Đợt sơ tán lớn nhất ở Đức để tháo gỡ bom

Khoảng 60.000 cư dân Frankfurt phải rời khỏi nhà ngày chủ nhật 3-9 trong đợt sơ tán lớn nhất của Đức từ sau Chiến tranh Thế giới II để lực lượng chức năng tháo gỡ quả bom 1,4 tấn.
Khu vực phát hiện quả bom được che kín ở Frankfurt, Đức. Ảnh: REUTERS
Khu vực phát hiện quả bom được che kín ở Frankfurt, Đức. Ảnh: REUTERS
Thị trưởng Frankfurt Markus Frank nói với Reuters TV, nhân viên dịch vụ khẩn cấp Frankfurt đã sơ tán hơn 100 bệnh nhân, gồm trẻ sơ sinh và bệnh nhân chăm sóc đặc biệt, khỏi 2 bệnh viện trong ngày 2-9.
Quả bom HC 4000 này, do Không quân Hoàng gia Anh thả xuống trong Chiến tranh Thế giới II, được phát hiện trong khu nhà nhiều cây cối ở Westend, nơi có nhiều ngân hàng lớn tại thủ phủ tài chính Đức.
Cảnh sát Frankfurt cảnh báo một vụ nổ không kiểm soát có thể san phẳng cả tòa nhà thành phố và cho biết sẽ cưỡng chế nếu cần để bảo đảm sơ tán hết cư dân.
Vòng bán kính sơ tán bắt buộc 1,5 km quanh vị trí quả bom gồm các trụ sở cảnh sát, 2 bệnh viện, hệ thống giao thông và Ngân hàng Trung ương Đức, nơi dự trữ vàng trị giá 70 tỷ USD.
Cư dân Frankfurt phải rởi khỏi khu vực từ 8 giờ sáng chủ nhật 3-9 và cảnh sát sẽ đến từng nhà kiểm tra cùng sử dụng trực thăng có camera cảm ứng nhiệt để đảm bảo không có người nào còn ở lại trước khi bắt đầu tháo dỡ bom.
Hệ thống giao thông, gồm các đường ngầm, sẽ đóng cửa đến ít nhất 2 giờ sau khi quả bom được tháo dỡ, cho phép đưa các bệnh nhân trở lại bệnh viện.
Lưu thông hàng không từ sân bay Frankfurt cũng có thể bị ảnh hưởng nếu có gió Đông. Các máy bay tư nhân nhỏ, trực thăng và máy bay không người lái đều bị cấm trong khu vực.
Cư dân Frankfurt có thể ở lại cả ngày tại các trại được lập tại hội chợ thương mại và trung tâm hội nghị Jahrhunderthalle. Hầu hết các bảo tàng đều cho phép người dân vào trong ngày chủ nhật, một số bảo tàng sẽ mở cửa buổi sáng sớm hơn bình thường.
Hơn 2.000 tấn bom đạn chưa nổ mỗi năm được tìm thấy ở Đức, cả bên dưới các tòa nhà. Vào tháng 7, một trường mẫu giáo phải sơ tán sau khi các giáo viên phát hiện một quả bom chưa nổ thời Chiến tranh Thế giới II.
Khoảng 1,5 triệu tấn bom từ máy bay chiến đấu của Anh và Mỹ thả xuống Đức đã giết chết 600.000 người trong Chiến tranh Thế giới II từ 1939-1945. Giới chức Đức ước tính 15% số bom không nổ còn nằm trong lòng đất, một số nằm sâu đến 6 m.
Năm 2010, 3 chuyên gia chất nổ của cảnh sát Goettingen đã chết khi tháo dỡ một quả bom 450 kg.

Tin cùng chuyên mục