Đông Nam Á gia tăng kết nối

Cầu nối Lào với Myanmar
Đông Nam Á gia tăng kết nối

Kết nối hệ thống giao thông là yếu tố giúp ASEAN thực sự trở thành một cộng đồng bên cạnh những tương đồng về văn hóa và kinh tế. Những ngày đầu năm mới, đã có thêm những chuyển động nhằm tăng cường mối liên kết đó.

Một chiếc cầu hữu nghị Lào - Myanmar sẽ sớm mọc lên tương tự như chiếc cầu hữu nghị Lào - Thái Lan này.

Một chiếc cầu hữu nghị Lào - Myanmar sẽ sớm mọc lên tương tự như chiếc cầu hữu nghị Lào - Thái Lan này.

Cầu nối Lào với Myanmar

Theo Bangkok Post, ngày 17-2, Lào và Myanmar đã làm lễ động thổ xây dựng cây cầu đầu tiên nối liền hai nước. Cầu dài 690m, rộng 10m, có hai làn xe và hai vỉa hè dành cho người đi bộ, dự kiến hoàn thành vào năm 2015, vốn đầu tư 18 triệu USD. Việc xây dựng cầu Hữu nghị Lào - Myanmar qua sông Mekong giữa tỉnh Luang Namtha của Lào và bang Shan của Myanmar được xem là triển vọng phát triển mới đối với khu vực phía Tây Bắc của Lào và phía Đông Myanmar vốn còn nhiều khó khăn do địa hình hiểm trở.

Chính phủ hai nước mong muốn chiếc cầu này là biểu tượng tăng cường hợp tác thông qua thúc đẩy thương mại và đầu tư. Để đảm bảo an ninh trên sông Mekong chảy qua khu vực biên giới hai nước, hai bên thỏa thuận cùng trao đổi thông tin của các đội tuần tra trên sông.

Trong cuộc gặp giữa Tổng thống Myanmar Thein Sein và Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ông Haruhiko Kuroda, ADB cam kết hỗ trợ Myanmar các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có dự án xây dựng đường ô tô nối Myanmar với Thái Lan và Ấn Độ. Với chính sách mở cửa hiện nay, nhiều nhà kinh tế cho rằng các dự án hạ tầng của Myanmar kết nối với các nước trong khu vực sẽ trở thành động lực để kinh tế Myanmar trỗi dậy.

Đường cao tốc nối liền Singapore và Malaysia

Nếu phía Bắc Đông Nam Á có dự án cầu nối liền Myanmar và Lào thì trong ngày 19-2, ở phía Nam khu vực, Thủ tướng Lý Hiển Long và Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã nhất trí xây đường cao tốc nối liền đảo quốc Singapore và thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia.

Theo CNA, đường sắt cao tốc này khi hoàn thành sẽ mất khoảng 90 phút đi từ Singapore đến Kuala Lumpur hay ngược lại. Hai nhà lãnh đạo đã mô tả hệ thống đường sắt cao tốc này như một chiến lược phát triển quan hệ song phương, cải thiện đáng kể các kết nối giữa Malaysia và Singapore. Đường sắt này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để du lịch liền mạch giữa Kuala Lumpur và Singapore, tăng cường liên kết kinh doanh, đưa người dân hai nước xích lại gần nhau hơn.

Theo Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, đây là dự án chiến lược giữa hai nước, nó sẽ thay đổi cách chúng ta tiếp cận nhau. Đó là cách những người dân ở London và Paris có thể nghĩ đến như thành phố sinh đôi, nơi bạn có thể đi lại, làm ăn, kinh doanh, gặp gỡ bạn bè, thưởng thức ẩm thực, tất cả chỉ trong vòng một ngày.

Cũng theo Thủ tướng Singapore, dự án này giúp thay đổi mối quan hệ Singapore và Malaysia, đưa mối quan hệ hợp tác ngày càng chặt chẽ hơn. Các nhà lãnh đạo hai nước cho rằng nó sẽ mở ra kỷ nguyên mới cho cả đôi bên về sự thịnh vượng và cơ hội tăng trưởng. Một ủy ban hỗn hợp của hai nước sẽ xem xét các chi tiết của dự án.

Thủ tướng Malaysia Razak nói: “Hai thành phố của chúng tôi sẽ bổ sung cho nhau, hai nước của chúng tôi sẽ nhìn nhau khác biệt hơn và các cơ hội giữa hai nước là vô biên”. Dự án có thể hoàn thành sớm nhất vào năm 2020.

Thụy Vũ tổng hợp

Tin cùng chuyên mục