Phải có dũng khí lắm mới dám ngồi vào “ghế” Bộ trưởng Bộ GD-ĐT – một bộ quả là khó khăn với đầy trọng trách trước người dân và đất nước. Cứ hình dung ở cương vị như Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, bạn sẽ làm gì để vực dậy nền giáo dục nước nhà vốn dĩ bị chê nhiều hơn khen?
Trước tiên, giáo dục ở chúng ta giống như con bệnh trầm kha, khó chữa, được đủ loại thầy thuốc chẩn bệnh kê các toa thuốc khác nhau. Trong vấn đề “chữa trị” này, tựu trung có 2 luồng ý kiến sau “hội chẩn”: một là phải có chiến lược, hoạch định kế hoạch, biện pháp cụ thể, làm từ từ, đi chắc nịch từng bước để 10 năm chuyển đổi thành công “một cách căn bản, toàn diện” toàn hệ thống; thứ hai là phải “phẫu thuật” ngay, làm cái rụp để cắt bỏ hết các khối “u” tồn đọng. Và như thế, từ đi chậm mà chắc đến đi nhanh, đi trước, về trước, các nhà quản lý giáo dục sẽ phải cân nhắc lựa chọn sự phát triển hợp lý trước sự thúc bách của thời đại. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận với sự cẩn trọng của một nhà giáo cũng đã đưa ra “lựa chọn cuối cùng” dường như dung hòa cả 2 luồng suy nghĩ là đến năm 2020 sẽ đổi mới theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Và chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao, trong đó chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, năng lực sáng tạo… để cuối cùng cho ra sản phẩm chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhìn chung các mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể đều đúng và trúng, nhưng trong 7 giải pháp thực hiện (đổi mới quản lý giáo dục; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tiếp tục đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy học, thi, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục; tăng cường các nguồn đầu tư cho giáo dục, gắn đào tạo với sử dụng, với nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu xã hội; tăng cường hỗ trợ giáo dục đối với các vùng khó khăn, dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách xã hội; phát triển khoa học giáo dục và cuối cùng là mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về giáo dục) vẫn chưa rõ giải pháp nào phải được ưu tiên hàng đầu và là khâu đột phá cần làm ngay.
Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT hôm qua, các nhà giáo TPHCM đã đề xuất phải chọn chăm lo đội ngũ giáo viên là trọng tâm của giáo dục 10 năm tới. Đó là ý kiến xác đáng vì chúng ta gần như đã “bỏ quên” người thầy đang phải tự mình bươn chải mưu sinh bên cạnh áp lực về chất lượng giảng dạy.
Một giáo sư ĐH Y Dược tâm sự thật lòng rằng chúng ta phải đặc biệt ưu tiên cho ngành sư phạm vốn dĩ là cỗ máy cái tạo ra sản phẩm con người. Ngành y tế của ông cũng cần được quan tâm nhưng ông xin nhường lại sự “chăm sóc đặc biệt” này cho ngành sư phạm và “chúng ta phải làm thật đặc biệt cho ngành này”. Và câu hỏi như mũi khoan cứ xoáy sâu trong tim: Tại sao nhà giáo vẫn mãi là nhà nghèo, vẫn cơ cực, nhếch nhác ở một đất nước vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo “không thầy đố mày làm nên”? Thành thật nói như ông Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, đó là bởi chúng ta đầu tư không trung thực, dù phân bổ ngân sách theo chỉ tiêu nhưng phân bổ gì thì cũng phải “đủ” cho cuộc sống giáo viên và là “do mình làm giả cứ nói đủ chung chung. Phải đầu tư thật”.
Vấn đề lớn nữa trong chiến lược phát triển giáo dục là phải chọn trọng điểm, trọng tâm đầu tư. Không thể dàn trải, cái gì cũng dàn hàng ngang cùng tiến. Ở khía cạnh này còn khá nhiều băn khoăn: Nên trải rộng diện hay khoan sâu vào một số thành phố trọng điểm như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ để từ đó có lực kéo đoàn tàu giáo dục cả nước đi lên. Đây là suy nghĩ hợp lý nếu biết rằng ở một số nước, người ta ưu tiên phát triển trước tiên tầng lớp trung lưu để lấy đó làm bàn đạp thúc đẩy người nghèo thoát nghèo. Nhưng nếu vậy thì còn đâu là “công bằng, dân chủ” trong giáo dục?
Lấy mô hình trường công lập chất lượng cao ở TPHCM đang được thực hiện ở 3 trường phổ thông mới thấy sự phức tạp của vấn đề. Bên ủng hộ thì cho rằng là mô hình tốt cần nhân rộng vì gia đình dư dả muốn trả cao để con em họ được hưởng dịch vụ giáo dục chất lượng tốt. Nhưng ý kiến phản bác lại cho rằng đó là sự bất công, công phải ra công, tư ra tư, trường công – từ tiền thuế của người dân – phải rộng mở cho tất cả và tiêu chuẩn tuyển sinh chỉ nên dựa vào phẩm chất và năng lực người học. Có thu nhập cao? Xin mời vào các trường tư thục. Rõ ràng sự đột phá nào cũng có cái “giá” phải trả. Nhưng chung quy có làm vẫn hơn là không làm gì.
Còn quá nhiều vấn đề phải bàn luận. Song để giáo dục thực sự “là quốc sách hàng đầu”, thiết nghĩ phải coi nhà giáo là nhân vật trung tâm của mọi cải cách. Chính họ chứ không phải bộ trưởng hoặc giám đốc Sở GD-ĐT quyết định sự thành bại của sự nghiệp trồng người. Và ước gì khi trình bày cương lĩnh tranh cử, có chức sắc nào đó nói đơn giản rằng bầu tôi thì tôi sẽ lo một việc duy nhất là chăm lo việc giữ trẻ và cho ngành mầm non để không đứa trẻ nào cảm thấy bơ vơ, trơ trọi, để các bậc cha mẹ yên tâm rằng con mình được gửi gắm trong vòng tay tin cẩn…
Bích An