Chuyện hậu trường

“ĐỘT NHẬP” vào phòng các tay vợt nữ !

Tủ hên, tủ xui
“ĐỘT NHẬP” vào phòng các tay vợt nữ !

Chuyện gì xảy ra trong phòng... thay quần áo của các tay vợt nữ nhà nghề quốc tế ở các giải đấu? Đây là lời kể của Rennae Stubbs, tay vợt người Australia đã có 18 năm đi “ta bà thế giới” để thi đấu nhà nghề, nên cô cũng khá “nhiều chuyện” về những “chuyện hậu trường” của các tay vợt nữ.

Trong phòng thay quần áo, tay vợt nữ Pháp Mary Pierce thường thực hiện một “nghi lễ” kỳ lạ: nằm dài dưới sàn nhà, người quấn đầy khăn tắm, che cả mắt. Cô cũng tranh thủ làm một giấc ngủ ngắn trước những trận đấu. Đối thủ Nga Svetlana Kuznetsova thì thích nghe nhạc rap và hát theo, nhưng phải gọi là “hét” vào tai người ta mới đúng, vì cô đang đeo tai nghe nên cứ ngỡ mình còn hát nhỏ lắm! Tay vợt trẻ Sam Stosur (Australia) lại có thói quen quất vài quả bóng vào tường ở bất kỳ giải nào cô đấu...

Tủ hên, tủ xui

“ĐỘT NHẬP” vào phòng các tay vợt nữ ! ảnh 1
Lindsay Davenport với tấm thư pháp viết tên cô bằng tiếng Hoa.

Các tay vợt nữ cũng thường có tủ thay quần áo ưa thích riêng. Chị em Venus-Serena Williams khi tham dự hai giải Grand Slam Mỹ và Australia mở rộng đều thích chọn dãy tủ cuối cùng trong phòng thay quần áo, vì đó là những chiếc tủ cao mà chỉ có hai chị em cao lớn này có thể với tay tới nóc tủ. Họ xem đó là một cách để “trừ tà” và giúp họ chiến thắng trong từng trận đấu.

Tương tự với tay vợt nữ Nga Maria Sharapova, người ta dám cá rằng trong tháng 9 tới khi bảo vệ ngôi vô địch nữ Mỹ mở rộng 2007, Sharapova thế nào cũng đề nghị ban tổ chức cấp cho cô đúng chiếc tủ quần áo khi cô dự và chiến thắng ở giải này năm 2006. Cũng chính Stubbs thừa nhận khi đến dự Wimbledon 2005 sau khi giành chiến thắng ở giải đôi nữ của Grand Slam năm trước đó, cô phát hiện chiếc tủ ưa thích của mình bị người khác trưng dụng, và ngay lập tức, Stubbs bị loại sớm!

Thông thường, các tay vợt nữ đều thích sử dụng mỗi một chiếc khăn tắm, hoặc phòng tắm từng “góp phần”giúp họ thắng mỗi trận đấu. Họ tin nếu sử dụng chiếc khăn khác thì sẽ không còn được hên nữa, chỉ rước xui vào mình. Tay vợt nữ Jelena Dokic chỉ “nhất y nhất váy” ở mỗi giải, dù bộ trang phục đó giúp cô thắng trận hay không.

Theo Stubbs thì một số tay vợt thường khi thay quần áo dơ ra là ném vương vãi trên sàn nhà, mà chính cô cũng như thế! Stubbs ngượng ngùng nói thêm: “Quần vợt nữ nổi tiếng là quyến rũ, đúng thời trang và các tay đấu ăn mặc rất phong cách, nhưng trong phòng thay quần áo thì họ lại có thể biến nó thành một rừng già sặc mùi hôi”!
Người quen cấm vào

Stubbs cũng đề cập chuyện các bậc phụ huynh thường tự ý xông vào phòng thay quần áo, đến độ chính con cái họ phải cấm bố mẹ không được làm thế. Bà Samantha, mẹ của tay vợt Mỹ Alexandra Stevenson luôn xông vào bất kỳ lúc nào bà thích, chỉ để nói chuyện cho sướng cái miệng với con gái. Stubbs nói: “Thật sự tôi nghĩ chính Alexandra kết lệnh cấm phụ huynh này hơn bất kỳ ai khác. Chúng tôi xin cảm ơn quý ông bà nào không thể đột nhập được vào phòng thay quần áo”.

Vì phòng thay quần áo là “nơi thánh thiêng” của các tay vợt nữ. Họ chỉ cần “rúc” vào đấy để tránh những người họ không thích gặp. Hoặc là để họ khoe khả năng… “bà tám” của mình với những đồng nghiệp - đối thủ. Stubbs kể tay vợt Pháp Amelie Mauresmo thích nói chuyện với Kim Clijsters (Bỉ), hoặc Kuznetsova thường to nhỏ với hai đồng hương Nga Nadia Petrova và Elena Dementieva, nhưng Stubbs khuyên những lúc ấy chớ nên đến gần Kuznetsova, người có tật bấu mạnh vào tay người nói chuyện với mình nên ai cũng từng phải trải qua ít nhất chục lần la chói lói!

Nhưng phòng thay quần áo cũng chính là nơi để một người thua trận có thể vào khóc thật to mà không bị lọt vào ống kính máy ảnh, những đôi mắt của khán giả và người thân. Stubbs kể mỗi khi thua, cô chui vào phòng tắm mở nước thật mạnh rồi tha hồ khóc, ngay cả khi thắng trận cũng thế!

Phòng thay quần áo cũng là nơi các tay vợt nữ có thể…nghe lén chuyện của các tay vợt nam ở phòng thay quần áo bên cạnh! Tính tò mò của phụ nữ giúp họ có thể giải khuây, không cảm thấy thời gian chờ đợi đến lượt thi đấu quá dài, từ chuyện thắng -thua cho đến cả những chuyện riêng tư nhất của các nam VĐV...

Mê tín không ai bằng
Các cô tuy là “dân Tây” nhưng mê tín dị đoan kinh khủng. Trong túi đựng dụng cụ tennis thế nào cũng có vài linh vật, biểu tượng vui cùng “bao la” những món mà các cô cho là sẽ đem lại điềm lành. Nét chung của các tay vợt nữ là tránh sử dụng trang phục màu vàng, không bước ra khỏi vạch sân trong lúc đổi sân và tránh bước lên đường biên.

“ĐỘT NHẬP” vào phòng các tay vợt nữ ! ảnh 2
Maria Sharapova hớ hênh.

Con chó cưng Bobby của Venus Williams được cô chủ rất cưng vì nó là biểu tượng may mắn của cô, nhưng các tay vợt nữ lại rất sợ con mèo đen “ngoan cố” hoặc bất kỳ con vật 4 chân nào chạy ào vào sân đấu. Cô em Serena chỉ mang đúng một đôi vớ trong suốt giải, Justine Henin-Hardenne và Martina Hingis không thích giẫm chân lên bất kỳ đường biên nào giữa các điểm đạt được.

Dokic “có tật” trước khi thực hiện cú giao bóng thứ nhất, cô vỗ bóng xuống sân 5 lần nhưng chỉ vỗ 2 lần ở cú giao bóng thứ hai. Dokic còn yêu cầu các em lượm bóng ném bóng cho cô với phần trong cánh tay ngửa lên. Cô cũng thừa nhận cảm thấy tự tin hơn nếu được ngồi bên trái ghế trọng tài. Nhưng tay vợt Mỹ Lisa Raymond thường đổ thừa cho việc thua trận là vì HLV của cô không ngồi đúng một ghế ở bất kỳ giải nào. Cô không chịu thừa nhận việc HLV phải ngồi ghế khác vì…bạn trai của cô đã giành mất chiếc ghế đó.

Trong khi đó, các tay vợt nam cũng chẳng kém. Ví dụ Marat Safin đi đâu cũng đem theo “con mắt quỷ” mà cô em Diana Safina- cũng là một tay vợt khá- tặng để “ngăn không cho tà ma phá rối”. Lleyton Hewitt (Australia) trước mỗi trận đấu đều “hét” ca khúc “Mắt cọp” trong phim quyền Anh Rocky để “lấy khí thế”, trong khi tay vợt Anh Barry Cowan đem dàn máy nghe nhạc và tai nghe vào sân để anh lên tinh thần với ca khúc “Bạn sẽ không bao giờ phải bước một mình” của CLB bóng đá Liverpool.

Tay vợt Croatia Goran Ivanisevic khi dự giải Wimbledon thì dùng bữa tại chỉ một nhà hàng, ngồi đúng một chiếc bàn và chỉ ăn món cháo cá, thịt cừu và kem tráng miệng. Tay vợt Anh Tim Henman trước và sau mỗi trận đấu đều tắm đúng 4 sô nước. Tay vợt Mỹ Andre Agassi (kết thúc sự nghiệp ở tuổi 36 năm 2006) mỗi khi giao bóng đều yêu cầu các em lượm bóng phải thực hiện lại đúng tư thế của các em lúc trận đấu chuẩn bị bắt đầu.  

Cuối cùng, tay vợt Todd Woodbridge (Australia) chỉ mặc mỗi một chiếc áo đấu ở Wimbledon, trước khi từ bỏ sự mê tín này khi nhận ra nó chẳng có ích gì cho thành tích thi đấu của anh.

Diên Hy

Tin cùng chuyên mục