Đồng bằng sông Cửu Long: Hàng tết sẵn sàng

Càng gần đến Tết Giáp Ngọ, không khí sản xuất ở các tỉnh thành ĐBSCL nhộn nhịp hẳn lên. Hiện nhiều nhà vườn trồng cây ăn trái, nuôi thủy sản, sản xuất hoa kiểng, các làng nghề làm bánh mứt, lạp xưởng, tôm khô… bắt đầu chạy nước rút để kịp cung ứng cho thị trường tết.
Đồng bằng sông Cửu Long: Hàng tết sẵn sàng

Càng gần đến Tết Giáp Ngọ, không khí sản xuất ở các tỉnh thành ĐBSCL nhộn nhịp hẳn lên. Hiện nhiều nhà vườn trồng cây ăn trái, nuôi thủy sản, sản xuất hoa kiểng, các làng nghề làm bánh mứt, lạp xưởng, tôm khô… bắt đầu chạy nước rút để kịp cung ứng cho thị trường tết.

        Khẩn trương làm hàng tết

Nhiều năm qua quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp) được xem là loại trái cây “hạng sang” phục vụ nhu cầu chưng cúng trong dịp Tết Nguyên đán. Lợi thế của quýt hồng Lai Vung là trái to, màu sắc đẹp và chín ngay dịp tết nên được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng.

Ông Phạm Văn Lắm, hộ trồng quýt hồng chuyên nghiệp ở xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tiết lộ: “Dù còn hơn tháng nữa mới đến tết nhưng thương lái từ các nơi đã về Lai Vung tìm mua quýt hồng đặc sản với giá cao 22.000- 24.000 đồng/kg; mức khởi điểm này hơn năm rồi khoảng 4.000- 6.000 đồng/kg”.

Theo ông Lắm, sở dĩ thương lái nâng giá mua quýt đầu vụ là do năm nay thời tiết không thuận lợi, nhiều vườn quýt bị rụng bông và rụng trái dẫn đến năng suất giảm. Dự báo sản lượng quýt chỉ bằng năm ngoái, trong khi nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao, vì vậy thương lái nâng giá lên và mua sớm để có hàng bán tết.

Theo ông Huỳnh Văn Tồn, Phó phòng NN-PTNT huyện Lai Vung, toàn huyện có 1.120 ha quýt hồng đang cho trái, sản lượng mỗi năm dao động từ 30.000 - 35.000 tấn. Quýt hồng Lai Vung được cung ứng khắp nơi từ các tỉnh ĐBSCL đến thị trường TPHCM, ra miền Trung, miền Bắc… Nhờ giá khởi điểm năm nay ở mức cao nên không khí vụ mùa rất phấn khởi.

Chăm sóc quýt hồng Lai Vung.

Chăm sóc quýt hồng Lai Vung.

Tại Hậu Giang, nơi có sản phẩm bưởi hồ lô độc đáo cũng đang tất bật chuẩn bị hàng tết. Ông Võ Trung Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khuyến nông Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành cho hay, nếu như năm ngoái câu lạc bộ sản xuất khoảng 8.000 trái bưởi hồ lô bán tết thì năm nay chỉ làm được 5.320 trái. Số lượng giảm do thời tiết bất lợi, mưa bão nhiều làm bưởi hư bông và rụng trái hàng loạt. Cái mới năm nay là câu lạc bộ sẽ đưa ra thị trường 2 sản phẩm “độc”: Bưởi hồ lô tài lộc thỏi vàng và bưởi hồ lô lò kim đơn “Phúc Lộc Thọ”. Nếu như tết năm 2013 giá bưởi hồ lô dao động từ 300.000- 700.000 đồng/trái (tùy lớn nhỏ), thì tết năm 2014 dự kiến giá tăng 20%.

Trong khi đó, các làng hoa kiểng ở ĐBSCL cũng đang chạy đua với tết. Thạc sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách (Bến Tre) cho biết, các nhà vườn trong huyện đang khẩn trương chuẩn bị khoảng 4,5 triệu chậu hoa kiểng các loại phục vụ Tết Giáp Ngọ, tăng khoảng 500.000 chậu so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nổi bật nhất là kiểng thú 12 con giáp, một thế mạnh của Chợ Lách được thị trường rất chuộng. Hiện nhiều nghệ nhân làm kiểng thú hình con ngựa phục vụ Tết Giáp Ngọ 2014. Kiểng thú hình con ngựa với chiều cao hơn 2m, dài khoảng 2,5m; giá bán 2 - 3 triệu đồng/con. Đối với mai vàng loại nhỏ hiện nay cũng có giá khoảng 600.000 đồng/cặp; loại trung hơn 1 triệu đồng/cặp…, tăng 10% - 20% so mọi năm.

        Không lo thiếu hàng, “sốt” giá

Ông Nhị Văn Khải, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp cho biết, đang phối hợp cùng các ngành liên quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất… đẩy mạnh sản xuất và cung ứng hàng hóa phục vụ tết. Qua khảo sát sơ bộ mới đây cho thấy lượng hàng hóa năm nay dồi dào, chủng loại đa dạng nên không lo tình trạng khan hàng, sốt giá. Cái mới ở Đồng Tháp là tết này có nhiều điểm chợ ở các địa phương vừa được sửa chữa và đầu tư xây mới khang trang, kéo theo nhiều doanh nghiệp đưa hàng về bán. Bên cạnh việc chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh, Đồng Tháp cũng sẵn sàng cung ứng nhiều loại sản phẩm đặc sản của mình như nem Lai Vung, quýt hồng, khô cá lóc… cho thị trường TPHCM và các nơi khác. Phía Hợp tác xã chăn nuôi heo Phú Bình (xã Phú Long, huyện Châu Thành) đã ký hợp đồng cung ứng cho Công ty Vissan (TPHCM) 20.000 con heo thương phẩm...

Tại Trà Vinh, nhiều sản phẩm đặc sản của xứ này như tôm khô Vinh Kim, cá khô Tiến Hải, chả lụa Năm Thụy, bánh tét Trà Cuôn, mứt bần Thủy Tiên, củ cải muối Chịt Sa, nước mắm rươi… đang sẵn sàng bán tết. Ông Nguyễn Thành Tâm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, tỉnh yêu cầu Sở Công thương và các ngành liên quan đảm bảo nguồn hàng cung ứng tết, không để xảy ra thiếu cục bộ cũng như giá tăng quá cao gây khó cho người tiêu dùng.

Theo ông Huỳnh Văn Gành, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kiên Giang, tỉnh đang tổ chức cung ứng hơn 20 mặt hàng chủ lực phục vụ dịp tết 2014 với tổng kinh phí 900 tỷ đồng. Các mặt hàng thiết yếu gồm: 7.000 tấn gạo nếp, đậu các loại; hơn 2.000 tấn thịt heo, trâu, bò, gia cầm và trên 3,8 triệu quả trứng; 1.250 tấn hải sản; 3.500 tấn rau, củ, quả các loại; 300.000 lít dầu ăn; 600 tấn bánh, mứt, kẹo các loại; 600.000 thùng bia... Tỉnh cũng dành 40 tỷ đồng để hỗ trợ 4 doanh nghiệp lớn tham gia bình ổn giá trong thời gian 3 tháng với lãi suất 0%. Các doanh nghiệp này sẽ cung ứng hàng hóa thiết yếu ra các đảo thuộc huyện Phú Quốc, Kiên Hải, Kiên Lương… phục vụ người dân ở những nơi xa đất liền được mua sắm dễ dàng, giá cả hợp lý. Bên cạnh đó, dành một lượng hàng phục vụ bà con ở khu vực biên giới và vùng sâu ở U Minh Thượng được đón tết sung túc. Đây là chương trình được lãnh đạo tỉnh Kiên Giang rất quan tâm với mục tiêu “mọi nhà đều có tết”. “Không chỉ lo hàng hóa tiêu thụ trong tỉnh, hiện nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất… tất bật chuẩn bị những sản phẩm hải sản của xứ biển Kiên Giang như cá mú, cá bóp, ghẹ sống, mực đông… cung cấp cho thị trường TPHCM và nhiều nơi khác trong dịp tết. Ban chỉ đạo 127 của tỉnh sẽ tăng cường kiểm tra ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng… bày bán dịp tết, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”, ông Gành nói.

HUỲNH PHƯỚC LỢI

Tin cùng chuyên mục