Đột quỵ - “kẻ hủy diệt” vô hình

Cách nay hơn 2.400 năm, ông tổ ngành y khoa Hyppocrate đã mô tả bệnh lý đột quỵ với triệu chứng liệt nửa người một cách đột ngột. Tuy vậy, chỉ mới trong những năm gần đây, y học hiện đại mới tìm ra được những phương pháp điều trị hiệu quả đối với bệnh lý này. Ngày nay, những bệnh nhân đột quỵ có thể phục hồi chức năng vận động nếu được điều trị sớm và kịp thời.
Đột quỵ - “kẻ hủy diệt” vô hình

Cách nay hơn 2.400 năm, ông tổ ngành y khoa Hyppocrate đã mô tả bệnh lý đột quỵ với triệu chứng liệt nửa người một cách đột ngột. Tuy vậy, chỉ mới trong những năm gần đây, y học hiện đại mới tìm ra được những phương pháp điều trị hiệu quả đối với bệnh lý này. Ngày nay, những bệnh nhân đột quỵ có thể phục hồi chức năng vận động nếu được điều trị sớm và kịp thời.

        Bỏ qua “giờ vàng”

Đột quỵ, hay còn gọi là tai biến mạch máu não, xảy ra khi một phần của não bộ bị tổn thương vì mất đi nguồn nuôi dưỡng. Nguyên nhân là do dòng máu đang chuyên chở oxy và các chất dinh dưỡng khác cho não bộ bị tắc nghẽn (gây thiếu máu não), hoặc bị vỡ đột ngột (gây xuất huyết hay chảy máu trong não). Khi dòng máu không thể đi đến não, các tế bào não sẽ ở trong tình trạng thiếu máu, không hoạt động được, sau đó bị hoại tử và chết đi nếu sự cung cấp máu cho não không được phục hồi.

Một trong những tiêu chí cần thiết để cứu vãn tình thế trên là nhanh chóng đến bệnh viện để kịp thời cứu chữa. Và “thời gian vàng” thường là 3 giờ sau khi xảy ra đột quỵ nhưng đa số các bệnh nhân đột quỵ đều được đưa đến bệnh viện quá muộn, hậu quả là phần lớn phải chịu đựng cuộc sống tàn phế trong thời gian còn lại.

Điều trị bệnh nhân đột quỵ tại BV Nhân dân 115. Ảnh: TƯỜNG LÂM

Điều trị bệnh nhân đột quỵ tại BV Nhân dân 115. Ảnh: TƯỜNG LÂM

        Cơn thoáng thiếu máu não cục bộ - báo hiệu đột quỵ

Khoảng 1/3 các trường hợp đột quỵ xuất hiện sau bởi một hoặc nhiều cơn “đột quỵ nhẹ”, hay còn gọi các cơn thiếu máu não thoáng qua. Cơn thiếu máu não thoáng qua có thể xảy ra nhiều ngày, nhiều tuần hoặc thậm chí nhiều tháng trước khi bệnh nhân bị đột quỵ thật sự. Các triệu chứng xảy ra nhanh chóng và chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn, thường từ vài phút đến vài giờ và bệnh nhân phục hồi hoàn toàn trong vòng 24 giờ. Ví dụ, nếu bệnh nhân bị mất thị lực đột ngột, hoặc yếu một cánh tay (chân) rồi sau đó biến mất, đó có thể là triệu chứng một cơn thiếu máu não thoáng qua.

Do tình trạng thiếu máu não chỉ xảy ra trong thời gian ngắn, khả năng vận động của cơ thể có thể sớm trở lại bình thường, làm cho bệnh nhân rất dễ bỏ qua hoặc tin rằng không có vấn đề gì quan trọng. Tuy nhiên, điều này rất nguy hiểm bởi đó là nguyên nhân tiềm ẩn gây thiếu máu não đang tồn tại. Cơn thiếu máu não thoáng qua thường là dấu hiệu cảnh báo sớm của đột quỵ thật sự sẽ xảy ra ngay sau đó.

        Làm giảm nguy cơ tái phát đột quỵ bằng cách nào?

Có nhiều cách để có thể làm giảm nguy cơ tái phát đột quỵ. Trong đó quan trọng nhất là kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ và thay đổi chế độ sống.

- Kiểm tra sức khỏe thường xuyên

Bệnh lý tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường, tăng hàm lượng mỡ trong máu cần được theo dõi thường xuyên bởi bác sĩ chuyên khoa. Các yếu tố nguy cơ này sẽ được giảm bớt một cách tối đa bằng các thuốc điều trị thích hợp và thay đổi lối sống.

