Đợt 2, Kỳ thi tuyển sinh Đại học - Cao đẳng 2012: 124 thí sinh bị đình chỉ thi
* Thứ trưởng Bùi Văn Ga thị sát tại cụm thi TPHCM
(SGGPO).- Chiều nay, thí sinh dự thi ĐH đợt 2 đã hoàn thành xong môn thi thứ 2. Các thí sinh khối B, D dự thi môn Toán; thí sinh khối C dự thi môn Sử. Cả 2 môn đều theo hình thức tự luận, thời gian 180 phút. Thí sinh làm bài thi từ 14h15 đến 17h15 phút.
Với đề Toán khối D, nhiều thí sinh dự thi xong đã thể hiện sự phấn khởi vì đề thi được đánh giá là vừa sức, có tính phân loại cao, nhiều câu thí sinh có thể làm tốt. Khá nhiều thí sinh tại cụm thi ĐH Hà Nội rời phòng thi sớm từ 15-30 phút. Thí sinh Nguyễn Thị Ngân, đến từ THPT Kim Liên, Hà Nội cho biết, đề Toán khối D cũng dễ chịu như đề Toán khối A, có một vài câu khó, mang tính phân loại cao dành cho học sinh giỏi, còn lại các câu đều nằm trong chương trình, học sinh nếu học chăm chỉ, biết hệ thống kiến thức sẽ làm được ít nhất 50%.
Đề Sử khối C năm nay được các thí sinh đánh giá là khá dài, kiến thức trải đều, đòi hỏi thí sinh phải học hiểu lịch sử, biết tóm lược và khái quát các sự kiện mới có thể đạt điểm cao. Thí sinh Trần Thị Lan, đến từ THPT Duy Tiên A, Hà Nam, dự thi vào ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQG Hà Nội cho biết: “Phần Sử trong nước, đề không yêu cầu phải liệt kê nhiều số liệu và sự kiện, chỉ cần hiểu các giai đoạn lịch sử và nắm rõ ỹ nghĩa của từng giai đoạn sẽ làm tốt".
Báo cáo nhanh của Bộ GD-ĐT về buổi thi chiều nay cho hay, số thí sinh đến dự thi chiều nay là 600.214. Như vậy, có 2.842 thí sinh bỏ thi so với buổi sáng (số thí sinh đến sự thi buổi sáng là 603.056 em). Trong buổi thi chiều 9-7, thí sinh khối B, D thi môn Toán, khối C thi môn Lịch sử theo hình thức tự luận (180 phút), khối Năng khiếu thi các môn năng khiếu. Đề thi được bảo mật tuyệt đối trong tất cả các khâu; không có sai sót; được đa số thí sinh đánh giá là vừa sức.
Nhìn chung, Quy chế thi tuyển sinh được duy trì nghiêm túc tại các Hội đồng thi; không khí trường thi trật tự, an toàn. Các Hội đồng thi tăng cường phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời những vi phạm Quy chế và sai sót của thí sinh và cán bộ làm công tác thi. Trong buổi thi, có 75 thí sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật (khiển trách, cảnh cáo 2; đình chỉ thi 65; không được dự thi do đến muộn 4) và có 2 cán bộ coi thi bị khiển trách.
Đánh giá sơ bộ, Bộ GD-ĐT cho rằng, buổi thi thứ hai của đợt II, Kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012 diễn ra an toàn, suôn sẻ trong trật tự...
Đại học Huế: 16 thí sinh vi phạm Quy chế thi
Chiều 9-7, TS Hoàng Hữu Hòa, Trưởng Ban Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục, Thường trực Hội đồng Tuyển sinh Đại học Huế cho biết: Ở môn thi tuyển sinh thứ 2 vào các khoa, trường thành viên thuộc Đại học Huế, giám thị đã lập biên bản xử lý 16 thí sinh vi phạm Quy chế thi do: trao đổi bài và nhìn bài bạn, mang tài liệu và điện thoại di động vào phòng thi.
*Trong sáng nay, các thí sinh dự thi đại học đợt 2 khối B, C, D và các môn năng khiếu. Thí sinh khối B thi môn Sinh; khối C, D thi môn Văn.
Đợt thi thứ 2 này, cả nước có 121 trường đại học tổ chức thi; số điểm thi là 956; số phòng thi là 23.333. Trong đợt này, số thí sinh đăng kí dự thi là 765.630 nhưng số thí sinh đến làm thủ tục dự thi vào ngày hôm qua, 8-7 là 576.534 em, đạt tỷ lệ 75,30%. Toàn quốc có 66.726 cán bộ tham gia tổ chức thi; số sinh viên tình nguyện tham gia hỗ trợ tổ chức thi là 17.093. Số chỗ ở miễn phí đạt khoảng 41.666.
Theo báo cáo nhanh về buổi thi sáng nay, 9-7, Bộ Giáo dục - Đào tạo cho biết, số thí sinh đến dự thi là 603.056, đạt 80,76% so với số đăng kí dự thi. So với cùng kỳ năm 2011, tỷ lệ thí sinh đến dự thi đại học đợt II khối B, C, D và Năng khiếu sáng nay tăng 0,27% (năm 2011 là 80,49%).
Trong buổi thi sáng nay, thí sinh khối B thi môn Sinh học theo hình thức trắc nghiệm (90 phút), khối C, D và Năng khiếu thi môn Ngữ văn theo hình thức tự luận (180 phút).
Tình hình thời tiết và giao thông nhìn chung thuận lợi; khí hậu tại các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Vinh, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh khá mát mẻ, thuận lợi cho việc dự thi của thí sinh. Tuy buổi thi diễn ra vào ngày đầu tuần nhưng không xảy ra hiện tượng ùn tắc giao thông (kể cả ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội), hầu hết thí sinh đến dự thi đúng giờ.
Các điều kiện phục vụ tổ chức thi: được chuẩn bị khá chu đáo. Ở tất cả các Hội đồng thi, điện, nước được cung cấp ổn định. Đề thi được bảo mật tuyệt đối trong tất cả các khâu; không có sai sót.
Trong buổi thi sáng nay, có 65 thí sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật (khiển trách 3, đình chỉ thi 59 và không được dự thi do đến muộn: 3); có 1 cán bộ bị xử lý kỷ luật đình chỉ làm công tác thi.
Đề Sinh khối B vừa sức
Đối với thí sinh thi khối B, sáng nay nhiều em ra khỏi phòng thi môn Sinh với tâm trạng khá thoải mái. Nhiều em cho biết đề không khó, hy vọng đạt điểm cao.
Hầu hết các thí sinh cho biết, đề Sinh không có nhiều câu mang tính đánh đố, gồm 50 câu, không dài, hầu hết nội dung đều tập trung ở lớp 12. Phần lý thuyết bao gồm thuộc lòng và hiểu nên các thí sinh đều làm khá tốt. Tuy nhiên phần lớn câu hỏi tập chung vào phần lý thuyết nên khiến thí sinh mất nhiều thời gian để xử lý.
Chiều nay, thí sinh khôi B sẽ thi Toán với hình thức tự luận, trong vòng 180 phút.
Đề Văn khối C: Yêu cầu thí sinh trình bày về thói cơ hội
Theo quan sát của phóng viên, rút kinh nghiệm từ đợt thi đầu tiên (có hiện tượng tuồn đề thi ra ngoài sớm), đợt thi thứ 2 này các trường đã siết chặt hơn kỷ luật phòng thi. Rõ nhất là việc giám thị không cho thí sinh mang đề thi ra ngoài sau khi nộp bài thi ra sớm. Kể cả những thí sinh ra trước từ 5-15 phút, giám thị cũng thu lại đề thi.
