Đồng hành cùng hàng Việt

Cần con cua chân thật và miếng thịt sạch

Trên thực tế, người tiêu dùng đồng ý ủng hộ hàng Việt nhưng cũng đòi hỏi nhà sản xuất phải đưa ra những sản phẩm tốt. Như vậy, khi “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam là yêu nước” - trọng trách không chỉ thuộc về người tiêu dùng, mà còn thể hiện được trách nhiệm của doanh nghiệp trên tinh thần “Sản xuất hàng chất lượng cao là yêu nước”.

Làm thế nào để hàng Việt Nam trở thành nếp văn hóa tiêu dùng của người Việt? Diễn đàn SGGP Online mời bạn đọc tham gia thảo luận, hiến kế về chủ đề này.

>>Ý kiến:

Khai thác căn cơ thị trường nội địa

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được phát động trong bối cảnh hàng ngoại nhập (theo đường chính ngạch, tiểu ngạch và cả hàng lậu) đang chiếm ưu thế rõ rệt. Vấn đề đặt ra lúc này là có nên phân loại hàng Việt theo từng cấp độ khác nhau để cung ứng cho từng thị trường một cách hợp lý nhằm tăng sức cạnh tranh? ĐTTC đã có cuộc trao đổi với các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp về vấn đề này.

PGS.TS Trần đình Thiên,Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam:
Doanh nghiệp phải thích ứng thị trường

Thời gian qua, hàng ngoại nhập ào ạt tràn vào thị trường nội địa, bán giá thấp gây khó khăn cho sản xuất trong nước. Điều đáng nói, rất nhiều hàng ngoại nhập chất lượng chưa cao, bán giá thấp nhưng hàng nội vẫn không cạnh tranh nổi. Vì thế các doanh nghiệp cần xem lại việc sản xuất của mình đã hợp lý chưa, chỗ nào dư thừa thì cắt giảm để hạ giá thành. Đối với những sản phẩm cùng loại, cần xem xét chất lượng ra sao, giá bán thế nào? Nếu hàng nội tương đồng hàng ngoại nhưng giá bán cao hơn, thậm chí ngang bằng thì người tiêu dùng vẫn chuộng ngoại. Ủng hộ hàng nội không thể nói suông mà phải bằng hành động cụ thể. Các doanh nghiệp nên định vị lại việc sản xuất và có những phân khúc sản phẩm phù hợp với từng đối tượng tiêu dùng khác nhau. Doanh nghiệp phải thích ứng tốt với thị trường mới cạnh tranh được.

Ông Trần Vinh Nhung, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM:
Cung ứng hàng hóa phù hợp đối tượng

Chúng ta đã bỏ quên thị trường nội địa quá lâu, khi xuất khẩu gặp khó khăn mới quan tâm khai thác. Do vậy đến nay vẫn chưa có chiến lược bài bản mang tính ổn định lâu dài. Để tăng sức cạnh tranh, nên phân loại hàng hóa theo từng cấp độ cao thấp khác nhau. Ví dụ, ở thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa đời sống còn khó khăn, không thể đưa quần áo giá cao đến bán được. Sản phẩm cao cấp chỉ có thể tiêu thụ ở khu vực thành thị, nơi người dân có thu nhập cao. Hiện nay, Sở Công Thương phối hợp cùng các doanh nghiệp đưa hàng thiết yếu, hàng tiêu dùng... với mức giá vừa phải phục vụ cho công nhân, bước đầu rất thành công. Tôi cho rằng việc phân loại hàng hóa từ cao cấp đến trung bình là việc nên làm để cung ứng cho từng đối tượng một cách phù hợp. Đồng thời doanh nghiệp thực hiện đúng cam kết và bảo hành tốt sản phẩm mình đưa ra.

Ông Phan Phát Đạt, Phó Giám Đốc Siêu thị Thiên Thiên Phú (An Giang):
Hàng Việt vẫn có chỗ đứng

Tại các siêu thị miễn thuế ở khu thương mại Tịnh Biên (An Giang), hàng ngoại nhập tràn lan đến từ các nước, từ đắt đến rẻ đều có. Tuy nhiên, hàng nội địa vẫn bán khá chạy. Điều này cho thấy người tiêu dùng không chê hàng nội. Nhiều mặt hàng như nước suối, nước ngọt, rượu, bia Sài Gòn, sữa, bột giặt, đồ nhựa, hàng gia dụng... do các doanh nghiệp trong nước sản xuất không chỉ được người dân Việt Nam mà cả người dân Campuchia sang mua rất đông. Những sản phẩm này có mức giá thông dụng từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng, phù hợp với túi tiền của họ. khi doanh nghiệp đánh giá đúng nhu cầu thị trường để cung ứng sản phẩm thích hợp, hàng nội hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với hàng ngoại.

Ông Huỳnh Bửu Sơn,chuyên gia kinh tế:
Phải tôn trọng người tiêu dùng

Tâm lý người tiêu dùng thường quan tâm đến giá cả bởi mức thu nhập chưa cao, nhất là ở nông thôn. Để hàng Việt tạo được chỗ đứng vững chắc ở thị trường nội địa, đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập, các doanh nghiệp phải định vị lại sản phẩm của mình một cách hợp lý. Nên bỏ tư tưởng lo xuất khẩu là chính, còn tiêu thụ nội địa là phụ. Theo tôi, doanh nghiệp cần có thái độ tôn trọng người tiêu dùng trong nước và xem việc phục vụ họ là trách nhiệm và niềm tự hào của mình. Từ đó có sự đầu tư, nghiên cứu từng đối tượng tiêu dùng một cách hợp lý để sản xuất theo nhu cầu thị trường. Làm được như vậy, doanh nghiệp sẽ thành công bởi hiện tại người dân đã sử dụng hàng Việt rất nhiều.