- Kiểm soát huyết áp

Huyết áp ở mức 120/80mmHg là trị số bình thường. Được gọi là cao huyết áp khi huyết áp cao hơn 140/90 mmHg. Cao huyết áp là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của đột quỵ. Nếu không kiểm soát tốt tình trạng huyết áp, nguy cơ đột quỵ tái phát sẽ rất cao. Bệnh nhân bị cao huyết áp có nguy cơ đột quỵ cao gấp 4 - 6 lần so với bệnh nhân có huyết áp bình thường. Kiểm soát huyết áp bao gồm chế độ ăn ít muối, giảm cân, giảm stress và uống các loại thuốc thích hợp. Cần lưu ý, các thuốc huyết áp chỉ có tác dụng khi được sử dụng thường xuyên mỗi ngày. Không nên tự ý ngưng thuốc khi không có ý kiến của bác sĩ.

- Kiểm soát bệnh tim

Là nguy cơ quan trọng thứ hai sau cao huyết áp. Bệnh lý tim nguy hiểm nhất liên quan đến đột quỵ là rung nhĩ. Rung nhĩ là tình trạng co bóp bất thường của tâm nhĩ trái. Ở bệnh nhân rung nhĩ, tâm nhĩ trái co bóp nhanh gấp 4 lần so với các buồng tim còn lại. Điều này dẫn đến sự bất thường của dòng chảy trong các mạch máu, tạo điều kiện thành lập các cục huyết khối trong buồng tim và nhanh chóng di chuyển đến nơi khác, có thể gây tắc nghẽn các mạch máu não… Việc sử dụng các thuốc kiểm soát nhịp nhĩ và thuốc kháng đông lâu dài có thể giúp giảm bớt nguy cơ gây ra đột quỵ của rung nhĩ.

- Kiểm soát tiểu đường

Khi bệnh nhân có bệnh tiểu đường, nguy cơ mắc phải đột quỵ sẽ tăng gấp 3 lần. Chế độ ăn phù hợp để tiết chế lượng đường trong máu và sử dụng các thuốc điều chỉnh đường huyết có thể giúp người bệnh hạn chế tối đa những biến chứng của bệnh.

- Kiểm soát cholesterol trong máu

Tăng cholesterol trong máu có thể dẫn đến sự ứ đọng của cholesterol lên thành của các mạch máu, từ đó tạo thành các mảng xơ vữa. Kiểm soát tốt hàm lượng cholesterol trong máu bằng chế độ ăn thích hợp (kiêng mỡ, các loại dầu ăn và các thức ăn giàu cholesterol), tập thể dục thường xuyên và sử dụng các loại thuốc chuyên biệt có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ.

- Ngưng hút thuốc lá

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ rất nguy hiểm của đột quỵ. Thuốc lá làm tăng thêm quá trình xơ vữa mạch máu và các chất gây đông máu (như fibrinogen). Việc ngưng hút thuốc lá có thể làm giảm rõ rệt nguy cơ đột quỵ tái phát.

Làm gì để hồi phục sau đột quỵ

Hồi phục sau một cơn đột quỵ là quá trình tự nhiên. Nghiên cứu cho thấy có đến 1/3 số bệnh nhân bị đột quỵ hồi phục hoàn toàn, 1/3 phục hồi một phần và 1/3 còn lại không phục hồi gì cả. Khoảng 10% - 20% trường hợp chết ngay sau khi đột quỵ. Trong khi đó, không có thuốc để chữa đột quỵ lành hẳn, mà chỉ có thuốc làm giảm thiểu khuyết tật do đột quỵ và làm giảm nguy cơ đột quỵ tái phát.

Phục hồi đòi hỏi thời gian - phần lớn trong 3 - 6 tháng đầu, nhưng có thể tiếp tục cho đến 2 năm hoặc hơn. Vì vậy, bệnh nhân không nên mất hy vọng nếu bị đột quỵ nặng. Nên tuân thủ điều trị phục hồi chức năng dưới sự giám sát của bác sĩ. Đột quỵ tái phát xảy ra từ 5% - 15% trường hợp. Để làm giảm mức độ tái phát đột quỵ, cần uống thuốc đúng toa bác sĩ và đi tái khám đều đặn. Khi các triệu chứng của đột quỵ xuất hiện trở lại, hãy đến bệnh viện ngay lập tức. Thông báo cho các thành viên gia đình hoặc những người bạn xung quanh để biết phải làm gì khi bạn có những triệu chứng đột quỵ, đặc biệt khi bạn mất ý thức.

Phòng ngừa đột quỵ bằng cách nào?

