Động vật hoang dã thành hàng chợ

Một ký... bảy lạng
Động vật hoang dã thành hàng chợ

Gần đây, nhiều động vật hoang dã như rắn hổ mang, chim cu đất, cá sấu… trở thành món ăn như hàng chợ, phổ biến đến mức người ta bày bán la liệt trên một số tuyến đường TPHCM với đủ mức giá. Lạ ở chỗ rất ít điểm bán bị kiểm tra làm rõ nguồn gốc động vật.

Bày bán rắn, chim hoang dã… tại xã Phước Vĩnh An, tỉnh lộ 8, huyện Củ Chi, TPHCM. Ảnh: HOÀNG VŨ

Bày bán rắn, chim hoang dã… tại xã Phước Vĩnh An, tỉnh lộ 8, huyện Củ Chi, TPHCM. Ảnh: HOÀNG VŨ

Một ký... bảy lạng

Trên vỉa hè các tuyến đường quốc lộ 13, quốc lộ 1A (quận Bình Tân, huyện Bình Chánh), tỉnh lộ 8 (huyện Củ Chi), người ta bày bán đủ loại động vật làm món ăn đặc sản. Người bán luôn khẳng định rằng đó là động vật hoang dã để kê giá. Nếu quả thực là động vật hoang dã thì phải buôn bán chui, lỡ bị kiểm tra là coi như bị tịch thu hết sạch, nhưng thực tế hầu hết các điểm bán này đều kinh doanh nhộn nhịp, bày tràn ra quốc lộ, tỉnh lộ.

Chỉ tay vào mớ ba ba đang bơi trong chậu nước, một người bán tại phường Hiệp Bình Phước, quốc lộ 13 (quận Thủ Đức) mời chào: “Đây là ba ba ngoài tự nhiên, ngon bổ hơn loại nuôi nhiều. Loại 1kg/con giá 300.000 đồng, 8 lạng/con giá 250.000 đồng, càng nhẹ cân giá càng rẻ”. Thấy khách kỳ kèo, chê đắt, người bán giảm giá mỗi loại 50.000 đồng, còn 250.000 đồng/con 1kg. Sau khi dạo qua nhiều điểm, chúng tôi quyết định mua con ba ba loại 1kg/con. Để chắc ăn, chúng tôi xách con này vào chợ gần đó cân thử, nhưng thử qua 5 điểm cân, điểm nào cũng cho ra kết quả 7 lạng, chứ không phải 1kg. Giận vì trúng quả lừa, chúng tôi quay lại điểm bán cũ đối chất, người bán tỉnh rụi: “Mua rẻ phải chấp nhận cân thiếu. Nếu muốn đủ, bù thêm 50.000 đồng, tôi đổi con khác cho”. Tưởng riêng chúng tôi bị lừa, không ngờ nhiều khách hàng khác cũng gặp nỗi bực mình này. Chị Tư Mẽ vừa mua rắn hổ hành tại quốc lộ 1A bức xúc: “Tôi vừa mua 1kg rắn hổ, loại 5 lạng/con, với giá 400.000 đồng. Không ngờ đem cân kiểm tra phát hiện 1kg rắn chỉ chưa tới 7 lạng”.

