Đơn thư tố cáo ứng cử viên giảm nhiều

Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH), HĐND các cấp đã được chuẩn bị, lựa chọn hết sức chu đáo, chính xác và bảo đảm chất lượng cao. Tới đây việc chuẩn bị bầu cử sẽ đẩy mạnh công tác giám sát để phát hiện những sai sót. Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban MTTQ Việt Nam, Ủy viên Hội đồng bầu cử Trung ương Vũ Trọng Kim trong cuộc trao đổi với PV Báo SGGP.

Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH), HĐND các cấp đã được chuẩn bị, lựa chọn hết sức chu đáo, chính xác và bảo đảm chất lượng cao. Tới đây việc chuẩn bị bầu cử sẽ đẩy mạnh công tác giám sát để phát hiện những sai sót. Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban MTTQ Việt Nam, Ủy viên Hội đồng bầu cử Trung ương Vũ Trọng Kim trong cuộc trao đổi với PV Báo SGGP.

- Phóng viên: Nhiều người cho rằng ý kiến đóng góp của cử tri ở nhiều nơi vẫn mang tính cả nể?

Ông VŨ TRỌNG KIM: Do đã có quá trình sống cùng địa bàn với ứng cử viên nên hầu hết cử tri hiểu ứng cử viên khá rõ. Điều gì cần khắc phục cử tri đều nêu lên, trong đó có những ý kiến rất gay gắt. Tất cả đều được chiếu theo tiêu chuẩn ĐBQH để kết luận ứng cử viên có đủ tiêu chuẩn hay không. Cùng với ý kiến cử tri, việc hiệp thương qua từng bước đã làm kỹ đối với từng ứng cử viên ĐBQH, loại bỏ những trường hợp chưa rõ ràng. Quá trình nhận xét, đánh giá ứng cử viên sẽ tiếp tục diễn ra đến trước ngày bầu cử. Kể cả khi đã thành ĐBQH, kỳ họp QH lần thứ nhất vẫn sẽ tiếp tục xem xét tư cách ĐBQH.

- Điểm nổi bật nhất trong công tác chuẩn bị bầu cử kỳ này là gì, thưa ông?

Kỳ này giảm rõ rệt so với kỳ trước về đơn thư tố cáo. Nguyên nhân do danh sách ứng cử viên đã được chuẩn bị chu đáo, xác minh rõ ràng. Mặt khác do khá nhiều ứng cử viên đã được xác minh, sàng lọc tại kỳ Đại hội Đảng. Duy nhất một đơn thư khiếu nại về ứng cử viên nhưng cũng chỉ liên quan đến vấn đề sinh hoạt.

- Quá trình vận động bầu cử sắp diễn ra, làm sao để có cơ chế bình đẳng giữa các ứng cử viên?

Mọi ứng cử viên đều bình đẳng với nhau. Ngoài việc xuất hiện ở các hội nghị vận động bầu cử do MTTQ tổ chức, ứng cử viên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông để trả lời cử tri, công chúng về chương trình hành động của mình. Cử tri hỏi đến đâu, ứng cử viên trả lời đến đó. Càng trả lời đầy đủ, cử tri càng tín nhiệm cao. Ứng cử viên đã hứa là phải làm, nếu không cử tri sẽ quyết định bằng lá phiếu của mình.

- Công tác bầu cử tới đây sẽ tập trung vào việc gì?

Vừa qua, chúng tôi đã cử mấy chục đoàn đi giám sát công tác bầu cử. Chỉ còn hơn 10 địa phương chưa được giám sát, tới đây sẽ tiếp tục giám sát để bảo đảm quá trình bầu cử diễn ra đúng pháp luật. Hiện vẫn còn rất nhiều việc quan trọng. Mặt trận tiếp tục chú ý hơn nữa công tác tuyên truyền vận động trong nhân dân để bà con ở mọi miền đất nước thấy được ý nghĩa của việc bầu cử, tham gia thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Công tác vận động bầu cử, nhất là ở vùng sâu vùng xa phải đến từng nhà cử tri. Bên cạnh đó, phải tập trung giải quyết dứt điểm các đơn tố cáo trả lời cho công dân trước ngày bầu cử. Việc niêm yết danh sách cử tri phải chặt chẽ, đầy đủ nhằm đảm bảo quyền của mọi công dân trong bầu cử. Phải bảo đảm tuyệt đối an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trước, trong và sau ngày bầu cử.

- Xin cảm ơn ông!

Phan Thảo


Trên 20 tỉnh, thành có người tự ứng cử

(SGGP).- Thông tin từ Hội đồng bầu cử Trung ương ngày 19-4 cho biết, theo lịch trình tiến hành công tác bầu cử, ngày 27-4, Hội đồng bầu cử sẽ công bố danh sách những người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước theo danh sách chính thức do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban bầu cử gửi đến. Tổng số đại biểu QH khóa XIII không quá 500 người. Cả nước được chia thành 183 đơn vị bầu cử với tổng số đại biểu QH được bầu dự kiến là 494 người. Hà Nội và TPHCM có số lượng đại biểu QH được bầu nhiều nhất: mỗi địa phương 30 đại biểu.

Đến nay, theo kết quả hiệp thương lần cuối ở Trung ương, trong danh sách 182 ứng cử viên ở Trung ương có 12 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị (Bí thư Thành ủy TPHCM và Bí thư Thành ủy Hà Nội được hai địa phương giới thiệu ứng cử đại biểu QH, như vậy có 14 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị ứng cử đại biểu QH khóa XIII) và gần 50 đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng.

Có trên 20/63 tỉnh, thành có người tự ứng cử. Hà Nội dẫn đầu với 30 người, TPHCM 22 người, Nghệ An 5 người, còn lại mỗi nơi có từ 1 đến 2 người tự ứng cử (tuy nhiên, sau đó có một số người tự ứng cử xin rút).

Trong hai ngày, 18 và 19-4, tại Hà Nội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã phối hợp với Nhóm Nữ nghị sĩ Việt Nam và Liên hiệp Các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo Nữ ứng cử viên và bầu cử ĐBQH dành cho khu vực phía Bắc. Nhiều đại biểu cho rằng Việt Nam, quốc gia đông dân thứ 14 trên thế giới, trong đó nữ giới chiếm hơn 50% dân số. Do đó, một tỷ lệ hợp lý nữ giới tham gia QH và HĐND là yêu cầu quan trọng cần được đặt ra. Cuộc bầu cử lần này đã đặt ra nhiệm vụ bảo đảm có tỷ lệ hợp lý đại biểu của các dân tộc thiểu số, các tôn giáo, đại biểu nữ, đại biểu trẻ tuổi…

Ngày 19-4, tại Hà Nội, Văn phòng Quốc hội, Ban Công tác đại biểu và Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc đã tổ chức tọa đàm thông tin về hoạt động bầu cử QH khóa XIII. Đại diện của 37 cơ quan, tổ chức đại diện ngoại giao tại Việt Nam đã tham dự. Các đại biểu đã được giới thiệu những điểm mới trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH, bầu cử HĐND các cấp năm 2010.

A.Thư

Tin cùng chuyên mục