Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XI

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hòa tái đắc cử Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khóa XI

Ngày 13-3, ngày làm việc thứ hai Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XI, các đại biểu đã bầu 163 ủy viên Ban Chấp hành (BCH) Hội LHPN Việt Nam khóa XI (nhiệm kỳ 2012 - 2017) theo hình thức biểu quyết.
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hòa tái đắc cử Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khóa XI

(SGGP).– Ngày 13-3, ngày làm việc thứ hai Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XI, các đại biểu đã bầu 163 ủy viên Ban Chấp hành (BCH) Hội LHPN Việt Nam khóa XI (nhiệm kỳ 2012 - 2017) theo hình thức biểu quyết.

Các đại biểu biểu quyết bầu BCH Hội LHPN VN khóa XI. Ảnh: Minh Điền

Các đại biểu biểu quyết bầu BCH Hội LHPN VN khóa XI. Ảnh: Minh Điền

Sau khi nghe Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khóa X Nguyễn Thị Thanh Hòa báo cáo quá trình chuẩn bị nhân sự và trình bày đề án nhân sự BCH Hội LHPN Việt Nam khóa XI, phương án nhân sự được thống nhất theo hướng tăng cường cơ cấu đại biểu khối bộ/ngành, là những cơ quan tham mưu chiến lược cấp trung ương; cơ cấu tuổi trẻ của cơ quan chuyên trách Trung ương Hội LHPN Việt Nam; các hội quần chúng, chính trị - xã hội, đáp ứng sự phát triển của tổ chức hội.

Tại đại hội đã bầu ra 163 ủy viên BCH Trung ương Hội LHPN Việt Nam khóa XI là những người có đủ phẩm chất đạo đức, trí tuệ, năng động, sáng tạo, đoàn kết, nhiệt tình, tâm huyết và tự nguyện hoạt động công tác hội, tiêu biểu cho các tầng lớp phụ nữ cả nước; thể hiện tính liên hiệp rộng rãi, phản ảnh ý chí, nguyện vọng của phụ nữ Việt Nam. 

Trong ngày, đại biểu tham dự đại hội tiếp tục nghe các báo cáo tham luận của một số tỉnh thành, đại diện các bộ, ngành. Các báo cáo tập trung đề xuất các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, nội dung, phương thức hoạt động phong trào phụ nữ, công tác hội và công tác cán bộ nữ; thảo luận tại đoàn về báo cáo chính trị và Điều lệ Hội LHPN Việt Nam (sửa đổi, bổ sung).

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khóa XI (thứ 4 từ trái sang) và các Phó Chủ tịch.

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khóa XI (thứ 4 từ trái sang) và các Phó Chủ tịch.

Chiều 13-3, BCH TƯ Hội LHPN Việt Nam đã họp phiên thứ nhất để bầu Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam. Hội nghị đã thống nhất số lượng ủy viên Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam khóa XI là 33 đồng chí. Tại Hội nghị BCH lần thứ nhất bầu 32 ủy viên; thống nhất bầu Chủ tịch và 7 Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khóa XI. Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hòa, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khóa X được hội nghị bầu tái đắc cử Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam. Các đồng chí Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khóa X: Nguyễn Thị Kim Thúy, Hoàng Thị Ái Nhiên, Nguyễn Thị Tuyết, Trần Thanh Bình tái đắc cử. Các đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà (Ủy viên BCH TƯ Hội LHPN Việt Nam khóa X, Giám đốc Trường Cán bộ Phụ nữ TƯ), Bùi Thị Hòa (Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Nông) và Trần Thị Hương (Vụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Ban Tổ chức TƯ, Ủy viên BCH TƯ Hội LHPN Việt Nam khóa X) đắc cử Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khóa XI.

Khát vọng cống hiến và làm giàu cho đất nước

Bên hành lang đại hội, Báo SGGP đã ghi lại tâm tư của một số đại biểu về dự đại hội phụ nữ toàn quốc lần này.

GS-TS Phạm Thị Trân Châu (đại biểu cao tuổi nhất đại hội): “Lực lượng nữ trí thức ở lứa tuổi lớn hơn đã hội tụ đầy đủ các yếu tố như: sự chín muồi về kinh nghiệm, điều kiện tốt về thời gian, cuộc sống vật chất… nguyện vọng lớn nhất của họ là được cống hiến cho đất nước. Vì vậy, vai trò của Hội LHPN Việt Nam nói chung, của Hội Nữ trí thức nói riêng là tích cực tham gia, đóng góp ý kiến cho những chính sách, chủ trương liên quan đến nữ trí thức, trong đó có vấn đề quy định tuổi nghỉ hưu cho nữ trí thức hiện nay”.

Ni sư Thích Đàm Huề, Chủ nhiệm CLB Nữ chức sắc Phật giáo tỉnh Hà Nam: “Hội LHPN các cấp cần có nhiều hoạt động hơn nữa để thu hút phụ nữ tôn giáo với phương châm ở đâu có phụ nữ, có chức sắc tôn giáo nữ thì ở đó có CLB Nữ chức sắc Phật giáo và CLB Nữ tín đồ phật tử; các ni sư đều mong muốn được sinh hoạt trong môi trường hội phù hợp với điều kiện, tính đặc thù của mình. Tôi mong rằng, nhiệm kỳ tới, Hội LHPN Việt Nam sẽ có sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa về tổ chức, nội dung hoạt động để nâng cao chất lượng của các CLB Nữ chức sắc Phật giáo và CLB Nữ tín đồ phật tử”.

Chị Mang Thị Điền (dân tộc Rắclây), hội viên tiêu biểu, xóm Bằng, xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc, tỉnh Quảng Ngãi: “Tôi mong rằng Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XI sẽ quan tâm hơn đến đời sống của phụ nữ vùng nông thôn nghèo, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, phổ biến nhiều tài liệu, kiến thức, thông tin giúp chị em nâng cao nhận thức cũng như giúp chị em biết cách xóa đói, giảm nghèo một cách hiệu quả hơn nữa, làm giàu cho bản thân, đất nước. Bên cạnh tài liệu bằng tiếng Kinh thì có thêm nhiều tài liệu tiếng dân tộc để chị em hội viên dễ tiếp cận với kiến thức, dễ dàng trao đổi với các chị em ở các dân tộc khác”.

Bích Quyên

Tin cùng chuyên mục