Đồng bằng sông Cửu Long chạy đua hoàn thành cụm dân cư vượt lũ

Nỗ lực nhưng... vẫn chậm
Đồng bằng sông Cửu Long chạy đua hoàn thành cụm dân cư vượt lũ

Theo kế hoạch, cuối năm 2014, chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư (CTDC) vượt lũ giai đoạn 2 ở 8 tỉnh, thành ĐBSCL sẽ kết thúc. Do hàng loạt hạng mục vẫn còn ngổn ngang đã khiến Bộ Xây dựng cùng các bộ ngành liên quan lo lắng nguy cơ không hoàn thành đúng tiến độ, nếu các địa phương không quyết liệt gỡ khó cho CTDC.

Xây nhà máy cấp nước ở CTDC xã Trường Long A, huyện Châu Thành A - Hậu Giang. Ảnh: HUỲNH LỢI

Xây nhà máy cấp nước ở CTDC xã Trường Long A, huyện Châu Thành A - Hậu Giang. Ảnh: HUỲNH LỢI

Nỗ lực nhưng... vẫn chậm

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, sau hơn 5 năm triển khai chương trình xây dựng CTDC vượt lũ giai đoạn 2 ở ĐBSCL với 177 dự án (trong đó có 128 CTDC và 49 bờ bao), đến nay, đã khởi công tôn nền và đắp bờ bao 176 dự án, trong đó hoàn thành 169 dự án đạt tỷ lệ 95,5%; xây đường giao thông nội bộ đạt 85%; cấp nước sạch đạt 77%; cấp điện đạt 87%; xây được 19.348 căn nhà đạt 56%... Các địa phương cũng đã bố trí được gần 19.000 hộ dân vùng ngập lũ và sạt lở nguy hiểm vào sinh sống tại các CTDC, đạt 55% so kế hoạch; đồng thời đưa hơn 16.567 hộ vào nơi ở an toàn trong các bờ bao chống lũ, đạt 79%...

Mặt được là vậy, song nhìn tổng thể thì tiến độ thực hiện chương trình còn chậm so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân được Bộ Xây dựng lý giải là do “vướng” giá đền bù giải phóng mặt bằng, rồi giá vật liệu xây dựng, giá nhân công… đều tăng đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Công tác tôn nền ở nhiều nơi quá chậm, thậm chí tới nay vẫn còn 8 dự án chưa xong phần tôn nền đã kéo nhiều hạng mục khác “chậm theo”. Thêm cái khó nữa là việc bố trí nguồn vốn từ Ngân sách trung ương cho các địa phương chưa kịp thời, nên nhiều việc phải “giậm chân tại chỗ”.

Ông Lê Minh Châu, Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Tháp cho rằng, dù đã trải qua giai đoạn 1 của chương trình CTDC, nhưng khi triển khai giai đoạn 2 vẫn gặp nhiều trục trặc, có những việc không lường trước. Như thời điểm giai đoạn 1 giá đất còn thấp nên việc đền bù dễ dàng, hiện thị trường đất đai có nhiều biến động, giá đất tăng cao nên áp giá cũ khiến người dân phản ứng, phải tổ chức vận động để người dân hiểu, xin điều chỉnh giá… làm mất nhiều thời gian.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Liên Khoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhìn nhận: “Khi triển khai chương trình CTDC vượt lũ, tỉnh đã yêu cầu các địa phương làm khẩn trương để bố trí dân vùng sạt lở, vùng ngập lũ vào sinh sống ổn định. Đến giờ này chỉ mới có 1.900 hộ vào ở, chiếm tỷ lệ 51% là rất thấp; nguyên nhân do hàng loạt CTDC chưa có điện thắp sáng do ngành điện chậm chạp nên dân không vào được”.

Gắn với xây dựng nông thôn mới

Có thể nói, chương trình xây dựng CTDC vượt lũ giai đoạn 2 hiện vào thời điểm chạy nước rút, tuy nhiên với những gì đang diễn ra đã khiến nhiều người lo lắng cho tiến độ hoàn thành. Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ cho gia hạn thêm một năm, vì thế bằng mọi giá cuối năm 2014 này các địa phương phải thực hiện xong.

Cụ thể, việc tôn nền, đắp bờ bao và xây các công trình hạ tầng phải kết thúc trong quý 2-2014. Song song đó, các hạng mục còn lại phải thực hiện một cách đồng bộ, để đến tháng 12-2014 phải bố trí cho được 55.463 hộ dân vùng ngập lũ và sạt lở có nơi ở ổn định, an toàn.

Để đạt tiến độ, Bộ Xây dựng đã làm việc với các bộ ngành liên quan thống nhất bố trí đủ nguồn vốn cho địa phương thực hiện. Xem xét gia hạn thời gian trả nợ vốn vay tôn nền đối với hộ nghèo, đời sống khó khăn. Lồng ghép các chương trình mục tiêu như xây dựng nông thôn mới, giao thông nông thôn, nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, y tế, giáo dục… nhằm sớm hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho CTDC vượt lũ.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp khẳng định: “CTDC là một trong những chương trình lớn mà Chính phủ đầu tư cho người dân vùng ngập lũ ĐBSCL, trong đó có Đồng Tháp. Vì vậy, Đồng Tháp rất quyết tâm và cố gắng hoàn thành càng sớm càng tốt với mục tiêu là đưa người dân vùng sạt lở, ngập lũ vào nơi ở mới an toàn. Cùng với chỗ ở mới, tỉnh cũng quan tâm tạo công ăn việc làm cho người dân, giúp bà con có nguồn thu nhập. Một khi đời sống đảm bảo, ổn định thì người dân sẽ gắn bó lâu dài với CTDC vượt lũ”.

Theo ông Trịnh Nam Trung, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Kiên Giang: “Tỉnh sẽ nỗ lực để kết thúc giai đoạn 2 vào cuối tháng 6-2014. Tuy nhiên, cái vướng hiện tại là giá vật liệu xây dựng tăng cao, trong khi cơ chế cho người dân vay chỉ có 20 triệu đồng làm nhà là không đủ, phải cần từ 40 - 50 triệu đồng. Vấn đề này trung ương cần nghiên cứu giúp các tỉnh”.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, các địa phương nên đẩy mạnh vận động người dân cùng đầu tư thêm vốn để xây nhà trong các CTDC. Theo đó, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, Tiền Giang… phải gấp rút xây trên 15.000 căn nhà cho dân vùng lũ. Để đẩy nhanh tiến độ, các tỉnh hạn chế giao cho doanh nghiệp xây bởi một số nơi xảy ra tình trạng nhà do doanh nghiệp xây chất lượng kém bị dư luận phản ánh, mà nên giao hẳn cho dân xây. Đây là nhà do dân ở, do đó bà con sẽ mạnh dạn đầu tư và xây chu đáo, vì thế tiến độ vừa nhanh vừa đảm bảo chất lượng.

Hiện tại chương trình CTDC vượt lũ đã tạo ra một diện mạo nông thôn khang trang, nhà cửa được xây dựng tập trung theo qui hoạch, các cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi xã hội… từng bước được đầu tư hoàn thiện. Vì vậy, các địa phương cần gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới để sớm hoàn thành chương trình CTDC.

HUỲNH PHƯỚC LỢI

Tin cùng chuyên mục