Xuất khẩu điều nhân
Theo Bộ Công thương, 6 tháng đầu năm cả nước xuất khẩu 133.000 tấn điều nhân các loại, kim ngạch xuất khẩu 847 triệu USD, tăng 20,1% về lượng và tăng 22,1% về trị giá so với 6 tháng đầu năm 2013. Với tình hình này, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) dự báo, cả năm 2014 có thể xuất 270.000 tấn điều nhân các loại, với kim ngạch 1,8 tỷ USD, nếu cộng thêm các mặt hàng khác dầu vỏ hạt điều và những sản phẩm chế biến sâu thì kim ngạch xuất khẩu điều cả nước khoảng 2,2 tỷ USD, con số này năm 2013 là 1,8 tỷ USD.
Xuất sang Trung Quốc chỉ còn 20%
Do lệ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc nên những người kinh doanh các mặt hàng nông sản chủ lực đứng ngồi không yên khi cao su đang “chết đứng” vì giá thấp, trái cây và khoai mì thấp thỏm, mặt hàng gạo lại thất thường vì buôn bán tiểu ngạch, nhưng mặt hàng điều nhân lại có cơ cấu khá lý tưởng, không quá lệ thuộc vào một thị trường, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Vinacas, cho biết, điều nhân và các sản phẩm chế biến sâu của hạt điều xuất khẩu đến 40 quốc gia, trong đó Mỹ là thị trường nhập khẩu điều nhân lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 40%; các nước châu Âu gần 30%, kế đến là Trung Quốc khoảng 20%, Úc hơn 11%. Lợi thế của mặt hàng điều là thực phẩm khô, nếu có vấn đề ở thị trường nào đó vẫn không làm ảnh hưởng lớn đến toàn ngành. Sau 30 năm xuất khẩu điều nhân, các doanh nghiệp (DN) đã hình thành mạng lưới khách hàng rộng khắp các nước.
Trung Quốc là thị trường có tốc độ phát triển khá ấn tượng, trên dưới 10%/năm, nhưng nếu xét về thị phần lại có xu hướng giảm dần. Năm 2000 mới nhập khoảng 11.000 tấn điều nhân, lúc đó chiếm 32,6% tổng lượng điều xuất khẩu Việt Nam; năm 2013 lên đến trên 52.000 tấn, nhưng thị phần giảm xuống còn 20%. 6 tháng đầu năm 2014, cũng ở con số này. Theo nhận định của Vinacas, có thể thời gian tới tỷ lệ này sẽ dao động trên dưới 20%. Một điều có thể nhận thấy, lúc mới khởi nghiệp, với các DN Việt Nam, Trung Quốc là thị trường để DN tìm đến vì là nước giáp với Việt Nam ở phía Bắc nên việc vận chuyển khá dễ dàng, chỉ sau 1 tuần hàng đã đến Trung Quốc và khách hàng khá dễ dàng chấp nhận nên những mã hàng các nước phát triển “chê” được bán sang Trung Quốc. Những DN từng buôn bán điều nhân lâu năm lại tìm cách thoát ra khỏi thị trường này, điển hình như Công ty cổ phần Nhật Huy. Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch HĐQT cho biết, từ năm 1998 đến năm 2005 gần như 100% là bán qua Trung Quốc, nhưng sau đó giảm dần, từ năm 2010 đến nay chỉ còn 5%, trong khi 75% là xuất khẩu sang Mỹ và các nước châu Âu, còn lại là Nhật Bản, Úc và các nước khác.
Lý do mà ông Phạm Văn Công chủ động chuyển hướng là do cách làm ăn của DN Trung Quốc chưa có kế hoạch cụ thể, mang tính chụp giựt, không theo tiêu chuẩn cụ thể mà theo cảm quan nên khó chuẩn xác. Khi cần hàng mua ồ ạt, nhưng cũng ngưng mua đột ngột nếu hàng bán chậm; nhà nước Trung Quốc điều chỉnh thuế biên mậu liên tục. Trong khi giao dịch với DN các nước phát triển Âu Mỹ thì buôn bán kỳ hạn rõ ràng, dễ cho việc hoạch định sản xuất.
