Đến dự chương trình có các đồng chí: Trương Hòa Bình, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Nguyễn Hữu Hiệp, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức; Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM... cùng đại diện các sở, ban ngành, đoàn thể TPHCM; đông đảo người dân và du khách quốc tế.
Lễ hội Nguyên tiêu của người Hoa ở TPHCM đã được Bộ VH-TT-DL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là một nét đẹp văn hóa được kết hợp hài hòa giữa văn hóa Việt và văn hóa dân tộc Hoa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Qua hơn 30 năm duy trì và tổ chức, Lễ hội Nguyên tiêu đã được đưa vào trong chuỗi sự kiện văn hóa đón tết cổ truyền dân tộc (Tết Nguyên đán) và là 1 trong 19 sự kiện văn hóa, nghệ thuật, lễ hội tiêu biểu thường niên tại TPHCM.
Tết Nguyên Tiêu còn gọi là gọi là Tiết Thượng Nguyên, Tiết Hoa Đăng... là một trong những lễ hội cổ truyền, đã có từ lâu đời, có ý nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới.
Tại TPHCM, ở các quận 5, 6, 11 và các quận có đông đồng bào người Hoa sinh sống, Tết Nguyên tiêu được tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng diễn ra ở phạm vi gia đình và cộng đồng, người dân thành kính dâng hương tại các chùa, miếu, để cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, gia đình ấm no hạnh phúc.
Tết Nguyên tiêu kéo dài từ mùng 10 tháng Giêng đến hết tháng Giêng, trong đó các hoạt động cộng đồng tập trung vào các ngày từ 12 tháng Giêng đến 18 tháng Giêng, lễ chính vào ngày 15 tháng Giêng.
Các hoạt động chính trong dịp Tết Nguyên tiêu gồm có: Ban quản trị các Hội quán cùng bà con đồng bào dân tộc Hoa tổ chức các nghi lễ truyền thống tại các hội quán, góp phần gìn giữ văn hóa truyền thống cộng đồng, biểu diễn ca kịch truyền thống, múa Lân Sư Rồng, đấu đèn, đố đèn, thưởng thức ẩm thực truyền thống, diễu hành nghệ thuật đường phố…
Thông qua lễ hội, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Hoa được giữ gìn và phát huy, thu hút du khách trong và ngoài nước quan tâm, tìm hiểu, thưởng thức, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, phát triển kinh tế thành phố.
Trong buổi chiều và tối 24-2 (tức 15 tháng Giêng), đoàn diễu hành nghệ thuật đường phố, diễu hành xe hoa đăng, với sự tham gia của 1.300 diễn viên, các đoàn Lân Sư Rồng, các đoàn nghệ thuật, cổ nhạc… đã đi qua các cung đường trên địa bàn quận 5: Hải Thượng Lãn Ông - Châu Văn Liêm - Lão Tử - Lương Nhữ Học - Nguyễn Trãi - Trần Xuân Hòa - Trần Hưng Đạo đến Trung tâm Văn hóa Quận 5, tạo nên không khí Lễ hội Nguyên tiêu rộn ràng, lung linh sắc màu, rộn ràng, tưng bừng tiếng trống, chiêng vui tươi, hấp dẫn, đã thu hút hàng ngàn người dân và du khách quốc tế dõi theo dọc theo các tuyến đường diễu hành.
Buổi tối, tại sân khấu lớn của Trung tâm văn hóa quận 5, các đơn vị nghệ thuật đã lần lượt diễu hành qua sân khấu và cùng biểu diễn các tiết mục ca múa nhạc mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Hoa góp phần làm sôi nổi không khí thưởng thức nghệ thuật, mừng lễ Nguyên tiêu. Khu vực đố đèn hoa đăng, trưng bày triển lãm, cũng thu hút sự quan tâm của du khách đến với Đêm hội Nguyên tiêu 2024.
>> Clip một số tiết mục Lễ hội Nguyên tiêu 2024. Clip: Thuý Bình
Cũng trong buổi tối, tại Hội quán Nhị Phủ diễn ra chương trình biểu diễn nghệ thuật, bát tiên đi cà kheo, biểu diễn nghệ thuật cổ nhạc Nam Âm Phước Kiến, múa lân sư rồng; Hội quán Nghĩa An tiếp tục tổ chức lễ thỉnh lộc Ông đầu năm đến hết ngày 15 tháng Giêng; chương trình biểu diễn nghệ thuật ca kịch truyền thống Triều Châu, múa Lân Sư Rồng, ca nhạc trẻ, diễn ra từ tối 14 tháng Giêng sẽ phục vụ khán giả đến hết 21 tháng Giêng (từ 23-2 đến 1-3-2024), riêng lễ đấu giá đèn lồng ở Hội quán sẽ diễn ra ra vào lúc 19 giờ ngày 18 tháng Giêng (27-2-2024).
>> Một số hình ảnh tại Lễ hội Nguyên tiêu 2024. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG