Đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh, một nhà lãnh đạo tài đức, một chiến sĩ cộng sản kiên cường

Đồng chí Phan Văn Khải

“Uống nước nhớ nguồn”. Hôm nay, trong không khí nồng ấm của những ngày đầu xuân mới, chúng ta cùng nhau họp mặt thân mật tại thành phố nghĩa tình này để ôn lại thân thế, cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng vẻ vang của đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh, người mà trong 9 năm kháng chiến chống Pháp cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Nam Bộ quen gọi bằng cái tên thân thương: “Anh Tư”, “anh Tư Kỉnh”, “anh Tư Thượng Vũ". Anh Tư Kỉnh là một trong những nhà lãnh đạo ưu tú của cuộc kháng chiến chống Pháp trên chiến trường Nam Bộ, người đã hai lần đảm nhận trọng trách: Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn trong thời kỳ chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8.1945 và Bí thư Đặc khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn trong năm cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Trải qua một phần tư thế kỷ tham gia và lãnh đạo phong trào công nhân và phong trào yêu nước cũng như tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp. Ở đâu và bất cứ nơi nào, anh Tư Kỉnh cũng luôn luôn nêu cao tấm gương người chiến sĩ tiên phong “trung với Đảng hiếu với dân, khó khăn nào cũng vượt qua, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Nói đến anh Tư Kỉnh, trước hết là nói đến một đảng viên cộng sản đã dày công tôi luyện được nhân sinh quan cách mạng cao đẹp. Từ thuở thiếu thời đến 50 năm đầu thế kỷ 20, anh Tư đã hiến dâng lứa tuổi thanh xuân đầy nhiệt huyết cho các cuộc vận động cách mạng nối tiếp nhau diễn ra trên đất nước ta: những năm sau cao trào cách mạng 1930 - 1931, cuộc vận động dân chủ 1936 -1939 và cao trào cứu nước 1941 - 1945 dẫn đến thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám 1945 và 9 năm kháng chiến chống Pháp.

Trong quá trình hoạt động cách mạng liên tục trải dài qua một phần tư thế kỷ, kể cả trong những giai đoạn thăng trầm và những bước ngoặt quanh co của lịch sử, anh Tư Kỉnh luôn luôn nêu cao khí phách chiến đấu kiên cường bất khuất, xả thân hy sinh, tận tụy và trung thành vô hạn với Tổ quốc và nhân dân.

Vốn xuất thân trong một gia đình khá giả sống giữa trung tâm thành phố “hòn ngọc Viễn Đông”, có quốc tịch Pháp, được đào tạo dưới mái trường Tây học, nhưng đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh sớm giác ngộ cách mạng trở thành người chiến sĩ cộng sản trẻ có tinh thần yêu nước mãnh liệt. Năm 16 tuổi, anh đã kiên quyết từ giã học đường, thoát ly gia đình để tích cực tham gia vào Nam Kỳ học sinh liên hiệp hội và hăng hái hoạt động trong Thanh niên Cộng sản đoàn. Hoạt động của Nguyễn Văn Kỉnh trong những năm 1932 - 1935 đã có tác dụng hỗ trợ cho Đảng ta tiến hành khôi phục và phát triển thực lực trong giai đoạn cách mạng thoái trào. Có thể nói trong thời kỳ này, chúng ta đã tìm thấy hình ảnh người thiếu niên anh hùng Lý Tự Trọng trong bầu máu nóng sục sôi của Nguyễn Văn Kỉnh.

Trong phong trào cách mạng 1936 - 1939, cống hiến của anh Tư Kỉnh thể hiện đậm nét trên lĩnh vực hoạt động báo chí. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các đồng chí Tổng Bí thư Hà Huy Tập và Nguyễn Văn Cừ, anh Tư Kỉnh đã có những cống hiến quý báu vào sự nghiệp phát triển báo chí cách mạng của Đảng giữa lòng thành phố Sài Gòn qua những tháng năm đấu tranh công khai, hợp pháp.

Chính bài học kinh nghiệm hoạt động thực tiễn quý giá trong công tác tổ chức và quản lý báo chí ở thời kỳ này, đã trang bị cho anh Tư Kỉnh những hành trang quan trọng để đi vào nhiều lĩnh vực hoạt động đa dạng của công tác tuyên giáo trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp cũng như trong những tháng năm tham gia công tác lãnh đạo Ban Tuyên huấn trung ương phụ trách tuyên truyền, báo chí sau khi tập kết ra miền Bắc.

Cuộc đời anh Tư Kỉnh rất phong phú, con đường hoạt động cách mạng mà anh đã trải qua thật là đa dạng: 13 năm làm công tác quần chúng và xây dựng tổ chức cơ sở Đảng; 3 năm hoạt động trên lĩnh vực xuất bản báo chí công khai; 14 năm làm công tác tuyên huấn; 24 năm làm công tác đối ngoại; 37 năm làm công tác lãnh đạo của các cấp đảng bộ như: Ủy viên Tỉnh ủy Chợ Lớn, Ủy viên Liên tỉnh ủy miền Đông, Ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, Phó Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, Ủy viên thường trực Trung ương cục miền Nam, Bí thư Đặc khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, 25 năm là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng của khóa II và khóa III; 4 lần bị địch bắt, 2 lần bị ngồi tù 42 tháng, đã bị tòa án bọn thực dân Pháp kết tội tù chung thân khổ sai và án tử hình.

Nghiên cứu về anh Tư Kỉnh, có một điều ít ai ngờ tới. Đó là việc anh đã đứng trên hàng đầu đội ngũ vũ trang cách mạng của quần chúng trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ tháng 11 năm 1940. 76 năm trước đây, dưới sự chỉ huy của anh Tư Kỉnh, nghĩa quân trong các làng thuộc tổng Long Hưng Thuận vùng Trung quận (tỉnh Chợ Lớn) đã đồng loạt nổi dậy đánh trống mỏ, tiến công các nhà việc, đốt hồ sơ sổ sách trừng trị bọn tề phản động, treo băng cờ khẩu hiệu và tung truyền đơn vang động khắp vùng. Cũng như các tỉnh Gia Định, Mỹ Tho và Vĩnh Long, tỉnh Chợ Lớn là nơi cuộc khởi nghĩa bùng nổ mạnh nhất nhưng cũng bị địch đàn áp vô cùng khốc liệt. Nguyễn Văn Kỉnh đã bị bắt và bị kết án tử hình. Nếu không có quốc tịch Pháp và nếu không có sự biến động của tình hình thế giới tác động đến thời cuộc nước Pháp trong thời gian ấy, chắc chắn anh Tư Kỉnh đã bị kẻ thù xử bắn cùng với các đồng chí Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Thị Minh Khai và hàng trăm chiến sĩ Nam Kỳ khởi nghĩa khác.

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, cùng với các anh Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Ung Văn Khiêm và Hà Huy Giáp, anh Tư Kỉnh là thành viên trong cơ quan lãnh đạo đầu não cuộc kháng chiến chống Pháp trên chiến trường Nam Bộ. Ở chiến khu Đồng Tháp Mười anh là Phó Bí thư thường trực Xứ ủy Nam Bộ. Tại căn cứ địa U Minh anh là Ủy viên trung ương Đảng khóa II, Ủy viên thường trực Trung ương cục miền Nam.

Anh Tư Kỉnh đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong nhiều lĩnh vực hoạt động của thời kỳ kháng chiến. Tuy thời gian đã trôi qua 62 năm, nhưng đến nay đồng chí và đồng bào ta vẫn còn xúc động nhắc đến các loại công văn giấy tờ mà trước đây anh Tư đã ký với những bí danh la THƯỢNG VŨ và TRUNG NAM. “Thượng Vũ” có nghĩa là Thường vụ. Còn “Trung Nam” là Trung ương cục miền Nam.

Chúng ta hiểu rõ, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, anh Tư Kỉnh là một nhà lãnh đạo ưu tú. Song sẽ rất thiếu sót, nếu như không nói đến tài năng của anh trong lĩnh vực công tác đối ngoại. Nguyễn Văn Kỉnh là một nhà ngoại giao có tầm cở của Đảng ta. Có thấy hết bối cảnh lịch sử đặc thù trên trường quốc tế trong thời gian anh Tư Kỉnh làm công tác đối ngoại và có hiểu rõ được nguyên nhân vì sao Trung ương quyết định kéo dài thời hạn tới 3 nhiệm kỳ 10 năm của anh làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta trên đất nước Xô Viết, chúng ta mới lý giải được điều này.

Cống hiến quan trọng của anh Tư Kỉnh là đã tích cực góp phần thực hiện thắng lợi tư tưởng chỉ đạo chiến lược về công tác đối ngoại của Bác Hồ. Đó là việc củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thông và sự đoàn kết quốc tế gắn bó giữa nước ta với các nước anh em, với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân yêu chuộng hòa bình công lý trên thế giới và nhân loại tiến bộ đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.

Nguyễn Văn Kỉnh đã đồng hành 65 năm cùng lịch sử đất nước. Cuộc đời anh trong như giọt sương, đẹp như ánh sáng. Anh không chỉ là một cán bộ lãnh đạo tài cao, mà còn là một chiến sĩ cách mạng đức trọng. Tài cao, thể hiện ở chỗ bằng sự nêu gương của chính mình, anh đã thu phục nhân tâm quần chúng, tập hợp và quy tụ được mọi người đoàn kết gắn bó xung quanh mình để cùng nhau tổ chức thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ công tác của Đảng. Đức trọng, đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong việc anh kiên trì phấn đấu để vận dụng nhuần nhuyễn tư tưởng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” của Bác Hồ trong mọi mặt hoạt động và trong cuộc sống giữa đời thường, có tác dụng nêu gương và có sức lan tỏa mạnh.

Chúng ta tổ chức cuộc tọa đàm để kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Nguyên Văn Kỉnh trong thời điểm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng mới kết thúc, là việc rất có ý nghĩa. Chính cuộc tọa đàm này sẽ giúp chúng ta quảng bá điển hình và nhân rộng mô hình về đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Kỉnh, nhằm góp phần xây dựng Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh ngày càng trong sạch và vững mạnh.

Trên tinh thần đó và với sự kỳ vọng đó, tôi xin chúc cuộc tọa đàm của chúng ta thành công tốt đẹp.

Đồng chí Phan Văn Khải
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị
Nguyên Thủ tướng Chính phủ

Tin cùng chuyên mục