Ông Nguyễn Đình Huấn, Phó Tổng giám đốc CTCP AGIFISH:
Thành công khi tiêu thụ nội địa

Trong lúc nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra, ba sa chỉ chăm chú lo xuất khẩu thì Agifish đã mạnh dạn đưa sản phẩm cá tra, ba sa các loại tiêu thụ nội địa. Chúng tôi đã đầu tư xây dựng riêng một nhà máy chuyên sản xuất mặt hàng giá trị gia tăng với khoảng 30 sản phẩm khác nhau. Bên cạnh đó phối hợp với hệ thống siêu thị đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng, tập trung đối tượng ở khu vực thành thị. Bởi người dân thành thị có nhu cầu tiêu thụ thực phẩm đông lạnh, trong khi nông thôn chỉ quen sử dụng thực phẩm tươi sống. Đánh giá đúng đối tượng tiêu dùng để chế biến những sản phẩm chất lượng, Agifish đã thành công trong việc đưa cá tra, ba sa vào tiêu thụ nội địa. Bình quân mỗi năm tăng trưởng từ 15% trở lên.

Huỳnh Lợi (ghi)

Bản thân doanh nghiệp phải chủ động

Chủ trương vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng trong nước sẽ tạo tiền đề quan trọng để tăng tích lũy, tạo nên nguồn lực lớn cho đất nước, đồng thời xây dựng ý thức tiết kiệm, niềm tự hào dân tộc khi bước vào thời kỳ phát triển kinh tế mạnh mẽ. Đây cũng là mô hình chung của nhóm các “con rồng châu Á” và một số nước đang phát triển khác. Trong đó, sự chủ động của bản thân các doanh nghiệp là điều rất quan trọng.

Thứ nhất, các doanh nghiệp phải thay đổi quan niệm sản xuất, kinh doanh từ chỗ ít nhiều có tính “ăn xổi ở thì” sang làm ăn có căn cơ. Thay vì quan tâm nhiều những khoản lợi trước mắt, doanh nghiệp cần có những chiến lược phát triển mang tính bền vững. Đặc biệt, doanh nghiệp nên có tư duy “lượm bạc cắc” thay vì chỉ chăm chăm “hốt bạc lớn”, tức là chấp nhận thu ít lãi khi đầu tư, mở rộng địa bàn về vùng nông thôn, miền núi… Đó là cách vừa chiếm lĩnh thị trường trong nước, vừa tạo “căn cứ” trong lòng người dân.

Thứ hai, các doanh nghiệp phải nắm vững các quy định của pháp luật cả trong sản xuất, kinh doanh và cạnh tranh. Có nắm chắc khung pháp lý thì mới không vi phạm pháp luật, vừa đảm bảo các yêu cầu về chất lượng hàng hóa, dịch vụ, vừa có thể tận dụng được những chính sách hỗ trợ của nhà nước về thuế, hỗ trợ vốn… Điều này sẽ trở thành công cụ cần thiết để doanh nghiệp tự bảo vệ mình và đánh bại những hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Thứ ba, các doanh nghiệp phải quan tâm, đầu tư và bảo vệ thương hiệu, đó là một tài sản có giá trị không nhỏ - khi đã có chiến lược phát triển bền vững. Thương hiệu của một doanh nghiệp không chỉ đem lại lợi ích cho bản thân doanh nghiệp đó mà còn có ích cho người tiêu dùng và tác động đến uy tín, vị thế của Việt Nam trên thị trường thế giới.

Thứ tư, doanh nghiệp phải có ý thức bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân. Đã phát triển bền vững thì không chỉ chăm bẵm tăng trưởng mà không quan tâm đến tác động môi trường tự nhiên và xã hội. Tức là, doanh nghiệp cần kết hợp hài hòa giữa yếu tố lợi nhuận và tính phục vụ cộng đồng.

Từ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, doanh nghiệp trong nước có thêm một chỗ dựa về mặt chính trị lẫn tình cảm để thúc đẩy sự phát triển. Do đó, bản thân các doanh nghiệp phải nhạy bén nắm bắt cơ hội, chủ động trong sản xuất, kinh doanh. Khẩu hiệu: “Đừng để thua trên sân nhà”, bây giờ trở thành một mệnh lệnh!

Trúc Giang (Quận 3 TPHCM)

Kích cầu tiêu dùng vùng cao: Doanh nghiệp chưa mặn mà

Địa hình khó khăn, dân cư thưa thớt, thu nhập thấp… là lý do khiến các nhà sản xuất trong nước bỏ ngỏ thị trường tiêu dùng vùng cao. Cùng lý do này, nhiều doanh nghiệp đã từ chối khi được mời tham gia các phiên chợ đưa hàng sản xuất trong nước tới vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thái Nguyên là địa phương đầu tiên tại khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc tổ chức chương trình bán hàng sản xuất trong nước, khuyến mại giảm giá phục vụ nhân dân vùng cao. 4 phiên chợ kích cầu tiêu dùng vùng cao được tổ chức liên tiếp tại các xã vùng sâu, vùng xa trong tháng 8 đã đạt được kết quả mong đợi của nhà tổ chức.

Các phiên chợ trở thành ngày hội mua sắm của người dân miền núi khi hàng hóa được bán giảm giá 5-20% và hoàn toàn là hàng sản xuất trong nước, có xuất xứ rõ ràng, bảo đảm chất lượng. Một số doanh nghiệp bán hàng gia dụng, thực phẩm, vật tư sản xuất nông nghiệp đã cháy hàng vì không dự báo sát sức mua của người dân. Điều này cũng vượt ngoài dự đoán của đơn vị tổ chức là Sở Công thương Thái Nguyên.

Ông Đinh Khắc Hiển, Giám đốc Sở Công thương, đánh giá tiềm năng thị trường vùng cao còn rất lớn, cả quy mô và không gian phiên chợ đều chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đăng Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai, có một thực tế hàng Trung Quốc giá rẻ, chất lượng thấp đang chiếm lĩnh thị trường vùng cao. Hàng sản xuất trong nước trở thành mặt hàng xa xỉ đối với người dân vùng sâu, vùng xa. Mặc dù có thu nhập thấp hơn nhiều so với thành thị, nhưng người dân lại phải trả nhiều tiền hơn khi mua hàng Việt Nam do chi phí vận chuyển làm đội giá thành. Bên cạnh đó, kiểu làm ăn chụp giật của một số doanh nghiệp lợi dụng hội chợ thương mại tổ chức ở vùng cao để tiêu thụ hàng chất lượng thấp, quá hạn sử dụng khiến niềm tin người tiêu dùng giảm sút.

Vì vậy, với sự bảo đảm chất lượng của Sở Công Thương, các phiên chợ vùng cao đang được người dân tin cậy, đón nhận. Theo tập tục, người dân vùng cao đến chợ không chỉ để mua sắm mà còn gặp gỡ, giao lưu văn hóa. Vì vậy phiên chợ bán hàng khuyến mại trùng với phiên chợ truyền thống càng tăng thêm sức hút với người dân địa phương.

Trái ngược với sự hồ hởi, mong đợi của người dân, một khó khăn lớn khi Sở Công Thương Thái Nguyên tổ chức phiên chợ kích cầu vùng cao là sự thiếu nhiệt tình của doanh nghiệp. Chỉ có 11 doanh nghiệp trên địa bàn đồng ý tham gia. Đặc biệt, tại buổi tổng kết, đại diện siêu thị Minh Cầu đã nhận được sự chia sẻ với lời trần tình càng bán được nhiều hàng, doanh nghiệp càng... kém vui vì phải bù lỗ hơn 10%.

Theo ông Đinh Khắc Hiển, doanh nghiệp chưa mặn mà tham gia chương trình vì phải tăng chi phí vận chuyển, chấp nhận giảm giá, thậm chí bù lỗ mà không có kinh phí hỗ trợ từ ban tổ chức. Để chuẩn bị cho chương trình kế tiếp vào dịp Tết Nguyên đán 2010, Sở Công Thương Thái Nguyên sẽ kiến nghị Bộ Công Thương hỗ trợ kinh phí tổ chức, tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp tham gia, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân vùng cao.

Ngô Đình

Hàng thật… thua hàng giả!

Hàng Việt Nam có thể cạnh tranh với hàng chất lượng tốt nhưng lại không thể cạnh tranh nổi với hàng giá rẻ. Hiện nay, hàng giá rẻ, kém chất lượng đang khiến người dân quay lại hàng Việt. Liệu các doanh nghiệp trong nước có tận dụng được cơ hội này để chiếm lĩnh “sân nhà”?

TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng người tiêu dùng trong nước đang dần từ bỏ thói quen sử dụng hàng giá rẻ và tìm đến những mặt hàng “Made in Viet Nam” có chất lượng hơn, đồng thời giá cũng không quá cao như trước đây.  Tuy nhiên, ông Nguyễn Bắc Sơn, Giám đốc kinh doanh Công ty Điện Quang, lại cho rằng thực tế người tiêu dùng vẫn chọn hàng giá rẻ ngoại nhập dù biết “5 ăn 5 thua”. Hiện nay nhiều sản phẩm của Điện Quang có thể cạnh tranh được với những mặt hàng cùng loại nhập ngoại nhưng rất khó cạnh tranh với hàng ngoại nhập giá rẻ.

Ông Đoàn Đình Quốc, Chủ tịch HĐQT Công ty Kiếng Đình Quốc, lý giải: Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam phải nhập hàng gia công từ các nước trong khu vực về sản xuất. Vì thế, hàng Việt Nam khó cạnh tranh lại hàng Trung Quốc, đặc biệt là sản phẩm kiếng.

Ở một góc độ khác, ông Lữ Trung Đạt, thành viên HĐQT CTCP Giấy tập Lệ Hoa, cho biết cả 7 nhãn hiệu của công ty đều bị nước ngoài làm giả, khiến Lệ Hoa lâm vào cảnh “dở khóc, dở cười” vì hàng thật thua hàng giả.

Bi quan hơn, ông Nguyễn Viết Toàn, Giám đốc Công ty Etec, cho rằng hiện tại lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trong lĩnh vực máy móc thiết bị gần như bằng không. Bởi các doanh nghiệp chế tạo máy hầu hết phải nhập khẩu thiết bị, linh kiện, sắt thép... từ nước ngoài với mức thuế 5%, trong khi các doanh nghiệp nhập khẩu máy móc nguyên chiếc chỉ chịu mức thuế 3%, thậm chí 0%. Vì thế, nếu doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu về sản xuất máy móc thiết bị, với hàm lượng chất xám khoảng 15%, không thể cạnh tranh được với hàng của Trung Quốc ngay tại thị trường nội địa...