Đề thi Văn khối C sáng nay gồm 3 câu, không có câu nào rơi vào văn học nước ngoài được các thí sinh đánh giá là khá hay. Câu 1 (2 điểm) rơi vào tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường. Câu này yêu cầu thí sinh nêu ý nghĩa của hình ảnh hai người con gái mà ở phần viết về thượng nguồn của sông Hương, tác phẩm đã gợi đến. Câu nghị luận (3 điểm) yêu cầu thí sinh trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến “Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích, người chân chính thì kiên nhẫn lập nên thành tựu”. Câu 3, phần tự chọn (5 điểm) ra vào tác phẩm "Rừng Xà nu" (chương trình cơ bản), tính chất sử thi của tác phẩm thể hiện qua nhân vật Tnú và tác phẩm thơ “Đây thôn Vĩ dạ” của Hàn Mặc Tử (chương trình nâng cao).
Với đề Văn khối C này, nhiều thí sinh cho biết các em làm bài không mấy thoải mái. “Em chỉ làm tốt câu 3 (5 điểm), còn lại câu 1, câu 2 em không tự tin lắm”, thí sinh Trần Anh Minh, đến từ THPT Nông Cống 3, Thanh Hóa, dự thi vào Học viện An ninh nhân dân cho biết. Cũng theo thí sinh Minh, câu nghị luận về kẻ cơ hội, người kiên trì rất khó viết, đặc biệt là em không biết mở bài như thế nào để đạt điểm cao. Đây cũng là nội dung không sát, không gần gũi với giới trẻ chúng em.
Đây cũng là suy nghĩ của một số thí sinh dự thi vào Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Thí sinh thích đề Văn khối D
Trong khi đó, đề văn khối D được nhiều thí sinh thích thú. Nhiều em ra khỏi phòng thi với vẻ mặt phấn khởi và cho biết, viết được đến tờ giấy thi thứ 3.
Đề Văn khối D cũng gồm 3 câu. Câu 1 (2 điểm) ra về tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”. Câu 2 nghị luận (3 điểm) yêu cầu thí sinh trình bày suy nghĩ về “Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa”. Câu 3 (5 điểm), đối với chương trình chuẩn yêu cầu thí sinh nêu cảm nhận ý nghĩa của hình ảnh kết thúc tác phẩm “Chí Phèo” của Nam Cao (hình ảnh lò gạch cũ..) và tác phẩm “Vợ nhặt” của Kim Lân (đám người đói lả và cờ đỏ bay phấp phới); Đối với chương trình nâng cao yêu cầu thí sinh phân tích hình ảnh tạo vật thiên nhiên và tâm trạng nhân vật trữ tình trong bài thơ "Tràng Giang" của Huy Cận.
* Tại cụm thi TPHCM: Sáng nay, 9-7, Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Bùi Văn Ga, Chủ tịch hội đồng tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012 đã thị sát trực tiếp một số hội đồng thi tại cụm thi TPHCM.
Tại Trường ĐH Sài Gòn, thứ trưởng đã kiểm tra các phòng thi tại điểm thi khu nhà hành chính vừa mới khánh thành. Ngoài việc xem xét quy chế phòng thi, thứ trưởng cũng hỏi thăm các giám thị coi thi, các điểm trường về tình hình thí sinh dự thi khối C, số thí sinh được tuyển thẳng và thí sinh đăng ký tuyển thẳng thuộc 62 huyện nghèo theo quy định của Chính phủ.
Tiếp đó, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng đi kiểm tra các phòng thi thuộc hội đồng thi Trường ĐH Tôn Đức Thắng và điểm thi thuộc hội đồng thi Trường ĐH Luật TPHCM.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bùi Văn Ga, các điểm thi và hội đồng thi qua kiểm tra được tổ chức khá nghiêm túc, phòng thi đảm bảo và các giám thị coi thi đều nắm rõ các quy chế.
