làm việc tại Nhựt Bổn về nước, lại thất nghiệp hà rầm. Nhiều người phải đi làm thợ hồ hoặc chạy xe ôm kiếm sống. Nghe thảm dữ. Nhưng tại sao họ có tay nghề sau mấy năm làm việc ở xứ ngoại, mà về nước lại treo niêu?
- Do chênh lệch lương bổng thôi. Thực tập sinh thường đòi mức lương cao, trong khi chủ doanh nghiệp thấy điều đó là phi lý. Bởi họ hoàn toàn có thể thuê lao động địa phương với lương thấp, thì việc gì phải trả nhiều hơn cho cùng công việc ấy.
- Cũng nghe than phiền là lao động xứ mình đi nơi xa chỉ cắm đầu kiếm đủ thứ việc làm thêm để kiếm tiền, không trau dồi tay nghề, ngoại ngữ hoặc kỹ năng mềm?
- Có chuyện đó thật. Nhưng để oánh giá, cũng phải công bằng. Doanh nghiệp tuyển dụng lao động đưa đi nước ngoài lấy phí rất cao, cả trăm triệu đồng. Người lao động phải vay mượn để mua suất đi, nên qua bển, họ cong đuôi kiếm tiền trả nợ. Không có lửa sao có khói.
- Nghĩ cũng rầu. Thị trường nước ngoài thì vẫn hút, mà người lao động xứ mình không đáp ứng kịp. Ở trong nước, lao động ngoại cũng nở nồi. Chẳng hạn như giúp việc gia đình, người Việt cạnh tranh chật vật với người Philippines do kỹ năng, tay nghề thua sút.
- Rầu thì thay đổi mình. Cả doanh nghiệp lẫn người lao động phải tập nhìn xa, thay vì chỉ chăm chăm dòm cái lợi một khúc.