Với kinh nghiệm nhiều năm chủ động tiếp cận thị trường nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, ông Đỗ Long, Tổng giám đốc Công ty Bita's, cho rằng để hàng giá rẻ, kém chất lượng của Trung Quốc làm mưa làm gió trên thị trường nội địa còn do thiếu sự liên kết của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. TS. Trần Đình Thiên, cảnh báo: "Cuối năm, xu hướng hàng nhập lậu thường tăng mạnh hơn, bởi các nước đang kích cầu nội địa. Nếu chúng ta không tỉnh táo, hàng giá rẻ sẽ tràn sang”.

Nguyên Hảo

Mưa dầm thấm lâu

Do hoàn cảnh lịch sử những năm khó khăn của đất nước, tâm lý thích dùng hàng ngoại vẫn còn đậm nét trong người tiêu dùng. Trong khi đó hiện nay đã có nhiều mặt hàng sản xuất trong nước chất lượng, giá cả hợp lý. Để tạo thói quen người Việt dùng hàng Việt chúng ta cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, theo hướng “mưa dầm thấm lâu”…

Trước tiên cần tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận với người tiêu dùng qua các chương trình giới thiệu, tiếp thị và bán sản phẩm của mình. Bước tiếp theo, phát triển thương mại nội địa hướng đến tính liên kết giữa các địa phương, thúc đẩy sự lưu thông hàng hóa của các địa phương trong vùng.

Để tạo được sự hợp tác liên kết này, các hoạt động gắn kết, trao đổi, liên lạc giữa các địa phương phải được nâng cấp, chuyên nghiệp hóa và điện tử hóa. Nâng cao khả năng, sáng tạo của cán bộ hoạt động trong lĩnh vực xúc tiến thương mại đồng thời với việc tăng cường truyền thông, quảng bá các doanh nghiệp trong nước có sản phẩm uy tín và chất lượng. Thúc đẩy việc sớm có hệ thống luật liên quan tới bán lẻ như Luật Bán lẻ, Luật Chất lượng sản phẩm, Luật Vệ sinh, an toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ người tiêu dùng..., bổ sung các quy chuẩn hiện có để hướng dẫn kinh doanh bán lẻ phát triển lành mạnh và làm cơ sở cho các cơ quan chức năng thực hiện tốt kiểm soát thị trường.

Để nắm bắt nhu cầu và hành vi mua sắm của người tiêu dùng, phục vụ chiến lược phát triển thị trường nội địa, theo tôi cần đẩy mạnh hình thức bán hàng lưu động. Việc này vừa giúp doanh nghiệp triển khai, mở rộng thị trường nội địa, xây dựng hệ thống phân phối và giới thiệu sản phẩm, các chương trình khuyến mại giúp người tiêu dùng tại vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa được tiếp cận với thông tin về sản phẩm, có cơ hội lựa chọn và mua sắm các sản phẩm đúng thương hiệu, đảm bảo chất lượng. Cụ thể chương trình bán hàng lưu động sẽ được mở rộng tới các địa phương với những xe bán hàng và những gian hàng lưu động. Các doanh nghiệp tham gia bán hàng sẽ phải đảm bảo các yêu cầu về chất lượng hàng hóa, xuất xứ, giá cả và các cam kết đối với khách hàng.

Trước mỗi đợt bán hàng, ITPC sẽ có những chuyến khảo sát địa điểm và nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân địa phương. Tùy theo địa điểm tổ chức, các đợt bán hàng sẽ xác định cụ thể số lượng doanh nghiệp cũng như chủng loại hàng hóa tham gia phù hợp với yêu cầu địa phương đó. Các đợt bán hàng được thực hiện theo phương thức nhà nước và doanh nghiệp cùng thực hiện.

Kết hợp với chương trình bán hàng lưu động là những hoạt động tư vấn tiêu dùng, các lớp huấn luyện chuyên đề về kỹ năng bán hàng, các hoạt động từ thiện, hội chợ, triển lãm giúp doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, giao lưu, giao thương, trao đổi kinh nghiệm phát triển thương mại nội địa giữa các doanh nghiệp với nhau. Từ thực tế rút ra qua các hoạt động này, có kiến nghị, đề xuất các vướng mắc trong quá trình thực hiện lên cơ quan có trách nhiệm để có những quy định, chính sách phù hợp nhằm khuyến khích, động viên doanh nghiệp sản xuất nhiều mặt hàng có chất lượng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Ở tầm vĩ mô, các chủ đề của hội thảo, báo cáo chuyên đề sẽ được xác định dựa trên nhu cầu của doanh nghiệp, kết quả khảo sát thị trường hoặc hành vi người tiêu dùng, các chính sách của Chính phủ hoặc UBND tỉnh, thành phố có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp trên thị trường nội địa. Thông qua phương tiện truyền thông đại chúng với quy mô kết hợp mang tính liên kết vùng, thực hiện các chương trình quảng bá và cổ động sử dụng hàng Việt. Tạo điều kiện và cơ hội để các doanh nghiệp vừa và nhỏ có sản phẩm uy tín, chất lượng được quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng.

Từ Minh Thiện
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư (ITPC)

Để “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” 
Cần một chiến lược dài hơi

Thông tin từ Bộ Công thương cho biết, năm 2009, tổng thu nhập ngành thức ăn nhanh trong cả nước ước đạt khoảng 500 tỷ đồng, tăng 35% - 40% so với năm 2008, trong đó các thương hiệu nước ngoài như KFC, Jollibee, Lotteria… chiếm thị phần chủ yếu.

KFC là chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh hoạt động mạnh nhất ở Việt Nam hiện nay, với 71 cửa hàng ở 8 tỉnh, thành trong cả nước. Bên cạnh đó, cuối năm 2009, Jollibee Việt Nam dự tính khai trương thêm 4 cửa hàng tại hệ thống siêu thị Co.opMart ở các tỉnh ĐBSCL, Lotteria mở thêm 80 cửa hàng ở TPHCM, Huế, Quảng Nam, Hà Đông… Như vậy, trong khi các doanh nghiệp nước ngoài đua nhau mở rộng mạng lưới ở Việt Nam thì các doanh nghiệp trong nước vẫn “bình chân như vại”. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường thức ăn nhanh ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Tuy nhiên một thực tế đáng buồn hiện nay là chúng ta đang thất thế ngay trên sân nhà, một sự “nhút nhát” không đáng có.

Như vậy lợi thế sân nhà mới chỉ là điều kiện cần. Bằng chứng là có nhiều doanh nghiệp trong nước hiện nay được nhà nước tạo điều kiện kinh doanh rất tốt, song lại chưa dám mạnh dạn đầu tư, sợ thua lỗ. Hầu như chúng ta chỉ chọn giải pháp an toàn, quẩn quanh mãi trong phạm vi “ao nhà” với chiến thuật “ăn chắc mặc bền”.

Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam đều có những chiến lược dài hơi và yếu tố quan trọng hàng đầu, là tìm cách tạo được chỗ đứng cho các sản phẩm của mình. Do đó, trên thương trường hiện nay, một chiến lược dài hơi với những kế hoạch cụ thể chính là điều kiện đủ mà các doanh nghiệp Việt Nam cần phải học. Đó chính là chiếc cầu vững chắc đưa những thương hiệu Việt Nam đến gần với người tiêu dùng Việt Nam.

Nguyễn Thị Thu (Q.Bình Thạnh, TPHCM)
 

Người Việt dùng sữa Việt, tại sao không?

Là một mặt hàng thiết yếu, tuy nhiên trên thị trường hiện nay, sữa sản xuất trong nước chỉ mới chiếm khoảng 30% thị phần. Không những thế, bao giờ giá sữa sản xuất trong nước cũng thấp hơn giá sữa ngoại một nửa. Thậm chí nhiều hơn dù chất lượng các loại sữa sản xuất trong nước được các chuyên gia dinh dưỡng đánh giá không thua gì sữa ngoại. Vậy thì tại sao trong cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chúng ta không bắt đầu bằng việc dùng sữa “Việt”!

Sữa đắt tiền chưa chắc đã hơn

Ông Trần Hữu Đức, Giám đốc Đối ngoại Nutifood, tự tin cho rằng: “Sở dĩ người tiêu dùng chưa chuộng sữa nội vì họ chưa có thông tin đầy đủ do chi phí quảng bá của chúng tôi còn thấp. Nếu xã hội cùng góp sức vào để người tiêu dùng biết rõ chất lượng sữa nội, nhất là các dòng sản phẩm Nuti IQ, tôi nghĩ người tiêu dùng sẽ chọn vì giá phù hợp nhưng vẫn đầy đủ dưỡng chất!”.

Kết quả cuộc thanh kiểm tra của cơ quan chức năng về giá sữa giữa tháng 7 vừa qua cho thấy, nhiều nhãn sữa ngoại do mức chi cho quảng cáo quá nhiều nên dù cùng trọng lượng và hàm lượng vi chất như sữa nội, nhưng giá lại cao hơn 2 - 3 lần. Thêm vào đó, từ năm 2007 đến nay, mặc dù giá nguyên liệu sữa giảm đến 50% nhưng nhiều công ty nhập khẩu và phân phối sữa ngoại tại thị trường Việt Nam vẫn cứ liên tục tăng giá và thay đổi bao bì.

Theo ghi nhận của chúng tôi, cứ mỗi lần đổi vỏ hộp, kèm thêm các cam kết như tăng 5 lần DHA, bổ sung dưỡng chất choline, taurine… thì các nhãn sữa nhập khẩu lại nâng giá lên 10% - 15%. Để người dân không bị ngộ nhận về những tác dụng quá mức của các hoạt chất như DHA, ARA… có trong sữa và chạy theo các nhãn sữa ngoại nhập, vừa qua Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Người Việt dùng sữa Việt”.

Bà Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, đã khuyên các phụ huynh chọn sữa theo nhu cầu dinh dưỡng và đặc thù của trẻ, cụ thể là nên chú ý các dưỡng chất cơ bản như đạm, béo, canxi, sắt, iốt... và không nên quá chạy theo các loại dưỡng chất bổ sung như DHA, ARA.

Qua thống kê của Viện Dinh dưỡng quốc gia, số trẻ suy dinh dưỡng do thiếu các dưỡng chất cơ bản hiện khá cao:  33,9% trẻ dưới 5 tuổi bị còi xương, 34% trẻ bị thiếu sắt, nhiều trẻ từ 4 đến 12 bị thiếu một số loại vi chất quan trọng như sắt, kẽm, Iốt và vitamin. Điều này cho thấy các dưỡng chất cơ bản mới thật là điều kiện cần và đủ giúp trẻ phát triển.

