Đồng phục học sinh- nỗi lo của phụ huynh

Đồng phục học sinh- nỗi lo của phụ huynh

Ngoài việc mỗi trường quy định một kiểu đồng phục khác nhau, mỗi năm mỗi đổi kiểu, nay một số trường còn quy định cả giày, vớ, mũ, cặp sách của học sinh cũng đều phải giống nhau. Việc mỗi trường chọn ra một kiểu trang phục để tạo nét riêng cho nhà trường cũng có mặt hay, nhưng mặt dở cũng không ít.

Đồng phục học sinh- nỗi lo của phụ huynh ảnh 1

Đồng phục năm học 2005-2006 của học sinh Trường Nguyễn Thị Diệu quận 3 (áo trắng, váy màu xanh cốm).  

Nhiều trường hợp quần áo, giày dép, cặp sách của các cháu còn tốt nhưng không thể dùng tiếp cho năm học sau; hoặc đứa em không thể sử dụng lại đồng phục, đồ dùng của anh, chị mình. Vào mỗi đầu năm học, phụ huynh phải sắm toàn bộ đồ mới cho các con, rất tốn kém, đôi khi chưa cần thiết.

Thực tế, có những phụ huynh có thu nhập cao muốn cho con em mình sử dụng quần áo, giày vớ, cặp sách mới với kiểu dáng mới vào mỗi đầu năm học, điều này cũng giúp cho các cháu đẹp hơn; sinh động, mới mẻ hơn. Tuy nhiên, đối với gia đình có thu nhập hạn chế thì đây lại là sự lãng phí và là một gánh nặng. Chưa kể, tình trạng đồng phục do các trường đặt may sẵn không đúng kích cỡ của các cháu rất phổ biến.

Ví dụ con trai tôi học lớp 4, dù đã chọn bộ đồng phục cỡ lớn nhất (cho cả lớp 5) nhưng cháu mặc vẫn chật. Với đồng phục thể dục, chọn bộ số 2 thì quá bé, bộ số 3 lại quá lớn (nếu rộng thì có thể bóp nhỏ lại, còn chật thì… bó tay- nhất là khi năm học đã bắt đầu, mà đi tìm đúng màu theo đồng phục của nhà trường để tự may thì thật khổ- trong khi đã đóng tiền mua đồng phục ở trường rồi!).

Thiết nghĩ, ngành giáo dục nên có quy định chung: đồng phục chỉ yêu cầu là quần xanh, áo trắng, kiểu đơn giản, gọn gàng, sạch sẽ là được. Nếu cần, phụ huynh chỉ mua thêm logo (rời) do trường đặt để đính thêm trên ngực hoặc tay áo là đủ. Như vậy, phụ huynh có thể tự mua hàng may sẵn hoặc đặt may cho vừa vặn.

THANH MAI

Tin cùng chuyên mục