Dòng kênh trong ký ức

LTS:
Dòng kênh trong ký ức

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè – Đâu phải giấc mơ

LTS: Bước sang những năm cuối của thế kỷ trước, tín hiệu xanh về một cuộc “đại giải phẫu” môi trường nước TPHCM đã hiện lên. Ý thức được sự cần thiết phải cải thiện môi trường nước kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là một trong những nhiệm vụ quan trọng để đưa TPHCM phát triển, lãnh đạo TPHCM đã có những quyết sách kịp thời, từng bước làm sống lại dòng kênh ô nhiễm này.

Tôi quen ông Mai Văn Hùng ở phường Đa Kao quận 1 trong một lần tình cờ tạt vào mua đôi dép. Khi ấy kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vẫn chưa được cải tạo. Nhà ông nằm cạnh bờ kênh, rộng vài chục mét vuông nhưng vừa là nơi ở vừa là cái xưởng sản xuất giày dép. Ông là người trầm tĩnh nhưng sâu sắc. Những lần gặp nhau dường như chỉ nói về dòng kênh Nhiêu Lộc. Có lẽ với ông, dòng kênh luôn ắp đầy ký ức - cả niềm vui và nỗi buồn.

kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè năm 1985 (kênh nước đen và nhà sàn lụp sụp). Ảnh: THÁI BẰNG

Ký ức

Lần này tôi đến thăm ông đã khác, nhà ông ở trên tận lầu 5, cái lầu cao ngất vừa được phân phối bán theo diện tái định cư, trong dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè của TP. Cái giá hợp lý cho các hộ dân di dời, vốn từng ở trong những dãy nhà ổ chuột trên mặt kênh và hai bên bờ là trả chậm trong 10 năm. Điều này khiến cho người dân vô cùng phấn khởi.

Ông Mai Văn Hùng nhìn tôi cười tươi rói, xem ra ông hoàn toàn mãn nguyện: “Cái xưởng này của tôi tuy ở trên cao, nhưng nhằm nhò gì chú ạ, lên xuống bây giờ đã có thang máy, chú thấy có sướng không?”. Ông Mai Văn Hùng nói đúng, cái xưởng cũ kỹ, xập xệ dưới đất mà tôi từng biết bỗng dưng nhảy tót lên cao khang trang và mát mẻ. Mừng là căn hộ rộng hơn căn nhà cấp bốn cũ, nhưng một chục con người nhìn ai cũng tươi vui, phấn khởi và tất cả toàn là con, cháu, dâu, rể, không thuê mướn thêm người ngoài.

Đưa tay gạt nhẹ mấy miếng da vụn vương vãi, chiếc bàn kê sát bên cửa sổ, cái cửa sổ như chiếc khung ảnh lớn, thu cả một vùng trời dưới kia là dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè uốn lượn, thênh thang, có vài ba chiếc thuyền đang lướt trên mặt nước trông đẹp như một bức tranh. Ông thủng thẳng: Thế là gia đình tôi đã sống ở đây hơn 70 năm rồi, chú ạ…

Ký ức ùa về bất chợt, ông bắt đầu nói về ngày ấy. Cái ngày đầu tiên gia đình ông về an cư bên dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, vui cũng nhiều và buồn cũng lắm. Sài Gòn những năm 30 của thế kỷ trước chưa có nhiều cao ốc, hai bên bờ cũng chưa có nhiều cư dân sinh sống, chỉ dăm ba căn nhà lá đơn sơ làm bằng cây rừng, mái lợp là tàu cây dừa nước, một loại cây lá dài bóng mượt, mọc bạt ngàn, xanh ngắt ở hai bên bờ kênh Nhiêu Lộc và ngoài bờ sông Sài Gòn. Và xa xưa hơn nữa, ở đây còn là vùng đất hoang, đầm đìa, kênh rạch, rừng cây rậm rạp và hình như khi đấy dòng kênh cũng chưa có tên. Đến nửa cuối thế kỷ 19, khi người Pháp xâm lược Việt Nam, cây cầu và dòng kênh này mới nghe tên gọi là kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Còn từ khi gia đình ông Mai Văn Hùng đến đây lập nghiệp, dòng kênh vẫn dài và rộng nước trong vắt, đứng trên bờ cũng nhìn thấy được cả cá bơi tung tăng dưới nước, đêm nghe cá búng nước, đớp mồi nghe râm ran. Đến mùa trăng lên, triều cường cũng dâng cao, ghe thuyền từ miền Đông vào ắp đầy hàng gốm sứ, ngói Đồng Nai, Biên Hòa tươi rói. Thuyền từ Tây Nguyên xuống có cà phê, cao su, hồ tiêu, gỗ quý, trầm hương… Ghe từ miền Tây lên chở đủ loại trái cây: mãng cầu, nhãn, thơm, măng cụt, bưởi, dừa, nhiều nhất là gạo thơm và cây kiểng, mai vàng mỗi khi mùa xuân về. Thôi thì muôn màu, dập dìu trên bến dưới thuyền, khách phương xa cùng dân bản xứ tối đến cùng ngồi trên mạn thuyền uống rượu đế, đờn ca mùi mẫn đến tận sáng ban mai. Ngày đó, người Nhiêu Lộc còn lấy nước kênh để nấu cơm, đun nước uống ngọt lịm. Và ngày đó, họ vẫn tắm trên kênh sau mỗi giờ lao động, cái mệt mỏi bỗng tan biến đi đâu hết. Thời đó, ông Mai Văn Hùng cũng còn trẻ và lũ trẻ thường đua nhau bơi qua dòng kênh, đứa nào thua là phải chịu để cho chuồn chuồn cắn rốn, đau điếng nhưng mà vui vô cùng. Kênh Nhiêu Lộc còn là nguồn cung cấp cá tươi cho người dân đôi bờ, họ bắt cá bằng lưới, bắt cá bằng câu, có người lặn xuống lòng kênh bắt cá bằng tay được cả những con cá trê nặng tới vài ký lô màu da vàng ruộm.