Đột quỵ có thể phòng ngừa được, bằng cách làm giảm các yếu tố nguy cơ của nó như bệnh cao huyết áp, béo phì, tiểu đường, bệnh tim, hút thuốc lá, stress... Hãy đi khám sức khỏe tổng quát định kỳ mỗi 3 đến 6 tháng, bạn sẽ được phát hiện sớm bệnh cao huyết áp, đái tháo đường, cholesterol trong máu cao và bệnh tim mạch. Nếu bạn được kê toa, hãy uống thuốc đúng theo toa và chỉ ngưng uống thuốc khi có ý kiến của bác sĩ. Ngưng hút thuốc lá, giảm từ từ rồi ngưng uống rượu. Nếu bạn đã từng bị đột quỵ và được cho uống thuốc phòng ngừa đột quỵ, hãy uống thuốc đều đặn theo chỉ dẫn của bác sĩ.
 

BS NGUYỄN HUY THẮNG
(Tổng thư ký Hội Đột quỵ Việt Nam) 

Những dấu hiệu của đột quỵ

- Đột ngột yếu, tê hay liệt mặt, tay hoặc chân (đặc biệt là ở một bên của cơ thể);

- Không nói được hoặc khó khăn trong nói hay hiểu ngôn ngữ;

- Đột ngột mất thị lực, đặc biệt chỉ ở một mắt;

- Đột ngột nhức đầu dữ dội mà không có nguyên nhân rõ ràng;

- Chóng mặt không giải thích được do nguyên nhân gì, mất thăng bằng hoặc phối hợp vận động (đặc biệt chóng mặt đi kèm với bất kỳ các triệu chứng trên).

*****

Chăm sóc bệnh nhân đột quỵ như thế nào?

Có nhiều cách thức chăm sóc bệnh nhân ở giai đoạn phục hồi chức năng nhưng cần lưu ý 2 vấn đề sau:

- Loét da do bất động: Rất thường gặp ở các bệnh nhân bị liệt nặng hoặc hôn mê sau đột quỵ. Việc thay đổi tư thế nằm của bệnh nhân thường xuyên (mỗi 1 - 2 giờ) và sử dụng các loại nệm có bơm hơi có tác dụng tốt trong việc hạn chế biến chứng này.

- Viêm phổi do hít sặc: Là nguyên nhân có thể gây tử vong sau đột quỵ. Thường gặp ở các bệnh nhân bị hôn mê hoặc mất chức năng nuốt. Sau khi đánh giá chức năng nuốt, thầy thuốc có thể chỉ định đặt ống nuôi ăn khi cần thiết. Đối với các bệnh nhân bị rối loạn chức năng nuốt lâu dài, việc mở dạ dày qua da để đưa thức ăn trực tiếp qua ống qua thành bụng vào dạ dày có tác dụng hạn chế nguy cơ viêm phổi do hít sặc với độ an toàn cao. Do đó, người chăm sóc phải rất cẩn trọng khi chăm sóc ăn uống cho người bệnh để tránh hít phải thức ăn gây sặc.

BS NGUYỄN HUY THẮNG
(Trưởng khoa Bệnh lý Mạch máu não BV Nhân dân 115)

*****

Đột quỵ - có nên dùng An cung ngưu hoàng hoàn?

An cung ngưu hoàng hoàn là bài thuốc Đông y xuất xứ từ Trung Quốc. Trong một số trường hợp đột quỵ nhẹ hay chớm đột quỵ, việc sử dụng An cung ngưu hoàng hoàn có thể có hiệu quả tương đối tốt, nhưng trong các trường hợp tai biến đột quỵ nặng thì khó có tác dụng hoặc tác dụng không đáng kể. Vị thuốc này có chỉ định khá chặt chẽ và thường không nên sử dụng trong các trường hợp người bệnh có các bệnh mãn tính đi kèm như tim mạch, suy thận mãn hay đột quỵ dẫn đến trụy tim mạch. Do đó, trong một số trường hợp nếu tai biến đột quỵ nặng mà dùng An cung ngưu hoàng hoàn còn thêm tai hại.

Do đó, tốt nhất khi sử dụng cần hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên môn điều trị hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ y học cổ truyền. Hơn nữa, do trình độ nhận thức bệnh tật của người dân chưa cao nên khi có người nhà bị tai biến đột quỵ chưa chắc người thân đã xác định được bị đột quỵ hay bị bệnh gì, nên sử dụng An cung ngưu hoàng hoàn chưa chắc thích hợp.

Hiện trên thị trường cũng có nhiều loại An cung ngưu hoàng hoàn nên việc mua để sử dụng cần thận trọng, lưu ý mua thuốc có nguồn gốc xuất xứ, có uy tín. Mặt khác, cũng không nên mua vị thuốc trên để dự phòng khi “bất trắc” bởi đôi khi cần dùng đến thì đã hết hạn sử dụng hoặc bảo quản không tốt bị ẩm mốc. Tốt nhất, khi người thân bị đột quỵ hãy nhanh chóng đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

TS TRẦN VIẾT HOÀNG
(Trưởng khoa Đông Y BV Quân y 175)

Tin cùng chuyên mục