Lùm xùm từ những vụ điều tra tham nhũng, hối lộ liên quan đến các quan chức chính phủ đang khiến hình ảnh Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cùng đảng Công lý và phát triển do ông lãnh đạo sụt giảm.
Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2014, ông Erdogan nếu muốn tái ứng cử còn phải đối diện với sức ép từ giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, người sáng lập phong trào Gulen vốn đã thâm nhập được vào mọi tầng lớp, lan sang Trung Á cùng nhiều nơi khác trên thế giới.
Bên cạnh đó, với vai trò là nền kinh tế mới nổi còn chưa thật chắc chắn, dễ bị ảnh hưởng, nhất là khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ cắt giảm gói kích thích càng khiến Thủ tướng Erdogan lâm vào thế khó. Tuy nhiên, nếu tìm đúng trọng tâm ngoại giao, Thổ Nhĩ Kỳ có thể khôi phục vai trò trung tâm trong khu vực Trung Đông. Từ đó củng cố vị thế của ông Erdogan.
Xáo trộn chính trị ở khu vực Trung Đông trong những năm gần đây đã làm suy giảm ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ đối với khu vực. Từ vai trò đồng minh thân cận của Syria nhưng trước áp lực của các quốc gia phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ đã quay sang chỉ trích ông Assad gay gắt. Tháng 8-2013, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẵn sàng tham gia vào một liên minh quốc tế chống lại chính quyền của ông Assad và cũng là nước hỗ trợ chính cho quân nổi dậy Syria.
Chính quyền ông Erdogan tiếp tục gây sứt mẻ quan hệ với Ai Cập khi ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo bằng cách ủng hộ các cuộc biểu tình, lên án việc bắt giữ thành viên của lực lượng trên. Hậu quả là Ai Cập tuyên bố giáng cấp ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ.
Chưa hết, vì phản đối chế độ quân chủ vùng Vịnh nên Thổ Nhĩ Kỳ đã mất hàng loạt cơ hội hợp tác thương mại với các nước này, làm tổn hại nền kinh tế. Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Israel rạn nứt từ vụ đột kích lên một tàu cứu trợ của Thổ Nhĩ Kỳ đến Dải Gaza năm 2010. Từ những bất lợi trong quan hệ đối ngoại của mình, Thổ Nhĩ Kỳ không còn là “quân sư” đắc dụng khi Mỹ muốn tham khảo về vấn đề Trung Đông.
May thay, thời gian qua lại vô tình biến Thổ Nhĩ Kỳ thành trung gian để giải quyết mâu thuẫn giữa Iran và các quốc gia phương Tây. Một mặt giúp Iran thoát khỏi sự cô lập. Mặt khác, thông qua sức ảnh hưởng của Iran đối với chính quyền thân đạo Hồi dòng Shiite của Iraq để Thổ Nhĩ Kỳ thúc đẩy hợp tác dầu mỏ với Iraq.
Kết quả là Ankara có thể mua dầu mỏ từ khu tự trị người Kurd ở Iraq. Tương tự, Thổ Nhĩ Kỳ cũng biết dùng ảnh hưởng với nhóm Alawites - một nhánh của dòng Hồi giáo Shiite tại Syria để tìm kiếm sự giúp đỡ của Iran đối với vấn đề Syria.
Từ trước đến nay, mối quan hệ hai quốc gia láng giềng Iran - Thổ Nhĩ Kỳ là mối quan hệ chồng chéo, nhiều mâu thuẫn, luôn trong thế so kè. Vừa phải đề phòng Thổ Nhĩ Kỳ - một quốc gia thành viên NATO, vừa cần quốc gia này để kết nối phương Tây, Iran phải tạm quên những bất đồng với Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến Syria và Iraq. Thổ Nhĩ Kỳ với danh nghĩa thực hiện sứ mệnh hàn gắn Iran - phương Tây nhưng một phần cũng là để đảm bảo an ninh cho biên giới quốc gia mình.
Cuối tháng trước, Đại sứ Iran tại Thổ Nhĩ Kỳ Alireza Bikdeli thừa nhận Tehran có mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan tình báo của Ankara. Trao đổi thương mại song phương hiện có giá trị đến 20 tỷ USD. Một khi còn tìm được lợi ích chung, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vẫn xem Iran là đồng minh và ngược lại.
NHƯ QUỲNH