Một phụ huynh có con gái học lớp 4 tại một trường tiểu học ở TPHCM nhận định phong trào làm kế hoạch nhỏ, gây quỹ giúp học sinh nghèo vượt khó ở ngôi trường con mình đang học bị “biến dạng”, thiếu thực chất.
Chẳng là con gái chị nằng nặc đòi mẹ đưa 100.000 đồng để đóng góp vào phong trào làm kế hoạch nhỏ ở lớp. Cháu nói rằng, bạn nào đóng góp 10.000 đồng hoặc 20.000 đồng thì nét mặt cô không vui nhưng bạn nào đóng nhiều tiền cỡ 100.000 đến 200.000 đồng thì được cô khen ngợi là “ngoan, biết làm việc tốt”.
Đến trường tìm hiểu thực hư chuyện đóng góp bằng tiền mặt, cô giáo chủ nhiệm phân trần rằng trước đây nhà trường cũng vận động học sinh thu gom giấy báo cũ đến nộp nhưng do không có kho để chứa và bán cũng không được bao nhiêu tiền nên năm nay cho phép các cháu góp tiền mặt cho dễ. Đây là công trình làm kế hoạch nhỏ của trường nhằm giúp đỡ học sinh ở vùng sâu vùng xa, trẻ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận. Là phụ huynh, chị khẳng định rằng mình rất đồng tình với mục đích, ý nghĩa của phong trào thi đua này nhưng cách làm phải thuyết phục và thực chất. Đằng này, để lấy thành tích gây được nguồn quỹ lớn, nhà trường đã kêu học sinh đóng góp bằng tiền mặt (từ túi cha mẹ) chứ không hướng các em vào những việc làm thiết thực, tập tiết kiệm, giáo dục lối sống, hành vi đẹp.
Trẻ em như tờ giấy trắng tinh khôi và nếu người lớn vô tình hay cố ý gieo vào tâm hồn các em những điều lệch lạc, phản giáo dục thì nhân cách sẽ méo mó, tổn thương. Như câu chuyện nêu trên, khi trẻ không cảm nhận được phong trào kế hoạch nhỏ có ý nghĩa như thế nào thì chúng hành động vô thức và so sánh, bắt chước hành động của các bạn vì đóng góp nhiều tiền được cô khen. Cách đây không lâu, một trường tiểu học ở quận 1 cũng xảy ra câu chuyện phản giáo dục khi có bà mẹ đi thu gom mua lại giấy báo cũ với số lượng lớn từ người bán ve chai rồi đem vào nộp thay cho con mình. Đứa trẻ thì hí hửng vì thành tích gom được nhiều giấy báo cũ nhưng cháu không thể hiểu sâu xa rằng mẹ mình làm thay là đang hại mình. Cháu sẽ ỷ lại và không thể trưởng thành, khôn lớn, tự tin vào đời khi cha mẹ luôn giành việc và làm thay con cái từ nhỏ đến lớn.
Từ hai câu chuyện này cho thấy, việc phát động phong trào kế hoạch nhỏ nhằm dạy trẻ biết tiết kiệm, nuôi dưỡng lòng nhân ái, tính sẻ chia với mọi người đã bị “biến dạng” , trở thành thành tích của nhà trường. Với cách làm đối phó, phản giáo dục như thế, có nên duy trì phong trào kế hoạch nhỏ như một số trường học đang làm?
DIỆU NGÂN