Cùng quan điểm trên, TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn cho rằng, các số liệu chứng minh trí thông minh của một người có 70% phụ thuộc vào yếu tố di truyền và 30% phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng, môi trường sống, môi trường giáo dục trẻ trong những đầu đời. Chính vì thế, các bậc phụ huynh đừng quá kỳ vọng và trông chờ vào công dụng của các hoạt chất giúp trẻ thông minh như DHA, ARA theo lời quảng cáo của các hãng sữa, vì cho đến nay chưa có một nghiên cứu nào xác định các hoạt chất bổ sung trong sữa biến một đứa trẻ bình thường trở nên thông minh.

Vì sao nên dùng sữa nội?

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc bổ sung chất dinh dưỡng vào thực phẩm hiện đang phổ biến một cách tràn lan, không được cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ. Trong khi đó, người tiêu dùng lại thiếu thông tin và cứ nghĩ trẻ ăn nhiều loại thực phẩm có chứa DHA thì trẻ sẽ thông minh. Thực ra, DHA chỉ góp một phần nhỏ trong nhiều yếu tố quyết định trí thông minh của trẻ.  Trên thực tế, nhiều ca suy dinh dưỡng điều trị tại Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM đã dùng sữa ngoại. Sở dĩ có chuyện lạ lùng như thế là do nhiều bậc cha mẹ dù thu nhập thấp nhưng vì quá kỳ vọng vào sữa ngoại, nên từ khi trẻ lọt lòng đã cho trẻ dùng sữa ngoại. Sau đó do không theo nổi nên chọn cách trẻ dùng ít hơn thậm chí pha loãng hơn mức cho phép… dẫn đến trẻ bị suy dinh dưỡng.

Chính vì thế, theo các bác sĩ dinh dưỡng, ngay từ đầu các bậc phụ huynh nên chọn sữa phù hợp với túi tiền nhưng vẫn đảm bảo đủ chất cho con, thậm chí nên chọn sữa nội đã có thương hiệu, giá hợp lý để trong quá trình nuôi con đảm bảo số lần uống sữa đúng như khuyến cáo của các cơ quan y tế. Cụ thể, Phó Viện trưởng Nguyễn Thị Lâm cũng cho rằng, để tiết kiệm chi phí, cha mẹ nên chọn sữa nội cho con nhằm tránh tình trạng bị móc túi một cách vô tội vạ như hiện nay, vì sản phẩm của Vinamilk, Nutifood, Hancofood đã đáp ứng được những yêu cầu này nhưng giá chỉ khoảng 40% - 50% so với giá sữa ngoại.

Tận dụng cơ hội toàn xã hội hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhiều doanh nghiệp sản xuất sữa trong nước đã chủ động giảm giá thành, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm của mình để gia tăng thị phần.  Đầu tiên là Công ty Hancofood, thông qua Phòng Mầm non Sở GD-ĐT TPHCM, vừa chi 1 tỷ đồng để giảm giá trực tiếp 30% đối với sản phẩm sữa bột Dollac cho các trường mầm non tư thục ở các huyện vùng ven, ngoại thành TPHCM từ tháng 9 đến tháng 11-2009. Trước đó, Vinamilk cũng đã đón đầu thị trường bằng cách nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm. Theo đó hiện có khá nhiều sản phẩm của công ty này có cùng chủng loại với hàng nhập như giá lại thấp hơn khoảng 10%, cụ thể là phômai.

Bà Bùi Thị Hương, Giám đốc Đối ngoại Vinamilk, cho biết, hiện mỗi ngày công ty bán ra thị trường hơn 5 triệu sản phẩm. Vinamilk chủ trương đáp ứng nhu cầu phần đông người tiêu dùng có thu nhập thấp và trung bình thông qua các sản phẩm có giá vừa phải mà vẫn đảm bảo chất lượng.

Lê Mai Thi

Muốn phát triển kinh tế cần giáo dục niềm tự hào dân tộc


Điều dễ nhận thấy trong xã hội chúng ta là sự “sính ngoại”. Từ những sản phẩm điện máy, điện tử đến trái cây, nông sản…và cả con người.  Đi vòng chợ, người tiêu dùng sẽ được chào hàng những sản phẩm nước ngoài, ngay cả những sản phẩm VN nổi tiếng như trà, cà phê.  Ăn mặc sang chút sẽ “được” lầm tưởng Việt Kiều, và hễ Việt Kiều là đi chung với sự giàu sang lịch sự. Không biết từ khi nào, tư tưởng sính ngoại đã đi vào đời sống từng người dân. 

Có thể thời bao cấp thiếu thốn sản phẩm, kinh tế khó khăn, một bộ phận người Việt trông ngóng sự “tiếp sức” từ bạn bè, thân nhân nước ngoài bằng những thùng đồ có chất lượng sản phẩm lẫn giá trị thị trường. Từ đó đã khắc sâu trong tâm trí một số người Việt, hàng nước ngoài mới là hàng “xịn”, người từ nước ngoài mới là người sang. Do đó hàng nội bị rẻ rúng, những người nói tiếng Anh được tôn trọng…Vì vậy, muốn phát triển kinh tế, muốn người Việt xài hàng Việt, chúng ta hãy giáo dục thế hệ trẻ sự tự hào dân tộc và lòng yêu nước. 