Thời điểm chập choạng tối, ven tuyến quốc lộ 1A (đoạn qua địa bàn quận Bình Tân, huyện Bình Chánh hướng về miền Tây), đặc sản tôm sú, ba ba, rắn bày bán tràn lan hai bên lề đường. Giá rắn loại rẻ khoảng 100.000 đồng/kg, loại mắc hơn từ 200.000 - 400.000 đồng/kg (hổ hành, hổ mang). Theo người bán, đa phần đặc sản được khai thác từ thiên nhiên hoang dã, nhiều nhất là từ các tỉnh miền Tây Nam bộ, Tây Nguyên. Anh Tư Rắn - người bán rắn tại xa lộ Hà Nội (gần cầu hướng đi Cát Lái, quận 2) - quảng cáo: “Đợt này miền Tây vào mùa nước nổi, rắn các loại đẩy theo dòng nước nên bà con bắt được khá nhiều. Ăn không hết, đem lên TP bán kiếm chút đỉnh”. Tuy nhiên, một người chuyên nuôi rắn tại Tây Nguyên cho biết, các loại đặc sản như rắn, ba ba bán tại các tuyến đường chủ yếu là hàng dạt từ các lò chuyên doanh. Không hiếm trong số các loài đặc sản bày bán mang mầm bệnh. Đúng như vậy, vô tình quan sát kỹ số ba ba bày bán tại một vài điểm trên xa lộ Hà Nội (quận 2), phường Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức)… chúng tôi phát hiện trên mai, 4 chân ba ba có nhiều vết đốm trắng loang lổ. Được biết, đó là bệnh nấm lông, hay còn gọi là bệnh lông trắng do nấm gây ra. Khi thắc mắc với người bán, họ gạt phắt đi và nói rằng ba ba đánh nhau nên mới xây xát, chứ thực ra chúng không có bệnh (?).

Xử lý kiểu “đá ném ao bèo”

Trên tuyến đường qua xã Phước Vĩnh An (tỉnh lộ 8, huyện Củ Chi) hiện có bán rất nhiều chim cu đất, bìm bịp, rắn hổ mang… Được biết, đây đều là động vật hoang dã 100%, chứ không phải hàng “mạo danh”.  Tất nhiên, dân sành nhậu cũng thường tìm đến những nơi này để đặt hàng. Mặc dù, theo quy định, những loại động vật hoang dã không được phép khai thác, buôn bán.

Theo Chi cục Quản lý thị trường TPHCM, việc kiểm tra, giám sát các đối tượng kinh doanh động vật không rõ nguồn gốc thuộc trách nhiệm của nhiều ban, ngành. Trong đó, vai trò của địa phương là rất quan trọng. Một khi việc phối hợp tuần tra, kiểm soát giữa các ban, ngành diễn ra nhịp nhàng thì những việc kinh doanh trôi nổi thế này sẽ tự giảm. Ông Nguyễn Đình Cương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TPHCM, khẳng định: “Các đối tượng buôn bán, kinh doanh động vật hoang dã trái phép đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Ngặt nỗi, phần đông những người buôn bán là dân tạm cư từ các địa phương tới sinh sống nên rất manh động, liều lĩnh. Khi phát hiện có lực lượng chức năng tuần tra, bắt giữ, họ sẵn sàng vứt hàng để lẩn trốn. Do vậy, rất khó xử lý rốt ráo. Nếu người dân gặp tình trạng buôn bán trái phép động vật hoang dã hãy gọi ngay cho chi cục kiểm lâm hoặc chi cục quản lý thị trường, công an Kinh tế… để có biện pháp ngăn chặn, giải cứu động vật hoang dã kịp thời”.

Kinh doanh động vật hoang dã trên lề đường là một trong những biến tướng của chợ tự phát. Thói quen tiện đâu mua đó, ham rẻ… của người tiêu dùng vô tình tiếp tay cho chợ tự phát hoạt động. Để trục lợi, người bán không từ bất cứ thủ đoạn nào, từ bán hàng kém chất lượng, cân thiếu đến phù phép hàng nuôi thành hàng hoang dã để gạt người mua với giá trên trời. Tất nhiên, không loại trừ hàng thiên nhiên hoang dã thật 100% cũng được buôn bán công khai, bát nháo tại những điểm kinh doanh đặc sản. Không thể điềm nhiên ngồi nhìn động vật hoang dã bị tận diệt để cung cấp cho các nhà hàng, quán nhậu. Các cơ quan chức năng liên quan cần kiểm tra, xử lý triệt để tình trạng này để góp phần bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ cuộc sống của người dân.

THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục