Kỷ niệm 66 năm ngày mất của Bí thư Xứ ủy Nam kỳ Võ Văn Tần

Đồng chí Võ Văn Tần sống mãi trong lòng dân

Đồng chí Võ Văn Tần sống mãi trong lòng dân

66 năm sau ngày Bí thư Xứ ủy Nam kỳ Võ Văn Tần hy sinh, cùng với đông đảo người dân trong vùng, chúng tôi về dự đám giỗ ông tại vùng đất Đức Hòa anh hùng (tỉnh Long An ngày nay).

Trước tượng đài ông, cao lớn và sừng sững trong khói hương nghi ngút, người dân và các cán bộ lão thành từ Hóc Môn, Bà Điểm (TPHCM), từ Thủ Thừa, Bến Lức (Long An) hay từ Lái Thiêu, Bến Cát (Bình Dương) đã tề tựu. Tay ai cũng cầm hoa huệ trắng, hương thơm... để dâng lên hương hồn ông, người từng viết câu nói bất hủ trên tường xà lim, trước khi bị xử bắn: “... thà chết chứ không bao giờ mình giết chết phong trào cách mạng...”. Và chính vì thế dù cho cuộc khởi nghĩa Nam kỳ có bị đàn áp trong biển máu, dù cho hầu hết lãnh đạo cấp cao của Đảng ta bị giết hại, phong trào cách mạng của đồng bào Nam bộ vẫn trỗi dậy, đi lên góp phần cùng cả nước làm nên cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8 lịch sử.

Đồng chí Võ Văn Tần sống mãi trong lòng dân ảnh 1

Nhân dân nhiều địa phương đến viếng tượng đài đồng chí Võ Văn Tần tại Đức Hòa sáng ngày 18-8 (mùng 6-7 âm lịch). Ảnh: M.A.

Phó Giám đốc Sở VHTT tỉnh Long An Nguyễn Văn Danh xúc động phát biểu: “Võ Văn Tần quê ở xã Đức Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn, nay thuộc tỉnh Long An. Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, lớn lên ra thành phố làm nghề kéo xe để kiếm sống. Sớm tham gia các cuộc đấu tranh ở địa phương. Tham gia hoạt động yêu nước trong tổ chức của Nguyễn An Ninh, sau chuyển sang tổ chức Đảng Cộng sản (1929). Ông là Bí thư Huyện ủy đầu tiên của huyện Đức Hòa (1930), trực tiếp tổ chức cuộc đấu tranh của nông dân ở Đức Hòa ngày 4-6-1930, bị thực dân Pháp kết án tử hình vắng mặt. Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn (1931), Bí thư Tỉnh ủy Gia Định (1932). Từ 1936, tổ chức lãnh đạo phong trào đấu tranh dân chủ ở Sài Gòn và các tỉnh Nam kỳ; Bí thư Xứ ủy Nam kỳ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1937 - 1940). Tham dự Hội nghị lần thứ 6 (tháng 11-1939) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp ở Bà Điểm, Hóc Môn. Ông bị thực dân Pháp bắt và bị tra tấn dã man. Sau một thời gian không khai thác được gì, ông bị thực dân Pháp xử bắn tại Hóc Môn ngày 28-8-1941, nhằm mùng 6-7 âm lịch”.

Đồng chí Võ Văn Tần có nhiều con, trong đó con trai út là ông Võ Văn Định (Lê Thanh, nguyên Giám đốc Sở Lương thực TPHCM). Và ông Định cũng có nhiều con, trong đó người trai út là anh Võ Văn Đấu. Đã 66 năm rồi, hương linh Bí thư Xứ ủy Nam kỳ được con trai út và bây giờ là cháu nội út thờ phụng. Anh Đấu kể: “Tía tui nói ông nội nghèo lắm nên chỉ chia cho tía được 4 công (4.000m2) đất làm nhà thờ tự, nay tía để lại cho tui để hương khói và chăm lo mấy đứa nhỏ ăn học thành tài. Mình mang danh là con cháu Võ Văn Tần, phải sống sao cho xứng đáng với ông bà. Tui hiện nay là Phó Bí thư Chi bộ ấp Bình Hữu 2, xã Đức Hòa Thượng. Cả 5 đứa con của tui đều ăn học thành tài, bà xã tui thì buôn bán phân bón, thức ăn gia súc”.

Theo lời anh Đấu kể thì ông nội của anh có 1 đôi bò và cha của anh phải đi chăn, đi cày thuê để lấy tiền nuôi các em. Trong thời gian đồng chí Võ Văn Tần hoạt động bí mật, cha của anh Đấu hàng ngày phải quảy gánh rau ra chợ phụ mẹ rồi mới đến trường, đi học!

Ngôi nhà tự của anh Đấu cũng bình thường như bao ngôi nhà khác ở làng quê Đức Hòa. Con đường dẫn từ Tỉnh lộ 9 vào nhà tuy còn mấp mô nhưng đã được mở rộng đôi chút để xe 4 chỗ có thể vào thăm viếng. Hàng cau xanh mướt, rau mồng tơi, dền đất... rồi đu đủ, xoài, bưởi, chuối được trồng quanh vườn, cảnh vật thật yên bình.

Phó Giám đốc Sở VHTT tỉnh Long An Nguyễn Văn Danh khẳng định: “Khí tiết của đồng chí Võ Văn Tần là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, về lý tưởng cuộc sống để thế hệ trẻ noi theo, học tập”. Dưới bóng cây cà na chín vàng có từ thời người Bí thư Xứ ủy, người dân các nơi tề tựu về thắp hương khá đông. Với họ, ông mãi mãi vẫn là “ông già trầu” gần gũi, thân thương. 

MINH ANH

Tin cùng chuyên mục