Doping và vấn đề trách nhiệm

Việc có đến 6 VĐV bị nghi sử dụng chất cấm (doping) tại SEA Games 31 được tổ chức ngay trên sân nhà rõ ràng là rất nghiêm trọng, có khả năng tác động nặng nề đến hình ảnh của thể thao Việt Nam (TTVN) khi bước ra những đấu trường quốc tế ở cấp độ cao hơn. 

TTVN từng có 19 trường hợp dính doping khi thi đấu quốc tế, trong đó có 2 trường hợp vận động viên (VĐV) nổi tiếng dính doping là Hoàng Anh Tuấn (môn cử tạ) và Đỗ Thị Ngân Thương (môn thể dục dụng cụ). Những chất cấm mà 2 VĐV này sử dụng đều không nhằm mang đến lợi thế trong thi đấu. Họ bị phát hiện một cách tình cờ chứ không phải là các trường hợp bắt buộc kiểm tra do đoạt huy chương, hơn nữa những thành tích tốt nhất của 2 ngôi sao nói trên đều diễn ra khá lâu trước khi bị phát hiện dương tính với doping. 

Đó là câu chuyện của hơn 10 năm trước, sự thông cảm dành cho VĐV cũng phần nào hiểu được khi họ không có đủ kiến thức về vấn đề doping. Thời điểm đó, TTVN chưa có những thành tích liên tục ở đấu trường thế giới nên công tác giám sát, phòng ngừa vẫn còn hạn chế. Ai cũng xem đó là sự cố đáng buồn nhưng là bài học lớn cho ngành thể thao. 

Sự việc lần này không thể coi là sự cố trong một sự kiện ở tầm mức khu vực và được tổ chức ngay trên sân nhà. Đó là một vết mờ không đáng có ở một kỳ đại hội mà đoàn TTVN đã lập kỷ lục về số lượng HCV, bỏ rất xa so với đoàn về nhì. Thậm chí, nếu phải bỏ 30% số HCV thì chúng ta vẫn là số 1 tại SEA Games 31. Không có quá nhiều áp lực cho các VĐV trong cuộc đua về thành tích nên chẳng có lý do gì để giải thích cho sự việc trên. Uy tín của TTVN và hơn thế, hình ảnh của một SEA Games 31 thành công, chắc chắn bị ảnh hưởng từ sự cố này.

Kế đến, việc 6 VĐV dính doping tại một đại hội khu vực với quy mô tương đối nhỏ, là một con số quá lớn. Người ta dễ suy luận, tầm cỡ sự kiện SEA Games cạnh tranh rất ít nhưng có chừng đó trường hợp dính doping thì khi thi đấu ở các giải châu lục, thế giới liệu VĐV đến từ Việt Nam còn có thể làm gì hơn nữa. Thông thường, doping dùng để cải thiện thành tích và không có gì ngạc nhiên khi số trường hợp sử dụng doping đều đến từ những nền thể thao ít chuyên nghiệp, nơi có sự quản lý lỏng lẻo và ý thức của VĐV về sự nghiệp cũng không tốt. Với các VĐV nhà nghề, thi đấu thường xuyên để kiếm tiền, họ sẽ cẩn trọng trong việc sử dụng các loại thuốc nhạy cảm nằm trong danh mục cấm. Đơn giản vì chỉ cần bị phát hiện doping sẽ bị cấm thi đấu, đồng nghĩa với mất mọi nguồn thu nhập.

Ở thời điểm hiện nay, không thể chấp nhận việc VĐV chuyên nghiệp dính doping vì thiếu hiểu biết, kể cả khi thực sự vô tình. Chúng ta đã có những bài học rất rõ ràng trong quá khứ, nền thể thao của chúng ta cũng đã tiến một bước dài về trình độ lẫn khả năng hòa nhập. Kiến thức phòng ngừa doping dễ tiếp cận. VĐV Việt Nam tham gia ngày càng nhiều các sự kiện lớn, đã kiếm được tiền từ hình ảnh cá nhân, nhất là khi ai cũng biết sử dụng mạng xã hội. Vì vậy, bị dính doping với bất kỳ lý do gì cũng là điều khó chấp nhận.  

Cần phải xem doping là một vấn đề lớn của ngành thể thao Việt Nam. Dù đã có những tiến bộ về thành tích nhưng TTVN vẫn chưa hề tiến xa như kỳ vọng, đặc biệt là ở những đấu trường như Asiad hay Olympic. Chưa đi được đến đâu, vậy mà chúng ta lại tự “bắn vào chân mình” từ sự cố doping lần này. Ngành thể thao cần phải nghiêm túc đánh giá tầm mức nghiêm trọng của sự cố này. Cần phải thẳng thắn đặt vấn đề: Liệu có bao nhiêu VĐV khác của TTVN đã dùng doping nhưng không bị phát hiện? Có hay không sự tiếp tay của người quản lý?

Và hơn hết, trừng phạt các trường hợp dính doping chỉ là việc phải làm, điều quan trọng chính là đánh giá một cách thực chất hơn công tác quản lý, trách nhiệm của người đứng đầu trong hoạt động tập luyện và thi đấu. Chưa kể, phần lớn ngành thể thao vẫn đang sống bằng bầu sữa ngân sách, đừng để lãng phí luôn niềm tin của người hâm mộ. 

Tin cùng chuyên mục