Các đối thủ cạnh tranh mới
Nhu cầu tiêu thụ thị trường Trung Quốc tăng rất nhanh. Nếu năm 2000 Trung Quốc nhập khẩu 11.200 tấn điều nhân của Việt Nam thì năm 2013 con số này là 52.000 tấn và sẽ còn tăng mạnh thời gian tới khi mà bình quân mỗi người dân Trung Quốc chỉ mới tiêu thụ 0,04kg/người/năm, trong khi Mỹ là 0,26kg/người/năm. Chỉ cần tăng gấp đôi con số hiện nay, tức là chưa tới 1/3 lượng tiêu thụ của dân Mỹ, Trung Quốc sẽ phải nhập khẩu hơn 100.000 tấn/năm để đáp ứng cho hơn 1,3 tỷ người dân. Vì vậy, từ lâu Trung Quốc đã quan tâm đến công nghiệp chế biến hạt điều nhưng do không có thế mạnh để phát triển cây điều như Việt Nam nên họ đang trong quá trình hình thành công nghiệp chế biến từ nguyên liệu điều nhập khẩu các nước châu Phi, kể cả mua điều nhân Việt Nam về chế biến sâu để xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Đức Thanh, thị trấn Mao Minh của tỉnh Quảng Đông dành khu đất 10ha để lập trung tâm chế biến điều nhân; ngoài ra còn đảo Hải Nam, tỉnh Quảng Châu… đã làm mấy năm nay và có dấu hiệu muốn đẩy nhanh hơn. Vì là khách hàng truyền thống của Việt Nam, một số nơi tiếp nhận người của Trung Quốc qua tiếp cận, học hỏi công nghệ chế biến điều theo thỏa thuận hợp tác giữa 2 DN. Họ cũng đã mua thiết bị Việt Nam về nghiên cứu và có thành công bước đầu. Tất nhiên để làm được như Việt Nam không thể một sớm một chiều. Giám đốc Công ty TNHH Bình Sơn 1, ông Tạ Quang Huyên (Bình Phước), tự tin cho rằng, có thể lượng nhập khẩu giảm nhưng chất lượng hạt điều Việt Nam được khách hàng nước ngoài thừa nhận là ngon nhất, trở thành thương hiệu mà người tiêu dùng các nước châu Âu, Mỹ ưa chuộng. Vấn đề còn là công nghệ và phương pháp chế biến, là “hồn cốt” sản phẩm, những lợi thế không thể có của nước khác.
Ngay cả Ấn Độ, nước chế biến hạt điều lớn nhất thế giới nhưng do đẩy mạnh tiêu thụ nội địa nên xuất khẩu sau Việt Nam cũng tìm cách tiếp cận và mua thiết bị chế biến hạt điều của Việt Nam, kể cả lập nhà máy chế biến tại Việt Nam. Theo nhận định của Vinacas, Ấn Độ sẽ là đối thủ cạnh tranh bởi nghề chế biến điều của nước này đã hình thành cả trăm năm, có hệ thống thu mua hạt điều (thô) ngay tại những nước châu Phi để bán cho Việt Nam và Trung Quốc. Việt Nam dù là đất nước chế biến điều khoảng 30 năm nhưng công nghệ chế biến lại đi đầu trên thế giới nên những đối thủ này luôn tìm cách học hỏi lợi thế Việt Nam để cạnh tranh. Vì vậy, bên cạnh việc nâng cao tiêu thụ thị trường nội địa và giữ vững thị trường truyền thống, DN chế biến điều Việt Nam không thể chủ quan, cần có chiến lược kinh doanh lâu dài dựa trên lợi thế sẵn có.
CÔNG PHIÊN