Mối quan hệ giữa Mỹ và Anh là mối quan hệ đồng minh đặc biệt. Cụm từ “mối quan hệ đặc biệt” lần đầu tiên được Thủ tướng Anh Winston Churchill tuyên bố để mô tả mối bang giao hai nước vào năm 1946. Từ đó, các nhà lãnh đạo hai nước luôn cố gắng duy trì mối quan hệ này bằng cả quan hệ cá nhân của họ. Nhưng dường như dưới thời Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Mỹ Barack Obama, hai nước không còn nồng ấm như xưa, và dư luận cũng không thể khẳng định rằng họ là đôi bạn như Thủ tướng Anh Tony Blair và Tổng thống Mỹ Bill Clinton, và người kế nhiệm ông, Tổng thống G.W. Bush.
Để điều chỉnh lại mối quan hệ này, trong chuyến thăm của Thủ tướng David Cameron đến Mỹ, nước Mỹ đã dàn dựng công phu từ 19 phát súng chào ông Cameron cho đến buổi yến tiệc cấp nhà nước, và đặc biệt ông Cameron đã trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới được ông Obama mời lên chiếc chuyên cơ Air Force One chỉ dành cho Tổng thống Mỹ. Ngoài những món quá đầy ý nghĩa, trong lúc trò chuyện ông Obama còn dùng phương ngữ của Anh để chứng tỏ tình bạn với ông Cameron.
Thế nhưng sự nồng nhiệt đó không che lấp được sự lạnh nhạt giữa hai đồng minh kể từ khi ông Cameron lên làm Thủ tướng Anh. Ông Cameron, người đầu tiên thuộc Đảng Bảo thủ trở lại cầm quyền sau 13 năm đảng này vắng bóng ở chính phủ, đã từng bóng gió tuyên bố “hình như trong 13 năm cầm quyền của Công đảng, nước Anh quá gắn bó với lợi ích nước Mỹ”. Ngay sau đó, khi ông Cameron đắc cử thủ tướng, Tổng thống Mỹ Obama là nhà lãnh đạo đầu tiên gửi thư chúc mừng, trong thư khéo léo nhắc nhở rằng Mỹ không có người bạn và đồng minh nào gần gũi hơn nước Anh, quan hệ hai nước rất quan trọng đối với an ninh và ổn định của hai nước cũng như cả thế giới.
Nhưng từ đó đến nay, có lẽ cả hai nhà lãnh đạo đều quá bận rộn với cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội trong nước nên không có nhiều thời gian cho việc củng cố đồng minh. Thông thường, những cuộc chiến tranh do Mỹ phát động, Anh là nước nhiệt tình sát cánh với Mỹ. Nhưng trong cuộc chiến Libya, Pháp lại là người hăng hái hơn cả Anh. Còn nước Mỹ, ngoài vấn đề kinh tế khó khăn, Mỹ đang tập trung toàn lực vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc đang trỗi dậy như là một cường quốc.
Có thể nói quan hệ đồng minh thân thiết đã mang lại lợi ích cho cả hai nước, nhưng nước Anh cũng từng “đắng cay” với người bằng hữu bên kia bờ Đại Tây Dương. Ngay trước mắt là Anh đang chịu đựng cuộc chiến Afghanistan với sự mất mát quá lớn về nhân lực. Còn cuộc chiến Iraq cũng để lại trên mình nước Anh quá nhiều vết thương. Hồi xảy ra vụ tràn dầu của tập đoàn dầu khí BP tại Vịnh Mexico, ông Obama đã lặp đi lặp lại cụm từ “mối quan hệ đặc biệt” và luôn gọi BP là công ty Dầu khí Anh dù công ty không sử dụng tên đó nữa. Đặc biệt, trong buổi tiếp đón Tổng thống Pháp Nikolas Sarkozy tháng 1-2011, ông Obama nói với Tổng thống Pháp Sarkozy rằng nước Mỹ không có người bạn nào và người đồng minh nào mạnh mẽ hơn ông Sarkozy và nhân dân Pháp. Câu nói này đã chạm vào lòng tự ái của nước Anh.
Trong buổi nói chuyện với ông Obama trong lần thăm nước Mỹ hồi tháng 7-2010, ông Cameron nói ông không phải là người lý tưởng hóa về “mối quan hệ đặc biệt” mà chỉ muốn nó tự nhiên và mang lại lợi ích cho các bên. Có lẽ trong mắt người Mỹ, ông Cameron là người khá thực dụng khi đã nhận ra lợi ích quốc gia dân tộc là trên hết như chính Thủ tướng Anh Winston Churchill đã nói: Trên thế giới này… chỉ có lợi ích quốc gia mới là vĩnh viễn.
Việt Trung