Khi một sinh viên y khoa năm thứ nhất đến từ Mỹ đang để tấm ván trượt cạnh lối ra vào hội trường lớn của trường ĐH Semmelweis 244 tuổi ở thủ đô Budapest, Hungary, Giáo sư Andrea Dorottya Szekely nhặt lên và dạy rằng: “Ở đây, chúng tôi khác”. Tại trường y khoa có từ thế kỷ 19 này, khi chuông reo sinh viên đã phải đứng tập trung nghiêm trang trong lớp học trước để đón giáo sư vào lớp.
Mặc dù khoảng cách văn hóa tương đối lớn, nhưng số lượng sinh viên nước ngoài đến các nước Đông Âu để học đại học y, nha khoa và dược đang tăng lên mỗi năm. Theo thống kê của UNESCO, số sinh viên nước ngoài đến Hungary tăng 21% từ năm 2005 đến 2011, tức từ 13.601 lên 16.465 sinh viên. Tại Ba Lan, từ năm 2005 đến năm 2010, sinh viên nước ngoài tăng lên hơn 80%.
Ở CH Czech thì số lương này tăng gấp đôi từ 2005 đến 2011, trong khi Slovakia thì tăng gần gấp 5 lần… Ở Slovakia, 45% sinh viên nước ngoài theo học về các ngành y tế, trong khi ở Ba Lan, sinh viên nước ngoài chiếm 15% sĩ số trong những lớp học này. Nếu làm bài toán so sánh, thì tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với ở các nước Tây Âu như Đức, Thụy Điển và Canada, nơi chỉ có khoảng 6% đến 9% sinh viên nước ngoài đến theo học ngành y.
Để thu hút sinh viên nước ngoài, ngoài tiếng Đức, các trường đại học ở Hungary đã bắt đầu áp dụng dạy bằng tiếng Anh từ những năm 1990. Trong số 12.719 sinh viên nước ngoài đăng ký học ở ĐH Semmelweis hiện nay, có 1.910 sinh viên học bằng tiếng Anh và 911 học bằng tiếng Đức.
Một trong những nguyên nhân thu hút quan trọng là học phí tại các trường ở Đông Âu khá rẻ. Cụ thể như tại ĐH Charles ở Praha, Đại học Y Dược Iuliu Hatieganu ở Cluj-Napoca, Romania không đắt như tại các trường Tây Âu.
Tại ĐH Semmelweis, sinh viên nước ngoài phải trả học phí khoảng 20.000 USD/năm và sinh viên từ các nước Liên minh châu Âu (EU) lại thường nhận được học bổng hoặc có thể vay tiền học. Tại ĐH Charles của CH Czech, chuyên đào tạo bằng tiếng Anh, học phí cũng chỉ là 18.600 USD/năm. Chi phí này thấp nhiều so với mức học phí tại các trường y của Mỹ từ 30.000 USD/năm trở lên.
Các bác sĩ, nha sĩ và dược sĩ được các trường đại học Đông Âu cấp bằng có thể hành nghề bất cứ nơi đâu trong EU. Sinh viên y khoa năm thứ sáu của trường ĐH Semmelweis thường luân phiên thực tập ở những quốc gia khác trong châu Âu, thường là ở nước mà họ hy vọng sẽ ở lại làm việc sau này.
Sarah Moslehi, cô sinh viên người Thụy Điển đến Budapest theo học ngành y đã cho biết: “Về cơ bản, châu Âu giờ đây giống như một nước Mỹ khổng lồ. Bạn có thể học ở một nơi rồi di chuyển đến nơi khác làm việc”. Ngoài ra, một trong những lợi thế khi học ngành y ở Đông Âu là sớm được thực hành.
Ở Hungary, sinh viên y khoa được tiếp xúc với bệnh nhân, được thực hành bệnh lý học và giải phẫu học sớm hơn, ngay từ những năm đầu. Năm nhất, sinh viên được học giải phẫu mô học và phôi tại các viện bảo tàng giải phẫu học. Sau năm thứ hai, sinh viên y khoa Đông Âu đã được tiếp xúc với tử thi, sớm hơn bạn học của mình hiện đang học ở các nước Tây Âu.
Mặc dù Đông Âu không có nhiều sinh viên quốc tế hơn Tây Âu, nhưng khu vực này đang trở thành điểm nóng thu hút sinh viên ngành y - dược.
HẠNH CHI