Trao đổi với báo chí trong sáng 9-7, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng trong đợt thí thứ 2 các trường quán triệt và thực hiện tương đối tốt các điều chỉnh ở điều 25 cùa Quy chế tuyển sinh. Dự kiến trong năm 2013, khi Luật giáo dục Đại học được ban hành thì chắc chắn quy chế tuyển sinh cũng có nhiều thay đổi so với quy định. Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng khuyến khích các trường ĐH trọng điểm thực hiện phương thức tuyển sinh riêng để cùng Bộ Giáo dục - Đào tạo xây dựng phương án tuyển sinh mới thay cho phương án thi “3 chung” sau năm 2015.
TPHCM: Thí sinh chật vật vì giao thông
Do buổi thi đầu tiên của đợt thi thứ 2 kỳ thi Đại học - Cao đẳng năm 2012 diễn ra vào ngày đầu tuần nên tình hình giao thông khá căng thẳng. Ngay từ sáng sớm, đường Đinh Bộ Lĩnh (đoạn đầu cầu Bình Triệu ngang qua Bến xe Miền Đông, Quận Bình Thạnh) đã xảy ra kẹt xe kéo dài. Lưu lượng xe vào bến xe Miền Đông cộng với thí sinh đi thi nhiều nên dòng người và xe chen chúc nhau.
Xe gắn máy phải leo lên cả vỉa hè nhưng cũng không thoát được đám đông. Còn xe buýt thì chôn chân tại chỗ. Những thí sinh đi xe buýt tranh thủ ôn bài ngay trên xe. Nhiều thí sinh lo lắng nên phải xuống bắt xe ôm để đến điểm thi đúng giờ.
Tại Ngã tư Thủ Đức, đường Võ Văn Ngân, Xa lộ Hà Nội đoạn trước Khu Du lịch Suối Tiên, cầu Rạch Chiếc cũng ùn tắc cục bộ.
Đến gần 9h sáng tại khu vực Thủ Đức các thí sinh thi môn Sinh do thời gian thi chỉ diễn ra trong vòng 90 phút nên thời điểm này tình trạng giao thông lúc này có vẻ bớt căng thẳng hơn so với lúc sáng sớm.
Đắk Lắk: Nhiều thí sinh bị thương tật do tai nạn giao thông vẫn đi thi
Mặc dù vừa mới được phẫu thuật u não, thí sinh Lê Thị Duyên (quê ở huyện Krông Nô, Đắk Nông) vẫn dự thi ngành Y đa khoa - Trường Đại học Tây Nguyên (Đắk Lắk). Trước đó, sau khi thi xong môn Hóa trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, Duyên thấy đau đầu, gia đình tưởng em bị cảm nên mua thuốc cho uống. Sáng hôm sau, Duyên vẫn đến trường để thi tốt nghiệp, nhưng khi vừa đến cổng trường thì nôn ói, rồi té xỉu. Duyên được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk, rồi chuyển xuống Bệnh viện Chợ Rẫy phẫu thuật khối u trong đầu. Duyên được Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Đắk Nông xét đặc cách tốt nghiệp theo quy chế.
Năm nay, Duyên đăng ký dự thi khối A ngành Kế toán - Trường Đại học Sài Gòn và khối B ngành Y đa khoa - Trường Đại học Tây Nguyên. Tuy nhiên, trong đợt 1 kỳ thi đại học, gia đình không cho đi thi vì em mới phẫu thuật. Dù các bác sĩ căn dặn phải nghỉ ngơi, nhưng vì Duyên năn nỉ bố mẹ cho thi đợt 2.
Thí sinh Tạ Thị Hồng (quê ở xã huyện Phú Thiện, Gia Lai) đến dự thi ngành Quản lý tài nguyên môi trường Trường Đại học Tây Nguyên với chân phải đang bó bột. Trong một lần tới điểm luyện thi đại học, Hồng không may bị tai nạn giao thông, gãy xương mắt cá chân, không thể đi lại, nhưng giấc mơ vào giảng đường đại học đã tiếp thêm sức mạnh cho em tham dự kỳ thi. Hồng chia sẻ: “Sau khi gặp tai nạn giao thông, em đã khóc rất nhiều, nhưng thầy cô, bạn bè động viên tiếp thêm động lực cho em đi thi. Em rất xúc động và cảm ơn các anh chị tình nguyện viên Đại học Tây Nguyên đã động viên, cõng em đến phòng thi”.
