Dọn sạch tin nhắn rác - Được không? - Bài 3: Bao giờ “sạch” tin nhắn rác?

Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn cho rằng, vấn nạn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo đang rất nóng và là bức xúc của xã hội thời gian qua. “Qua việc giám sát, kiểm tra, yêu cầu các nhà mạng phải thực hiện nghiêm các quy định; cắt hợp đồng những đầu số vi phạm của các CSP, CP; thu hồi số những thuê bao thực hiện nhắn tin rác, lừa đảo trên mạng của mình” - Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn nhấn mạnh. Đó là quyết tâm của cơ quan quản lý nhà nước, tuy nhiên liệu quyết tâm không thôi đã đủ để “sạch” tin nhắn rác?
Dọn sạch tin nhắn rác - Được không? - Bài 3: Bao giờ “sạch” tin nhắn rác?

Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn cho rằng, vấn nạn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo đang rất nóng và là bức xúc của xã hội thời gian qua. “Qua việc giám sát, kiểm tra, yêu cầu các nhà mạng phải thực hiện nghiêm các quy định; cắt hợp đồng những đầu số vi phạm của các CSP, CP; thu hồi số những thuê bao thực hiện nhắn tin rác, lừa đảo trên mạng của mình” - Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn nhấn mạnh. Đó là quyết tâm của cơ quan quản lý nhà nước, tuy nhiên liệu quyết tâm không thôi đã đủ để “sạch” tin nhắn rác?

  • Bộ nói sẽ mạnh tay

Theo TS Vũ Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm VNCERT, Nghị định 90/2008/NĐ-CP được xây dựng với mong muốn tạo hành lang pháp lý cho hoạt động gửi tin nhắn quảng cáo hợp pháp và làm giảm tình trạng tin nhắn rác.

Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam cho thấy, việc một số doanh nghiệp di động không cho phép hoặc đưa ra các chính sách gây khó khăn cho doanh nghiệp quảng cáo khi cung cấp dịch vụ trên hạ tầng di động đã khiến các tổ chức, cá nhân không có cơ hội sử dụng dịch vụ quảng cáo qua tin nhắn cạnh tranh và quay ra tìm cách thức quảng cáo bất hợp pháp, trong đó có việc phát tán tin nhắn rác. “Những doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng tên định danh (brandname) để gửi tin nhắn quảng cáo hợp pháp thường sử dụng dịch vụ của nước ngoài, dẫn tới các nguy cơ có thể giả mạo lừa người nhận, gây ảnh hưởng tới an ninh, trật tự xã hội” - ông Khánh cho biết thêm.

Cơ quan quản lý nhà nước đang quyết tâm làm sạch tin nhắn rác, nhất là tin nhắn lừa đảo. Ảnh: T.HÂN

Cơ quan quản lý nhà nước đang quyết tâm làm sạch tin nhắn rác, nhất là tin nhắn lừa đảo. Ảnh: T.HÂN

Để giải quyết vấn đề tin nhắn rác, ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, cho rằng trước tiên cần phải tính đến trách nhiệm của các nhà mạng và những CSP. Bởi đây chính là đầu phát ra của tin nhắn rác, lừa đảo. Hơn nữa, nguồn thu từ những dịch vụ nội dung mà các nhà mạng, CSP thu được hàng năm không hề nhỏ. Cần có quy chế, trích lợi nhuận từ các dịch vụ này dùng để tuyên truyền việc phòng chống tin nhắn rác, lừa đảo; cũng như việc xây dựng hệ thống kỹ thuật phòng chống, công cụ duyệt tin nhắn rác, lừa đảo.

Còn theo Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn, sắp tới Bộ TT-TT sẽ xây dựng cơ chế quản lý, cấp và thu hồi đầu số, không để các doanh nghiệp viễn thông cấp đầu số cho các doanh nghiệp CSP như hiện nay và có cơ chế đảm bảo việc kết nối thuận tiện giữa doanh nghiệp nội dung và nhà mạng tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội dung phát triển. Bộ TT-TT cũng tiến hành các giải pháp về kỹ thuật nhằm ngăn chặn tin nhắn rác, yêu cầu các CP, CSP rà soát và loại khỏi cơ sở dữ liệu các game không rõ nguồn gốc, cờ bạc, dị đoan, lô đề, dự đoán kết quả xổ số...

Bên cạnh đó, sẽ nghiên cứu quy định giá cước tin nhắn dùng cho CSP khi cung cấp dịch vụ nội dung, tạo cơ chế công bằng cho các CSP và doanh nghiệp viễn thông di động. Công tác thanh tra, kiểm tra cũng sẽ được tăng cường nhằm xử lý nghiêm việc phát tán tin nhắn rác cũng như việc đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước, góp phần ngăn chặn tình trạng sử dụng sim điện thoại trả trước để phát tán tin nhắn rác.

  • Chờ nhà mạng thực hiện lời hứa

Trước quyết tâm của cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Giám đốc Viettel Telecom, cho biết, mạng Viettel luôn sẵn sàng hợp tác với các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các CSP, CP trong vấn đề quản lý, phòng chống tin nhắn rác. Viettel cam kết hợp tác với các CP để cung cấp những dịch vụ có chất lượng cho khách hàng. “Tuy nhiên, qua theo dõi trên hệ thống của Viettel, dịch vụ về kết quả bóng đá, kết quả xổ số đang chiếm tới 80% doanh thu mà những CSP, CP có được. Trong khi đó, chi phí sản xuất những nội dung này chưa đến 10% doanh thu. Đó là điều đáng buồn về hoạt động CSP, CP hiện nay...” - ông Dũng cho biết.

Từ đầu năm 2012 đến nay, Viettel đã cắt 61 đầu số dịch vụ và thu hồi hơn 3.000 thuê bao do vi phạm về tin nhắn rác và lừa đảo. Ông Dũng khẳng định, Viettel chấp nhận giảm doanh thu để xử lý tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng của mình.

Còn Phó Tổng Giám đốc VNPT Nghiêm Phú (đơn vị chủ quản VinaPhone và MobiFone) cho biết, thời gian qua các mạng di động của VNPT đã chủ động tăng cường truyền thông cho khách hàng qua website hoặc tin nhắn chủ động, tổng đài chăm sóc khách hàng về tình trạng tin nhắn rác và lừa đảo. Đặc biệt là tình trạng sử dụng số thuê bao trả trước nhắn tin dẫn dụ khách hàng tham gia các trò cờ bạc, lừa đảo... Theo đó, VNPT đã xây dựng và triển khai phần mềm chặn tin nhắn rác, có khả năng chặn tin nhắc rác theo từ khóa và theo tần suất nhắn tin của thuê bao.

Đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đầu số 8xxx, 7xxx, 6xxx, căn cứ dữ liệu hệ thống ghi được, VNPT sẽ tiến hành khóa cú pháp xuất hiện trong tin nhắn quảng cáo và tạm ngừng kết nối có thời hạn. Từ tháng 1 đến 10-2012, VNPT đã thực hiện khóa cú pháp 70 CSP, tạm khóa hoặc cắt kết nối với 60 CSP, thu hồi đầu số của 4 CSP. Với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ 1900, VNPT đã tạm ngưng kết nối của 102 đơn vị.

Nói vậy song lãnh đạo VNPT và Viettel đều thừa nhận sự khó khăn, vướng mắc hiện nay như khó xác định nguồn phát tán tin nhắn rác, không có cơ sở pháp lý để chứng minh đối tác là đối tượng phát tán tin nhắn rác hay khó xử lý đối với các trường hợp dùng sim ngoại mạng phát tán tin nhắn rác....

Những gì cơ quan quản lý nhà nước, nhà mạng di động đưa ra đã phần nào thấy quyết tâm “làm sạch” tin nhắn rác. Tuy nhiên để giải quyết triệt để, thiết nghĩ cơ quan quản lý nhà nước không chỉ chăm chăm vào nhà mạng, doanh nghiệp cung cấp nội dung số mà cần giải quyết sim rác, tình trạng mua bán thông tin cá nhân quyết liệt hơn.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chánh Thanh tra Bộ TT-TT cho rằng, do các hình thức quảng cáo hợp pháp đang bị các doanh nghiệp thông tin di động hạn chế bằng cách quy định giá cước cao khi gửi tin nhắn từ đầu số, tên định danh (gửi tin nhắn từ đầu số - SMS Brandname thường có mức giá từ 350 - 600 đồng/SMS trong khi gửi tin nhắn rác chỉ có giá 20 - 30 đồng/SMS). Vì thế, nếu doanh nghiệp không quảng cáo hoặc chỉ quảng cáo theo các hình thức hợp pháp thì doanh thu rất thấp nhưng nếu sử dụng hình thức phát tán tin nhắn rác để quảng cáo thì doanh thu sẽ tăng hẳn lên, thậm chí tăng đột biến.

BÁ TÂN - TRẦN LƯU

- Thông tin liên quan:

Dọn sạch tin nhắn rác - Được không?

>> Bài 2: Sim rác “bắt tay” dịch vụ mua bán thông tin cá nhân

>> Bài 1: Vấn nạn tít tít cả ngày

Tin cùng chuyên mục