(SGGP-ĐTTC).- Trong những phiên giao dịch gần đây, dù khối ngoại quay sang bán ròng nhưng thị trường lại vận động theo chiều hướng tích cực. Đó chính là dấu hiệu cho thấy dòng tiền đang được khơi thông trở lại trên thị trường chứng khoán (TTCK).
Chậm mà chắc
Kỳ vọng của nhiều NĐT về một tuần “mở hàng” sau Tết thuận lợi cho cả năm đã không diễn ra, cả 2 chỉ số đều giảm nhẹ. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ hơn vào diễn biến giao dịch sẽ thấy những tín hiệu tích cực của thị trường khi thanh khoản đã được cải thiện so với những phiên giao dịch trước Tết. Dù chưa có sự đột biến về khối lượng và giá trị giao dịch, nhưng cho thấy NĐT đã bớt dè dặt hơn trong việc tham gia vào thị trường.
Thống kê cho thấy, khối lượng giao dịch của thị trường đã tăng liên tiếp trong 4 phiên giao dịch gần đây. Tại sàn HOSE, từ 913 tỷ đồng trong phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết tăng lên 1.102 tỷ đồng trong phiên giao dịch ngày 23-2, 1.214 tỷ đồng trong phiên giao dịch ngày 24-2, 1.250 tỷ đồng trong phiên giao dịch ngày 25-2 và 1.515 tỷ đồng trong phiên giao dịch ngày 26-2.
Điểm đáng chú ý là TTCK trong nước tăng điểm bất chấp những diễn biến xấu của thị trường thế giới và sự bán ra với khối lượng lớn của khối ngoại. Theo thống kê, khối ngoại đã chấm dứt chuỗi phiên mua ròng kéo dài và chuyển sang bán ròng từ phiên giao dịch ngày 24-2. Giá trị bán của khối này cũng tăng rất mạnh, từ mức 228 tỷ đồng ngày 24-2 lên 356 tỷ đồng ngày 25-2. Đến ngày 26-2, khối lượng bán ra tăng đột biến lên tới 516,6 tỷ đồng (chiếm đến 1/3 tổng giá trị giao dịch thị trường), trong khi lượng mua vào trong phiên chỉ 364 tỷ đồng.
Việc khối ngoại tăng cường bán ròng không phải là điều ngạc nhiên, bởi khối ngoại có xu hướng mua bán theo diễn biến TTCK thế giới. Tuy nhiên, đối với những NĐT quan tâm tới luồng tiền, rõ ràng với tín hiệu khối ngoại bán ròng số lượng lớn mà thị trường vẫn tiếp tục tăng điểm, có thể nói một dòng tiền đầu cơ bắt đầu quay trở lại thị trường.
Khả năng hút vốn rất lớn
CPI tháng 2 đạt cao đã không khiến thị trường giảm sâu hơn, điều này cho thấy tâm lý của các NĐT trên thị trường đã quen với khó khăn. Lẽ thường, khi các thông tin xấu không còn tác động tiêu cực đến thị trường, nhiều khả năng thị trường sẽ sớm tăng trở lại và những tin tức tốt được công bố sẽ khiến thị trường tăng mạnh hơn. Khi thông tin các chính sách vĩ mô đã khá rõ ràng, sự vận động của thị trường sẽ phụ thuộc vào những yếu tố nội tại.
Trong ngắn hạn, hoạt động bán ròng của NĐT trong những phiên giao dịch gần đây là yếu tố đáng lo ngại duy nhất. Nếu khối ngoại chuyển sang mua ròng hoặc giảm bớt giá trị bán ròng, nhiều khả năng thị trường sẽ có đợt sóng tăng trong ngắn hạn nhờ vào sự lạc quan phục hồi kinh tế trong năm 2010 đang lan nhanh trong giới đầu tư. Nếu thanh khoản tiếp tục tăng cao, nhiều khả năng thị trường sẽ có đợt sóng ngắn hạn đầu tháng 3 tới đây. Do đó, NĐT nên gia tăng tỷ lệ nắm giữ để đón sóng nếu khối ngoại có dấu hiệu hãm đà bán ròng.
Hiện tại, mức P/E bình quân toàn thị trường của các doanh nghiệp niêm yết tại sàn HOSE là 13,7x và trên sàn HNX là 10x. Trong khi đó, Việt Nam là nước có tăng trưởng kinh tế cao trong nhiều năm liền. Có rất nhiều yếu tố chi phối quyết định của các NĐTNN khi đầu tư vào một quốc gia, nhưng xét về cơ bản, nếu Việt Nam duy trì được đà tăng trưởng tốt và các chỉ số vĩ mô như lạm phát, tỷ giá, cán cân thanh toán ở mức ổn định, khả năng thu hút thêm dòng vốn đầu tư từ nước ngoài vào TTCK thời gian tới hoàn toàn khả thi.
Trương Hải