Cũng dự thi vào Trường Đại học Tây Nguyên, thí sinh Hoàng Quốc Khánh (quê ở Hà Tĩnh, dự thi vào ngành Quản lý tài nguyên môi trường) phải đến phòng thi trên đôi nạng gỗ. Đầu tháng 4 năm nay, Khánh bị gãy xương đùi trong một vụ tai nạn giao thông nhưng em vẫn cố gắng thi tốt nghiệp để hoàn thành ước mơ đại học của mình.
Khánh tâm sự: “Hiện trong chân của em còn 10 con ốc, thường xuyên đau nhói nhưng em tự nhủ không để ý đến những cơn đau để làm bài thật tốt”.
Đại học Huế: Thêm ba thí sinh bị đình chỉ vì điện thoại di động
* Một thí sinh tử nạn ngay trước ngày thi
Sáng nay, 9-7, 34.590 thí sinh đã đến 57 địa điểm thi tuyển sinh vào các khoa, trường thành viên Đại học Huế để dự thi môn đầu tiên.
Kết thúc môn thi đầu tiên của đợt hai, ba thí sinh đã bị đình thi vì mang theo điện thoạt di động vào phòng thi và một thí sinh bị khiển trách.
Ở kỳ thi tuyển sinh đợt 1 vào Đại học Huế, giám thị cũng tiến hành lập biên bản đình chỉ thi ba thí sinh vì mang điện thoại di động vào phòng thi.
* Một sự cố thương tâm là vào sáng ngày 8-9, thí sinh Nguyễn Thị Thúy (18 tuổi, quê ở xã Gio Bình, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) trên đường đến làm thủ tục dự thi tuyển sinh vào Đại học Huế tại địa điểm thi trường THPT Đặng Huy Trứ (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế) bị tai nạn và chết ngay tại chỗ.
Sáng ngày 8-7, chị của Thúy là Nguyễn Thị Hồng Vinh điều khiển xe máy biển kiểm soát 74B1-03553, chở Thúy đi trên quốc lộ 1A đoạn qua thôn Thanh Chữ, phường Hương An, thị xã. Hương Trà (cách trường thi chưa đầy 1 km) thì gặp một em nhỏ chạy xe đạp từ trong hẻm ra. Do tránh xe đạp nên xe của chị em Thúy ngã xuống đường. Vừa lúc đó, xe ô tô khách biển kiểm soát 73L-4573 chạy cùng chiều ở phía sau tới cán lên Thúy, khiến thí sinh này chết tại chỗ.
Đà Nẵng: Thí sinh ngất xỉu vì nắng nóng
Trong buổi thi sáng nay, 9-7, thời tiết tại thành phố Đà Nẵng trở nên nóng bức đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm bài của các thí sinh. Đặc biệt, nắng nóng cùng với áp lực đã khiến thí sinh Trần Thị Tuyền (Khối B, dự thi Đại học Sư phạm) tại hội đồng thi trường Cao đẳng Công nghệ (TP Đà Nẵng) bị ngất xỉu.
Khoảng 15 phút trước khi hết giờ làm bài, Tuyền bất ngờ ngất xỉu, ngay lập tức, các giám thị báo lên hội đồng tuyển sinh tiến hành sơ cấp cứu, đồng thời ổn định trật tự phòng thi. Hơn mười phút sau, thí sinh tỉnh lại, nhưng không trở lại phòng thi, vì trước đó Tuyền đã hoàn thành bài thi của mình. Nguyên nhân ban đầu xác định là do áp lực thi cử, thí sinh thức đêm, cộng thêm thời tiết oi bức khiến thí sinh mệt mỏi, choáng váng và ngất xỉu.
Theo báo cáo của Ban tuyển sinh Đại học Đà Nẵng, đến hết môn thi đầu tiên, sáng nay, 9 - 7, số thí sinh đến dự thi vào trường Đại học Đà Nẵng đạt tỷ lệ 89%.
Trưa 9-7, tại hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Hiền (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), các đoàn viên thanh niên tình nguyện phường Hòa Cường Nam đã trao tận tay cho các sĩ tử và người thân gần 400 suất cơm với giá chỉ 2.000 đồng/suất.
Dự kiến, ngày 10-7, đoàn viên thanh niên tình nguyện phường Hòa Cường Nam sẽ tiếp tục cung cấp thêm 300 suất ăn với giá 2.000 đồng/suất cho các sĩ tử. Bên cạnh đó, các thanh niên tình nguyện của phường còn vận động được 17 gia đình ở tổ 36 với khoảng 70 phòng trọ giá rẻ và miễn phí cho các sĩ tử.
Theo thông tin từ một số trường đại học vùng cho biết, tỷ lệ thí sinh đến làm thủ tục thi đợt 2 đạt từ 75 - 80%. Đơn cử ĐH Quảng Nam có gần 80% thí sinh đến đăng ký dự thi; ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) có 3.985 thí sinh đến làm thủ tục dự thi, đạt hơn 75%; ĐH Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) có tổng số 32.185 thí sinh có mặt làm thủ tục dự thi trong tống số 40.161 thí sinh đăng ký dự thi, chiếm tỷ lệ 80,14%; ĐH Đà Nẵng có hơn 15.700 trong tổng số hơn 19.400 thí sinh đã đăng ký dự thi đến các điểm trường làm thủ tục thi, đạt tỷ lệ 80,8%; cụm thi Vinh có gần 28.000 thí sinh đến làm thủ tục dự thi đợt 2, đạt 75,30%. Trong đó, Trường ĐH Vinh đạt 80,33%; cụm thi TP Quy Nhơn có 29.656 thí sinh đến làm thủ tục dự thi, đạt tỷ lệ 82,5% so với số đăng ký; cụm thi Cần Thơ đạt 82,95% thí sinh đến làm thủ tục; Trường đại học Đà Lạt có 79,34% thí sinh đến làm thủ tục dự thi so với tổng số hồ sơ đăng ký…
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: “Không có chuyện đề bị đưa ra ngoài do công tác quản lý in sao vận chuyển. Bộ GD-ĐT đang chờ kết luận cuối cùng của Cục A83 Bộ Công an. Trên cơ sở kết luận cuối cùng đó thì cơ quan điều tra sẽ đề xuất phương án xử lý và Bộ GD-ĐT sẽ làm việc theo đúng thẩm quyền”.
Trước mắt, về trách nhiệm trong công tác tổ chức thi thì rút kinh nghiệm cho đợt thi thứ 2 này, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu tất cả các hội đồng thi phải giám sát chặt chẽ các vật dụng thí sinh mang vào phòng thi. Đặc biệt là các thiết bị thu phát thông tin để ngăn chặn hành vi có thể phát tán đề thi ra ngoài. Sau khi có kết luận cuối cùng về sự việc từ cơ quan điều tra A83, Bộ GD-ĐT sẽ đưa ra phương án xử lý đối với thí sinh đã phát tán đề ra ngoài. Các năm trước cũng đã từng có trường hợp khi chưa hết 2/3 thời gian làm bài thì đề đã xuất hiện ra bên ngoài nhưng đó là do các thí sinh vi phạm quy chế đã dùng điện thoại di động để đọc đề ra ngoài. Đối với các thí sinh đưa đề ra bên ngoài bằng thiết bị công nghệ cao thì theo quy chế sẽ bị hủy kết quả bài thi. Hiện nay, công nghệ ngày càng phát triển và các thí sinh rất dễ lợi dụng các thiết bị công nghệ cao để thực hiện hành vi đưa đề ra bên ngoài.
“Vì vậy, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo phải tăng cường công tác giám sát để ngăn chặn những hành vi tiêu cực của thí sinh có sử dụng công nghệ cao”- Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói.