Đột phá từ công nghiệp

35 năm sau ngày giải phóng, từ một tỉnh nhiều năm liền phải xin hỗ trợ ngân sách Trung ương, nay không những tự chủ tài chính, gia nhập câu lạc bộ 1.000 tỷ đồng, mà trong năm 2009 Quảng Ngãi đã nộp ngân sách trên 4.000 tỷ đồng. Năm 2010, dựa vào dự toán Trung ương giao kế hoạch nộp ngân sách cho tỉnh trên 14.000 tỷ đồng. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Huế (ảnh), Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, về những thành quả đã đạt được.
Đột phá từ công nghiệp

35 năm sau ngày giải phóng, từ một tỉnh nhiều năm liền phải xin hỗ trợ ngân sách Trung ương, nay không những tự chủ tài chính, gia nhập câu lạc bộ 1.000 tỷ đồng, mà trong năm 2009 Quảng Ngãi đã nộp ngân sách trên 4.000 tỷ đồng. Năm 2010, dựa vào dự toán Trung ương giao kế hoạch nộp ngân sách cho tỉnh trên 14.000 tỷ đồng. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Huế (ảnh), Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, về những thành quả đã đạt được.

- PV: Đề nghị ông khái quát quá trình 35 năm phát triển của Quảng Ngãi từ sau ngày giải phóng?

- Ông Nguyễn Xuân Huế: Có thể hình dung sự phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ngãi 35 năm qua như một biểu đồ đi lên, mà mỗi giai đoạn gắn với quá trình phát triển của đất nước.

Giai đoạn từ năm 1975 đến 1989, “điểm nhấn” kinh tế giai đoạn này là việc xây dựng công trình đại thủy lợi Thạch Nham phục vụ sản xuất nông nghiệp. Bước chuyển đáng kể có thể nói từ giữa năm 1989, khi Quảng Ngãi tái lập tỉnh, cơ sở vật chất, kỹ thuật, kinh tế và xã hội đã đạt được những thành tựu quan trọng.

5 năm tiếp sau đó, trong bối cảnh chịu thiên tai liên tiếp nhưng Quảng Ngãi vẫn giữ được tốc độ tăng GDP 6,73%, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã bắt đầu rõ nét bằng việc đầu tư cho ngành công nghiệp chế biến đường và các sản phẩm sau đường. Giai đoạn 1996-2000, GDP toàn tỉnh đạt 8,56%, tỷ trọng ngành công nghiệp tăng dần với việc thành lập KCN Dung Quất, 2 KCN khác được ra đời, giải quyết gần 5.000 lao động. Tuy nhiên, giai đoạn tăng tốc bắt đầu từ năm  2001-2005, khi mà tốc độ tăng trưởng bình quân GDP của tỉnh đạt 10,3% năm, lần đầu tiên hoàn thành các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra (hoàn thành 27/30 chỉ tiêu), trong đó có những chỉ tiêu đạt và vượt. Giai đoạn này, phát triển công nghiệp là ưu tiên số 1, bởi đã có lực đẩy khi Chính phủ quyết định chuyển KCN Dung Quất thành khu kinh tế (KKT) đầu tiên của cả nước. Vì vậy, từ năm 2006 đến nay, Quảng Ngãi đã luôn bứt phá tạo ra cú hích ngoạn mục cho sự phát triển kinh tế. GDP bình quân giai đoạn này đạt 14,82% và luôn tăng trưởng trên hai con số, đặc biệt năm 2009 đạt 21%.

- Vai trò của KKT Dung Quất trong sự phát triển kinh tế-xã hội của Quảng Ngãi như thế đã rất rõ nét?

- KKT Dung Quất có ý nghĩa đặc biệt, là hạt nhân, động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội không riêng của Quảng Ngãi mà có sức lan tỏa tích cực trong Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, cũng như trên cả nước. Qua 13 năm, KKT này thu hút vốn đầu tư trên 10,3 tỷ USD, với gần 140 dự án, trong đó được cấp phép đầu tư 111 dự án, vốn đăng ký hơn 121.600 tỷ đồng (tương đương khoảng 7,6 tỷ USD), vốn thực hiện hơn 4,1 tỷ USD. Trong số đó, 12 dự án FDI đã được cấp phép với vốn đăng ký 3,42 tỷ USD. Đến nay đã có 51 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho trên 12.000 lao động.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất, “bệ phóng” cho sự phát triển kinh tế của Quảng Ngãi. Ảnh: HÀ MINH

Nhà máy lọc dầu Dung Quất, “bệ phóng” cho sự phát triển kinh tế của Quảng Ngãi. Ảnh: HÀ MINH

Trong năm 2009, giá trị SXCN của KKT Dung Quất chiếm trên 60% giá trị SXCN của tỉnh; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 140 triệu USD. Nhờ có Dung Quất, từ năm 2006, tỉnh Quảng Ngãi đã trở thành thành viên của “Câu lạc bộ 1.000 tỷ đồng”.

Sự phát triển của KKT Dung Quất đã làm thay đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng mạnh tỷ trọng công nghiệp. Nhà máy lọc dầu, “trái tim” của KKT này với số vốn đầu tư trên 3 tỷ USD, có công suất 148.000 thùng/ngày, công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, đã và đang vận hành chạy thử và xuất bán gần 2 triệu tấn sản phẩm ra thị trường. KKT Dung Quất đã “hút” nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước như: dự án công nghiệp nặng của Tập đoàn Doosan (Hàn Quốc - 260 triệu USD); dự án luyện cán thép trên 3 tỷ USD của Quảng Liên (Trung Quốc); nhà máy đóng tàu đóng mới các loại tàu có trọng tải lên tới 400.000 DWT, vốn đầu tư gần 1 tỷ USD, đang đóng nhiều chiếc tàu chở dầu trọng tải 104.000-105.000 tấn và 8 tàu trọng tải 54.000 tấn…

-  Thưa ông, như vậy Quảng Ngãi đã tìm ra hướng đi phù hợp, công nghiệp đang trở thành đầu kéo để phát triển các ngành sản xuất - kinh doanh  khác?

- Phương châm xuyên suốt của tỉnh là hỗ trợ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đẩy nhanh tiến độ triển khai phương án mở rộng nâng công suất nhà máy lọc dầu lên khoảng 9-10 triệu tấn/năm để sớm trở thành trung tâm lọc hóa dầu quốc gia. Mở rộng KKT Dung Quất lên 45.332ha gắn với việc hình thành cảng nước sâu thứ 2 đáp ứng các loại tàu có trọng tải từ 250.000 - 300.000 tấn cập cảng. Tỉnh cũng tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư khởi công xây dựng Nhà máy Luyện cán thép Quảng Liên có công suất 5 triệu tấn thép/năm vào đầu quý 2-2010. Ngoài ra, chúng tôi  tiếp tục thu hút các dự án quy mô lớn như: Dự án Tổ hợp Luyện cán thép cao cấp với tổng vốn đăng ký khoảng 5 tỷ USD; đầu tư một tổ hợp nhiệt điện 2.400MW…

Để làm được điều đó, tỉnh Quảng Ngãi đặt mục tiêu của việc hình thành thành phố công nghiệp Dung Quất và đã được Thường trực Ban Bí thư đồng ý về chủ trương cho lập đề án, sắp tới sẽ trình Ban Cán sự Đảng Chính phủ. Từ đây, TP công nghiệp Dung Quất sẽ liên kết với trung tâm TP Quảng Ngãi, Đức Phổ, Sa Huỳnh ở phía Nam tạo ra trục xương sống kinh tế, đưa Quảng Ngãi phát triển nhanh, mạnh và bền vững.

MINH HÀ (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục