Chai lọ thủy tinh được tìm thấy từ thế kỷ VII thuộc về nền văn minh của đế chế La Mã cũng muộn hơn mấy ngàn năm khi người Ai Cập cổ đại đã sử dụng vật liệu thủy tinh cho nhiều việc từ 2.000 năm trước Công nguyên.
Người Việt dùng chai lọ thủy tinh chẳng biết từ bao giờ. Nhưng đại khái cho đến tận cuối thế kỷ 19 ở Hà Nội vẫn chỉ có những Hoa kiều mở lò sản xuất thủy tinh. Một trong những nhà tư sản yêu nước của Hà Nội là ông Trịnh Đình Kính khởi nghiệp từ người làm thuê cho các lò sản xuất thủy tinh ấy. Hãng thủy tinh Thanh Đức của ông thành lập năm 1914 là cơ sở sản xuất thủy tinh đầu tiên của người Việt. Sau năm 1954, thủy tinh Thanh Đức vào công tư hợp doanh với nhà nước rồi tan rã hoàn toàn vào quãng những năm 1980.
Tiếng là có lò sản xuất thủy tinh rất sớm nhưng người Việt ở các vùng thôn quê vẫn phổ biến dùng đồ sành sứ để đựng nước và các chất lỏng khác. Rượu đựng vò, mắm đựng hũ, tương đựng chĩnh, nước đựng trong chum vại. Cái chai là một vật quý giá không những ở nông thôn mà cả ngay thành thị. Trước những năm 70 thế kỷ trước, ở nông thôn kiếm được cái chai mẻ miệng không dễ. Người ta tận dụng phần còn lại lành lặn của nó để cắt thành chiếc đèn chai. Một loại đèn chịu được gió bão đầy sáng tạo của người nông dân. Đập một chiếc chai lành thời kỳ ấy có lẽ chỉ duy nhất anh Chí Phèo ở làng Vũ Đại dám làm.
Minh họa: K.T.
Ở thành phố thời chiến tranh cũng coi những cái vỏ chai như tài sản không thể thiếu. Tất cả mọi thứ chất lỏng bán ở mậu dịch hầu như không bao giờ có chai đựng sẵn. Nước mắm múc, giấm múc, dầu hỏa múc, xăng cũng múc. Ai muốn mua phải mang chai đi đựng. Kể cả nước hoa Liên Xô. Chỉ có thuốc ho, dầu gió, thuốc đau mắt và các loại ống thuốc tiêm là có sẵn lọ đựng. Còn rất nhiều thứ trong nhà phải dùng đến chai. Một ít mật ong, vài lạng bột sắn, lạng chè ướp hương sen, vừng, lạc, đậu, hạt tiêu… tất cả dồn vào chai nút lá chuối. Trẻ con đi sơ tán thường được phụ huynh tiếp tế cho một chai mỡ nước. Hơ lửa rót ra một thìa con xào rau, đến vài tháng không hết. Trong chiếc tủ ly kính lùa thời chiến của các gia đình bao giờ cũng thấy lổm ngổm trong ấy muôn vàn chai lọ. Dù nhãn mác đàng hoàng thì cũng chỉ có chủ nhân của nó biết bên trong đựng thứ gì.
Cái chai còn dùng để cán bột mì làm bánh những năm chưa sản xuất được mì sợi. Trước đấy vài chục năm, người Hà Nội đã dùng nó để xiết đỗ xanh rồi. Và các đệ tử Lưu Linh thì không thể thiếu chiếc vỏ chai dùng cho việc đong rượu rót ra chén. Cái chai quý đến nỗi mảnh vỡ của nó còn có thể bán cho đồng nát.
Một trong những nguyên nhân làm cho nghề thổi thủy tinh thủ công phá sản không hẳn chỉ là vì hàng hóa sản xuất kiểu ấy kém chất lượng. Với tốc độ tiêu thụ như ngày nay thì cái lò đốt than và mấy ông thợ phồng mang trợn má không tài nào kham nổi hết việc. Đã thế, nhiều mặt hàng truyền thống như thông phong đèn dầu, chai lọ, cóng thủy tinh đựng kẹo bánh hàng nước ngày nay không còn mấy người dùng. Người ta dùng lọ nhựa. Tất cả những nhà sản xuất các mặt hàng cần đến chai lọ đều đã có thủy tinh nhà máy chế tác theo kiểu dáng công nghiệp có bản quyền hẳn hoi. Anh cứ tự ý thổi ra cái chai bia thì không những ế mà còn mang tội sản xuất hàng giả.
Người Việt bây giờ không ai còn tích trữ chai lọ trong nhà nữa. Mua món gì đều có chai lọ đựng sẵn. Dùng xong vứt đi. Đồng nát bây giờ không thu mua vỏ chai thủy tinh. Những vỏ chai rượu vang đẹp đẽ lành lặn có cho họ cũng không lấy. Muốn họ mang hộ đi vứt thường phải tặng thêm vài cân báo cũ. Phong trào làm “kế hoạch nhỏ” của bọn trẻ đã lắng xuống từ vài chục năm qua rồi. Trẻ con ngày trước cô giáo bắt về nhà tìm mảnh thủy tinh làm kế hoạch nhỏ, có đứa phải lén đập cả chai lành của mẹ mang nộp. Mảnh chai dùng vào việc của ông tiến sĩ giáo dục nào đó để dạy bọn trẻ lòng can đảm đi chân trần lên đấy chẳng hết là bao. Chỉ mươi cái chai vỡ là có thể mang đi khắp nước mà dọa lũ trẻ sợ đến méo mặt rồi.
Kỷ nguyên của đồ nhựa dần dần thay thế thói quen dùng thủy tinh. Rất nhiều chai lọ bây giờ bằng nhựa dùng một lần tránh được lãng phí. Thế nhưng, vẫn có những thứ người ta chưa thể làm quen tức thì. Cầm chai rượu vang Pháp hay whisky Scotland mà phát hiện ra nó bằng nhựa thì kể ra cũng kém đi vài phần khí thế. Tương tự như vậy, tặng bạn gái lọ nước hoa bằng nhựa thì kể như ngày chia tay đã đến rất gần…
ĐỖ PHẤN