Đóng cầu cũ, thi công cầu mới: Chuẩn bị kỹ, ùn tắc ít

Hàng loạt cầu trên địa bàn TPHCM đã được tạm dừng lưu thông  để xây mới. Thế nhưng cho đến nay tình trạng rối loạn giao thông chung quanh các cây cầu đóng ấy đã không xảy ra.
Đóng cầu cũ, thi công cầu mới: Chuẩn bị kỹ, ùn tắc ít

Hàng loạt cầu trên địa bàn TPHCM đã được tạm dừng lưu thông  để xây mới. Thế nhưng cho đến nay tình trạng rối loạn giao thông chung quanh các cây cầu đóng ấy đã không xảy ra.

Mới đây nhất, sáng mùng 5 Tết, tức ngày 4-2-2014, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) đã chính thức đóng cầu Kiệu nối liền đường Hai Bà Trưng, quận 1 và quận 3 với đường Phan Đình Phùng thuộc quận Phú Nhuận để dỡ bỏ cầu cũ, xây dựng cầu mới. Đây là cây cầu thứ 4 trên địa bàn thành phố được đóng lại để chờ làm mới. Trước đó cầu Bông nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng nối liền quận Bình Thạnh và quận 1, cầu Hậu Giang trên đường Hậu Giang quận 6, cầu Lê Văn Sỹ nối liền đường Trần Quốc Thảo và đường Lê Văn Sỹ quận 3 cũng được tháo dỡ để xây dựng cầu mới.

Người dân lưu thông qua cầu tạm khu vực thi công cầu Kiệu. Ảnh: PHẠM CAO MINH

Người dân lưu thông qua cầu tạm khu vực thi công cầu Kiệu. Ảnh: PHẠM CAO MINH

Có thể nói trong lịch sử phát triển ngành giao thông công chính thành phố, chưa bao giờ có nhiều cây cầu cùng lúc bị đóng cửa để làm mới như hiện nay, thậm chí tất cả các cầu đã đóng cửa đều nằm trên những tuyến đường huyết mạch, vốn dĩ có mật độ xe cộ sầm uất, nhộn nhịp.

Ngay khi có thông tin sẽ đóng cửa xây mới 4 cây cầu này, đã xuất hiện nhiều lo ngại tình trạng ùn ứ giao thông sẽ trầm trọng hơn do những xáo trộn về tổ chức, điều chỉnh giao thông trên những tuyến đường bao quanh các cầu đóng cửa, đặc biệt đáng ngại hơn nữa khi thời gian đóng cầu không phải 1-2 tháng mà sẽ kéo dài ít nhất đến nửa cuối năm 2014.

Những lo ngại về ùn tắc giao thông ấy gần như đã lắng dần theo thời gian. Tuy có xảy ra vài ba sự cố ùn ứ giao thông nhưng vấn đề đã được giải quyết nhanh và không để lây lan. Có thể nhắc đến vụ kẹt xe quanh khu vực cầu Lê Văn Sỹ sau khi cầu này vừa mới được đóng cửa. Lúc đó vụ ùn ứ này diễn ra hết sức trầm trọng khiến cho hàng ngàn phương tiện xếp hàng rồng rắn nhích từng chút qua khu vực. Hệ quả tiếp theo là hàng loạt phương tiện, theo phản xạ tự nhiên, đã đổ dồn về các tuyến đường quanh cầu Lê Văn Sỹ như Trương Định, Trần Quang Diệu, Hoàng Sa, Trường Sa… và rồi khiến các tuyến đường trên cũng kẹt xe luôn.

Khoảng 5 giờ chiều 11-11-2013 tức là vào giờ cao điểm, tại ngã ba đường Hoàng Sa – Rạch Bùng Binh – Trương Định thuộc quận 3, hàng đoàn phương tiện nối đuôi nhau di chuyển hướng từ trung tâm thành phố về quận Phú Nhuận. Tại giao lộ Hoàng Sa – Trương Định có rất đông xe gắn máy, ô tô đổ dồn về khiến cả khu vực bị ùn ứ kéo dài hơn 30 phút. Các lực lượng chức năng như cảnh sát giao thông, thanh niên xung phong, dân phòng trên địa bàn phải tung quân ra điều tiết, hướng dẫn các phương tiện di chuyển. Cách đó khoảng 500 mét, tại giao lộ Trần Quang Diệu – Trường Sa tình hình cũng không khá hơn là mấy khi cả ngàn phương tiện xếp hàng gần 1km kéo dài từ cầu số 9 đến cầu Trần Quang Diệu. Dòng xe gắn máy chen chúc nhích từng tí một để lưu thông, số khác di chuyển lên vỉa hè để thoát cảnh kẹt xe, từ đó càng tạo ra hỗn độn và ùn ứ. 

Điều đáng mừng là sau những sự cố ấy, giao thông xung quanh các cây cầu đóng cửa, kể cả cầu mới nhất vừa được đóng là cầu Kiệu đã gần như không có hoặc không đáng kể. Suy cho cùng kết quả ấy là nhờ khâu chuẩn bị đã được ngành công chính chăm chút chu đáo, kỹ lưỡng.

Lấy cầu Kiệu làm ví dụ. Để tránh ùn xe khi đóng cầu Kiệu, Sở GTVT đã xây dựng 2 cầu tạm mới để tổ chức phân luồng hướng lưu thông, mỗi vị trí cầu dành cho 1 chiều xe lưu thông. Cầu tạm 1 rộng 4m để xe 2 bánh lưu thông từ quận Phú Nhuận sang quận 1; cầu tạm 2 gồm 2 cầu rộng 8m, để các loại xe lưu thông từ quận 1 sang quận Phú Nhuận. Giao thông tại các cầu Bông, cầu Hậu Giang và cầu Lê Văn Sỹ cũng được phân luồng một cách hợp lý tương tự.

Thực ra không phải không có những phiền hà, hệ lụy xung quanh việc đóng cửa cùng lúc và kéo dài 4 cầu nêu trên, nhưng đó có thể xem như cái giá của sự phát triển cũng như chỉ có một vài đối tượng nhất định phải chịu đựng những phiền hà. Đó là một bộ phận người đi xe buýt và những người kinh doanh buôn bán xung quanh các cây cầu đóng cửa.

Những người từ phía quận Gò Vấp có thói quen đi tuyến xe buýt số 7 để đến góc đường Kỳ Đồng - Nguyễn Thông chẳng hạn, giờ đây sẽ phải mất công hơn, đi lòng vòng hơn chỉ vì tuyến buýt số 7 được nắn lại do việc đóng cầu Lê Văn Sỹ. Trong khi đó những cửa hàng kinh doanh dưới dốc cầu Kiệu bên phía quận Phú Nhuận lập tức nếm cảnh hiu hắt vì không còn sự nhộn nhịp tấp nập người xe lại qua như khi cầu Kiệu chưa đóng.

THIỆN NHÂN

Tin cùng chuyên mục