“Nhưng chỉ là ký ức thôi chú ạ”, ông Mai Văn Hùng quay sang bảo. Tôi hiểu đã hơn 70 năm thật xa, mọi sự cũng đã biến đổi. Con người ông cũng biến đổi vì già nua tuổi tác, huống chi một dòng kênh chỉ là dòng nước tự nhiên của trời của đất. Sông nước Sài Gòn từ khi người Đại Việt có mặt ở đây chính thức đã hơn 300 năm và thăng trầm thời cuộc, thăng trầm đời người cũng bao lần thay đổi.

Kêu cứu

Có một thực trạng tạm gọi mang tính khách quan. Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, chính quyền cách mạng tiếp quản TP. Nhiệm vụ quản lý một thành phố như vậy quả là phức tạp vô cùng. Công việc bộn bề ngổn ngang, cấp bách nhất là tập trung làm sao để ổn định tình hình an ninh, trật tự, chính trị xã hội, đồng thời ưu tiên lãnh đạo khôi phục sản xuất để phát triển kinh tế. Và rất nhiều nhiệm vụ khác, công việc khác phải tạm gác lại, trong đó có việc cải tạo môi trường nước kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vốn đang bị ô nhiễm nặng.

Mất gần 10 năm dòng kênh bị lãng quên, 10 năm xót xa nhìn thấy từng ngày, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ngắc ngoải với căn bệnh ô nhiễm. Có người còn nói, sự “lãng quên” cũng là do căn bệnh chủ quan. Nói như thế không sai, nhưng nhìn rộng ra lại có nguyên nhân của nó. Chế độ cũ sụp đổ để lại một “tài sản” là hàng vạn căn nhà ổ chuột trên các kênh rạch Sài Gòn, một gánh nặng xã hội vô cùng khủng khiếp. Chế độ mới vừa mới giành được chính quyền, lại tiếp tục nối tiếp cái tài sản ấy mà lẽ ra phải được “dọn dẹp” sớm, nhưng thật đáng tiếc lúc bấy giờ lại “lực bất tòng tâm”. Nghĩ cho cùng lỗi này cũng chẳng của riêng ai. Đất nước sau chiến tranh gần như kiệt sức, lại bị cấm vận; lo cho cuộc sống của hàng triệu con người đã rất khó... Kinh tế bị kìm hãm do chế độ bao cấp, miền Bắc mất mùa liên tục, người tứ xứ cả trong Nam ngoài Bắc đổ về các đô thị lớn tìm việc làm, trong đó có TPHCM. Và dân số tăng lên vùn vụt, nhưng là tăng cơ học và tất nhiên họ phải tìm nơi cư trú để an cư lạc nghiệp. Nơi đấy đối với người lao động nghèo chỉ có thể là vùng xa ngoại thành và ở trong nội đô nơi lý tưởng nhất là ven bờ các dòng kênh rạch, trong đó có kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Vậy là nhà ổ chuột trước đã nhiều, nay càng nhiều thêm nữa. Nhà vươn ra lòng kênh, lớp này nối lớp kia, dòng kênh trước kia rộng có chỗ ngót gần trăm mét, giờ lồi lõm, thụt thò hẹp như cổ cò. Nguy hiểm hơn là nước thải, rác thải đổ xuống lòng kênh mỗi ngày tới hàng ngàn mét khối. Xác súc vật chết làm nguồn nước kênh bốc mùi hôi thối. Dòng kênh một thời xanh đẹp đến thế, đẹp như ông Mai Văn Hùng kể ngày xưa, giờ chỉ là hoài niệm. Nhưng những người sống tại đây gần như cam chịu, còn người từ nơi xa đến nhìn dòng kênh đều phải thốt lên: “Dòng kênh đang chết”.

Vì sao vậy? Câu trả lời tưởng đơn giản nhưng không đơn giản. Nguyên nhân khách quan, chủ quan cũng đã nói, nhưng có lẽ cần phải nói thêm điều này, đấy là tinh thần trách nhiệm của một bộ phận những nhà quản lý và trách nhiệm của toàn xã hội còn chưa đồng thuận. Quan niệm sai lầm một thời thật đáng xấu hổ: “Không có ăn, không có nước uống mới chết. Chưa có áo quần đẹp chưa chết!”.

Người dân tùy tiện mua đất làm nhà, không cần xin phép, không cần đăng ký và tất nhiên chính quyền cũng không hay biết. Đất nước đổi mới, các nhà đầu tư nước ngoài vào làm ăn, nhiều khu chế xuất mọc lên, nhà máy, công xưởng nở rộ và vì lợi nhuận họ cũng bỏ qua các công đoạn xử lý nước thải và rồi cứ vô tư đổ nước độc hại xuống lòng kênh. Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè kêu cứu. Người sống hai bên bờ kênh kêu cứu. Danh dự về một TP xanh, TP phát triển, hòn ngọc Viễn Đông cũng kêu cứu...

- Bài 2: Hồi sinh

ĐỖ VIẾT NGHIỆM

Tin cùng chuyên mục