Bên cạnh tinh thần người Việt dùng hàng Việt, sản phẩm Việt cần bảo đảm chất lượng, giữ uy tín với người tiêu dùng. Thí dụ sản phẩm keo dán MIC, tôi thường xài và chắc chắn chất lượng hơn hẳn keo dán TQ dù giá đắc hơn một ngàn. Nếu người trẻ có niềm tự hào trên những sản phẩm trong nước sản xuất. Và nếu những nhà sản xuất VN biết tôn trọng khách hàng, biết bảo đảm chất lượng sản phẩm, Nhà Nước có chính sách bảo hộ hàng Việt…thì lo gì sản phẩm Việt không đứng vững trên chính thị trường trong nước

NGUYỄN NGỌC HÀ
(ngochatvd@gmail.com)

Cần con cua chân thật và miếng thịt sạch

Để biến chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trở thành ý thức và hành động của mỗi người Việt Nam, hàng Việt Nam phải thật sự chiếm được cảm tình, đi vào lòng người về cả chất và lượng, lẫn mẫu mã bao bì.

Trong khi thực phẩm chế biến xuất khẩu của Việt Nam ngày càng có uy tín thì cũng còn nhiều mặt hàng bán lẻ trong nước chưa có bao bì, tiếp tục dùng những trò xảo thuật tai hại, đáng phê phán.

Điển hình là con cua biển, một loại đặc sản khoái khẩu nhưng từ lâu người tiêu dùng trong nước ngán ngại chuyện mua cua, vì vướng phải sợi dây trói cua quá lớn và thường sũng nước, khiến người mua cua bị thiệt mà vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt! Với cái dây trói cua kiểu ấy, tự nó đã giới hạn sức tiêu thụ, bó hẹp thị trường, từ đó làm giảm thu nhập người nuôi, lợi nhuận của người bán.

Dù người bán có biện minh cách gì thì đây vẫn là sự gian dối trắng trợn, bởi nó làm cho người tiêu dùng bị thiệt hại. Từ đó, nhiều người tiêu dùng ngại mua cua, mà chọn thực phẩm khác thay thế để khỏi vương “bệnh tức”.

Bên cạnh chuyện sợi dây trói cua, còn có những cách khác nhằm móc túi người tiêu dùng như “trấn nước heo, bơm nước vịt” để thịt ngậm nước, nhằm ăn gian về trọng lượng. Điều này khiến một bộ phận người tiêu dùng quay sang mua các sản phẩm thịt, phủ tạng gia súc, gia cầm đông lạnh nhập ngoại, làm ảnh hưởng đến giá heo, gà, vịt trong nước, có thể gây thua lỗ cho người chăn nuôi.

Cần nhắc lại, trước đây các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu đau đầu với vấn nạn bơm chích tạp chất như agar, kim loại, nước lã... vào tôm nguyên liệu. Gần đây kẻ gian dường như “nâng cao trình độ” bằng cách xay nhuyễn con ruốc, các loại tôm tép nhỏ, rồi bơm vào thân tôm nguyên liệu loại lớn để được “giá trị gia tăng” cao hơn.

Rồi một loại gian lận mới trên cá ba sa, là chuyện tư thương gian lận bằng cách gắn chíp điện tử, rồi cài mật mã và dùng remote điều khiển từ xa để làm giảm trọng lượng sản phẩm đang cân, khiến người bán bị thiệt hại mà không hay biết.

Đã đến lúc Hội Nông dân, các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng, quản lý thị trường và chính quyền các cấp cần quan tâm đấu tranh chống các hình thức mua bán gian dối. Cần tuyên truyền, giáo dục để người bán tôn trọng quyền lợi khách hàng, thực hiện “mua đúng, bán đủ” một cách chân thật. Có như vậy người mua mới gắn bó và ủng hộ sản phẩm nội địa, tạo lợi ích nhiều mặt cho cả người mua, người bán và người sản xuất.

KS Nguyễn Văn Thước

Nâng cao giá trị gia tăng hàng Việt

Nâng cao chất lượng

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam” rất ý nghĩa, không chỉ khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam, mà còn giải quyết bài toán kinh tế giảm nhập siêu, động viên doanh nghiệp trong nước đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng cao, ổn định, mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp với người tiêu dùng.

Suy ngẫm kỹ, chúng ta nhận thấy người tiêu dùng sẽ chọn sản phẩm dịch vụ nào mang lại giá trị gia tăng lớn nhất cho họ. Giá trị gia tăng là phần chênh lệch giữa giá trị nhận được (các giá trị sử dụng, nhân lực, phục vụ, thương hiệu...) và chi phí bỏ ra (tiền, thời gian, năng lượng, tâm lý...). Ngay từ ngày đầu thành lập, Win Win hướng đến sự phát triển bền vững bằng sứ mệnh và triết lý kinh doanh rõ ràng, với mục tiêu tối đa hóa giá trị gia tăng cho khách hàng. Tôi luôn nói với cán bộ nhân viên: Nếu ai cũng sử dụng hàng ngoại, Win-Win sẽ không thể tồn tại. Vì vậy, tôi yêu cầu cán bộ nhân viên sử dụng hàng Việt Nam. Đối với những công ty mà Win-Win tư vấn, khi có nhu cầu, phải sử dụng sản phẩm của họ. Những giá trị này trở thành một yếu tố cấu thành bản sắc văn hóa của Win-Win.

Tuy nhiên, sau một thời gian dùng hàng Việt (nhờ vận động), nếu người tiêu dùng nhận thấy giá trị gia tăng từ việc sử dụng sản phẩm trong nước không cao hơn sản phẩm nước ngoài, họ sẽ quay sang sử dụng sản phẩm nước ngoài. Như vậy, chính sách vận động chỉ có ý nghĩa trong ngắn hạn. Để người Việt tự hào khi dùng hàng Việt, chúng ta ưu tiên vận động doanh nghiệp Việt Nam, tức vận động làm sao để sản phẩm được sản xuất bởi doanh nghiệp trong nước mang lại giá trị gia tăng lớn hơn sản phẩm nước ngoài.

Người chủ phải làm gương

Để giải quyết được vấn đề này, chúng ta nên tập trung vào người chủ, ban lãnh đạo doanh nghiệp. Cụ thể, nên vận động họ hướng tới sự phát triển bền vững, xem trọng lợi ích của khách hàng, tối đa hóa giá trị gia tăng cho khách hàng. Cuộc đi bộ “Đồng hành cùng hàng Việt” bởi những người lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp đồng loạt tổ chức ở Bắc, Trung, Nam là việc nên làm. Nó khuyến khích các chủ doanh nghiệp tối đa hóa giá trị cho người tiêu dùng. Đến lượt mình, người chủ đó sẽ khuyến khích cán bộ nhân viên trong doanh nghiệp hướng tới việc phục vụ khách hàng tốt hơn, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, hạ giá thành sản xuất.

Những người lãnh đạo doanh nghiệp là người có ảnh hưởng trực tiếp và rất lớn tới hành vi của toàn cán bộ nhân viên trong doanh nghiệp. Nếu họ tiên phong sử dụng và trực tiếp vận động cán bộ, nhân viên dùng hàng trong nước (hàng mình sản xuất và doanh nghiệp khác sản xuất). Đến một lúc nào đó, việc dùng hàng ngoại trở thành đi ngược với xu hướng tập thể, không được mọi người trong công ty khuyến khích. Từng bước, dùng hàng Việt trở thành yếu tố cấu thành bản sắc văn hóa, niềm tự hào của mỗi doanh nghiệp Việt Nam. Từ đó, thói quen dùng hàng Việt lan tỏa từ công ty về gia đình mỗi cán bộ nhân viên. Đây là thói quen có lợi: lợi ích từ việc sử dụng sản phẩm và từ lòng tự hào dân tộc, đã trở thành bản sắc văn hóa của cộng đồng người Việt.

Đây là lúc mỗi doanh nghiệp phải tự đánh giá lại mình, xem lại những điểm mạnh và điểm yếu, nắm bắt chính xác nhu cầu thật sự của người tiêu dùng, để từ đó cải thiện, đổi mới, hướng tới việc tối đa hóa giá trị gia tăng cho khách hàng. Lâu dài hơn, doanh nghiệp phải xây dựng một chiến lược kinh doanh hướng về khách hàng, mô hình quản lý tinh gọn, kinh doanh rõ ràng. Làm được điều này, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ được cải thiện, sẵn sàng đối đầu với bất kỳ sản phẩm nước ngoài nào.

Th.S Đỗ Thanh Năm
Giám đốc Công ty tư vấn và hỗ trợ chiến lược Win-Win

Làm người tiêu dùng yêu nước

Nhiều năm qua, đặc biệt từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, Chính phủ đã không ít hơn một lần kêu gọi “Người Việt Nam (VN) dùng hàng VN”. Nhưng lời kêu gọi đó xem ra vẫn chưa thật sự đi vào cuộc sống, làm lay chuyển thói quen sính hàng ngoại.

Không ít người cho rằng việc biếu xén quà bánh, rượu chè phải mang mác ngoại mới sang trọng, dùng hàng mỹ phẩm hay thời trang phải chọn hàng hiệu của Mỹ, Pháp, Ý… Theo báo cáo sơ bộ, con số nhập siêu của nước ta 6 tháng đầu năm 2009 đạt khoảng 14 tỷ USD, nếu chỉ tính 1/3 trong số đó dành cho những mặt hàng thuộc nhóm “xa xỉ phẩm” thì rõ ràng lượng ngoại tệ từ VN chảy ra nước ngoài không ít! Như vậy, cần làm gì để người VN không quay lưng với hàng VN và trở thành người tiêu dùng yêu nước và thông minh?

Để làm được điều ấy, mỗi khi bỏ tiền mua một món hàng do VN sản xuất thì chính bạn hiểu rằng đã làm lợi cho việc sản xuất trong nước hơn so với khi mua một món hàng ngoại nhập cùng loại. Ưu tiên dùng hàng VN là góp phần tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân ta.

Để tạo được thói quen tiêu dùng “người VN dùng hàng VN”, các nhà sản xuất trong nước cũng nên tuân thủ quan điểm “khách hàng là thượng đế”. Làm sao luôn có được những sản phẩm chất lượng sánh với tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, không làm mất lòng tin người tiêu dùng. Bên cạnh đó, phải có nhiều hình thức quảng bá sản phẩm trong nước, dần dần làm thay đổi thói quen sính hàng ngoại, để mỗi người VN đều là “người tiêu dùng yêu nước và thông minh”, biết lựa chọn những sản phẩm phù hợp với nhu cầu và túi tiền của mình.

ngsinhtphcm@gmail.com

Tin cùng chuyên mục