Theo đánh giá tại phiên thảo luận của Quốc hội mới đây, tiến độ tái cơ cấu kinh tế còn chậm so với mục tiêu đề ra.
Mặc dù, cả nước đã tái cơ cấu gần 400 doanh nghiệp nhà nước và hiện đang trong tiến độ cổ phần hóa hơn 400 doanh nghiệp, thực hiện thoái vốn, rút vốn đầu tư ngoài ngành. Thế nhưng, qua thực tế các buổi giám sát mới đây của HĐND TPHCM tại một số doanh nghiệp về hoạt động tái cơ cấu, nhiều doanh nghiệp cho rằng, giữa lúc thị trường ảm đạm khiến không ít doanh nghiệp - đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ - gặp khó khăn trong việc chuyển nhượng vốn đầu tư, bán cổ phiếu ra thị trường…
Ào ạt thoái vốn, cổ phần hóa…
Trước tình trạng vốn nhà nước bị phân tán, dàn trải, thất thoát, lãng phí do đầu tư ngoài ngành, khó kiểm soát thì việc tái cơ cấu doanh nghiệp, thoái vốn đầu tư ngoài ngành để tập trung vốn và nguồn lực để nâng cao hiệu quả doanh nghiệp là việc cấp thiết. Do vậy, những năm qua, nhà nước đã chú trọng đến hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp. Theo báo cáo của Chính phủ về hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, 3 năm qua chúng ta đã cổ phần hóa được 170 doanh nghiệp, sắp xếp được 102 doanh nghiệp, phê duyệt đề án tái cơ cấu 88 tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Riêng 3 quý đầu năm nay đã sắp xếp 92 doanh nghiệp nhà nước, trong đó phê duyệt phương án cổ phần hóa 71 doanh nghiệp, giải thể 2 doanh nghiệp, bán 1 doanh nghiệp, sáp nhập 15 doanh nghiệp và đề nghị phá sản 3 doanh nghiệp. Qua hoạt động sắp xếp này đã thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành đạt 3.500 tỷ đồng, gấp 3,6 lần cả năm 2013. Và trong giai đoạn hiện nay (2014 - 2015), hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp được các ngành, các cấp đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh. Cụ thể, nhà nước đang ào ạt triển khai cổ phần hóa tại 432 doanh nghiệp nhà nước.
Doanh nghiệp nhà nước đang báo cáo tiến độ tái cơ cấu cho Ban Kinh tế Ngân sách HDND TPHCM.
Bên cạnh việc cổ phần hóa là hoạt động thoái vốn đầu tư ngoài ngành, bán phần vốn nhà nước trong các doanh nghiệp mà nhà nước không cần giữ cổ phần chi phối là việc nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tức là đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Do vậy, định hướng trong năm 2015, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế và tái cơ cấu ngành, lĩnh vực; tập trung vào đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ, phát triển kinh tế xanh, tăng nhanh giá trị nội địa, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của cả nền kinh tế, tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Không cạnh tranh nổi với các ông lớn!
Trước những khó khăn của nền kinh tế nói chung, tự các doanh nghiệp nhà nước cũng nghĩ đến việc “làm mới mình” bằng cách tái cơ cấu doanh nghiệp, nâng cao được hiệu quả quản lý, quản trị, sản xuất, kinh doanh và sử dụng nguồn vốn hiệu quả. Do vậy, giải pháp cổ phần hóa là phương án “cởi trói” cho doanh nghiệp nhà nước, tăng tự chủ kinh doanh vì phải chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình; hạn chế sự can thiệp, sự quan tâm quá nhiều của nhiều cấp, nhiều ngành nhưng khi có sự việc rủi ro xảy ra thì không ai chịu trách nhiệm.
Thế nhưng, tại các buổi giám sát về tình hình tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tại một số đơn vị, nhiều đại biểu cho rằng, các doanh nghiệp nhà nước đồng loạt thoái vốn khiến thị trường bị quá tải. Ông Nguyễn Tín Trung, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty TNHH MTV Địa ốc Sài Gòn (Resco) cho biết, riêng Resco đang tiến hành cổ phần hóa tại 5 công ty con và sẽ thoái vốn toàn bộ, giảm vốn đầu tư tại 17 công ty con và công ty liên kết. Thế nhưng, do thị trường có nhiều “ông lớn” cũng đang tiến hành cổ phần hóa, thoái vốn khiến các doanh nghiệp khó chuyển nhượng vốn, bán cổ phiếu ra thị trường. Hơn nữa, do tình hình kinh tế ảm đạm nên khả năng hấp thụ của thị trường rất thấp. Đặc biệt, đối với những doanh nghiệp có dự án bất động sản bị đóng băng, việc bán sản phẩm bất động sản là vô cùng khó.
Thế nhưng, một vấn đề quan trong trong việc tái cơ cấu doanh nghiệp (bên cạnh việc cổ phần hóa, thoái vốn) là nâng cao năng lực quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh lại ít được các doanh nghiệp chú ý. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp chỉ lo lập đề án cổ phần hóa, thoái vốn và cố “chạy” cho kịp tiến độ, chứ chưa đưa ra được phương án tập trung sử dụng nguồn vốn sau thoái vốn như thế nào, xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh sau cổ phần hóa ra sao… Trong khi đó, phương án kinh doanh mới là mấu chốt vấn đề nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước.
|
THẢO NHI