Đồng bằng sông Cửu Long: Sẵn sàng đợi lũ về

Khẩn trương phòng chống lũ
Đồng bằng sông Cửu Long: Sẵn sàng đợi lũ về

Cuối tháng 6-2012, các tỉnh ĐBSCL đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng để chủ động đón lũ sớm: rà soát các tuyến dân cư, đê bao, ổn định tình hình sản xuất khi lũ dâng cao. Vấn đề được quan tâm nhất là làm thế nào để bảo vệ vụ lúa thu đông, mía, cây trái hoa màu tránh khỏi lũ lớn trong năm Thìn.

Đồng Tháp khẩn trương thi công các công trình thủy lợi trước khi lũ về.

Đồng Tháp khẩn trương thi công các công trình thủy lợi trước khi lũ về.

Khẩn trương phòng chống lũ

“Ngoài “o bế” các phương tiện cũ, tôi đã mua thêm hàng trăm cái xà di và trúm đặt lươn để chuẩn bị mưu sinh khi lũ về” - lão nông Ba Nô (Trần Văn Nô), 60 tuổi, ở xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp cho biết. Đã hàng chục mùa lũ qua, ông Ba Nô vẫn sống khỏe nhờ đặt xà di bắt cá rô và trúm bắt lươn. Đồng Tháp và An Giang là hai tỉnh đầu nguồn sông Tiền và sông Hậu thường xuyên chịu nhiều tác động bất lợi của thiên tai.

Ông Ba Nô là một điển hình trong hàng triệu người dân ĐBSCL trong tư thế sẵn sàng để mưu sinh trong mùa lũ. Lão nông Ba Dưng, 76 tuổi, ở xã Tân Phú, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp), thì đang sửa lại chiếc chẹt để làm dịch vụ bơm rút nước. Theo lão nông Ba Dưng, các đợt lũ gần đây, lượng cá đồng, cá trắng về nhiều.

Những năm qua, các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, sạt lở bờ sông, giông lốc, sấm sét,... gây ra nhiều thiệt hại về người và cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động kinh tế, xã hội và đời sống người dân.

UBND tỉnh An Giang mới đây đã yêu cầu các cấp, ngành, địa phương cùng các cơ quan truyền thông tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa trước, trong và sau khi có lũ lụt xảy ra, khắc phục tư tưởng chủ quan đợi khi có nước lên mới phòng, chống lũ. Các sở, ngành và địa phương trong quá trình phối hợp thực hiện phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB và TKCN) phải nêu cao tinh thần hợp tác, trách nhiệm và vì quyền lợi sự an toàn của người dân. UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ đạo PCLB và TKCN tỉnh duy trì công tác khen thưởng đột xuất và thường xuyên đối với những tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác PCLB và TKCN.

Về phía các tỉnh hạ nguồn, Hậu Giang là địa phương có diện tích mía lớn nhất thường xuyên bị nước lũ chụp làm hư hại mía. “Chúng tôi đã triển khai quyết liệt các phương tiện cơ giới để đảm bảo tuyến đê bao 2.000 ha, bảo vệ vùng mía nguyên liệu ở Phụng Hiệp trước khi lũ tràn về” - ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang cho biết. Tổng kinh phí để xây dựng đê bao này khoảng 27 tỷ đồng. Đê bao khép kín theo từng ô có diện tích khoảng 100 – 200 ha. Công ty Mía đường Cần Thơ hỗ trợ gần 700 triệu đồng mua 11 máy bơm nước giao cho nông dân sử dụng.

Trong khi đó, tỉnh Đồng Tháp đề ra nhiệm vụ trọng tâm trong công tác PCLB-TKCN từ nay đến cuối năm là chủ động phòng, chống và ứng phó kịp thời với mọi tình huống thiên tai; bảo vệ tính mạng và tài sản, bảo vệ sản xuất và cơ sở hạ tầng;... huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong xã hội, thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ” và “ba sẵn sàng”.

Chỉ làm lúa vụ 3 ở vùng “ăn chắc”

Theo kế hoạch, vụ lúa thu đông năm 2012, Đồng Tháp sẽ xuống giống trên 110.000ha, tăng hơn 11.000ha so với năm rồi. Tuy nhiên, theo nhận định của ngành nông nghiệp, các địa phương sẽ xuống giống thấp hơn kế hoạch ban đầu, vì phải xem ô bao nào chắc chắn mới làm lúa thu đông. Hơn nữa, giá lúa từ đầu năm đến nay luôn ở mức thấp và sợ xảy ra lũ lớn trong năm con rồng, nên nhiều nông dân không làm lúa thu đông. Hệ thống kênh mương bị bồi lấp, sạt lở, cống bọng bị hư hại và nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, nên các địa phương đang nỗ lực huy động các nguồn lực gia cố hệ thống đê bao quyết liệt.

Để đảm bảo sản xuất lúa thu đông và vườn cây ăn trái chuyên canh (trên 23.000ha), Đồng Tháp cần đầu tư 511 công trình thủy lợi kết hợp với các mục tiêu khác với tổng chiều dài nâng cấp trên 775.000m, kinh phí trên 337 tỷ đồng, theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Ông Đặng Ngọc Lợi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp, cho biết: Tỉnh không đặt chỉ tiêu cho các địa phương làm lúa thu đông năm nay, chỉ khuyến cáo làm những khu vực có bờ bao đảm bảo vượt lũ năm rồi hoặc cao hơn, chủ động được khâu chống úng. Những khu vực làm vụ thu đông phải đảm bảo hoàn thành nâng cấp, gia cố đê bao trong tháng 6 ở vùng ngập sâu, đầu thượng nguồn lũ và vùng hạ nguồn hoàn thành trong tháng 7. Hẳn nông dân Đồng Tháp, An Giang vẫn còn nhớ vụ lúa thu đông năm ngoái.

Dù “nhận định” là thắng lợi, nhưng quá vất vả! Thậm chí, lãnh đạo nhiều địa phương và hàng ngàn nông dân phải hối tiếc, chua xót nhìn lúa thu đông chìm mất trắng trong lũ vì nhiều tuyến đê bao bị phá vỡ trong trận lũ năm ngoái. Đây là bài học đắt giá để các địa phương thận trọng khi khuyến cáo nông dân làm lúa thu đông!

C.Phong - T.Nam

Tin cùng chuyên mục