Dự án 1,4 tỷ USD và “giá trị cộng thêm”

Dự án 1,4 tỷ USD và “giá trị cộng thêm”

Dự án Samsung Electronics Hochiminh City CE Complex (SEHC) đang trong giai đoạn xây dựng trên diện tích 70ha tại Khu Công nghệ cao TPHCM. Với mục tiêu nghiên cứu, phát triển và sản xuất các sản phẩm, thiết bị điện tử gia dụng công nghệ cao, có vốn đầu tư 1,4 tỷ USD, đây là một trong những dự án quan trọng tại TPHCM hiện nay.

Điểm nổi bật của dự án này là Samsung sẽ thành lập trung tâm R&D để nghiên cứu chương trình và phần mềm ứng dụng cho các dòng sản phẩm điện tử của dự án và cũng có lộ trình nội địa hóa sản phẩm được sản xuất tại Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP). Đây được xem là cơ hội để TPHCM tiếp nhận những giá trị mới và nỗ lực để góp phần phát triển công nghệ của TPHCM cũng như giá trị cộng thêm của ngành công nghiệp nói chung của cả nước. 

Thị trường toàn cầu

Khi SEHC đi vào hoạt động, nơi đây sẽ là đại công xưởng sản xuất 3 khối sản phẩm cơ bản của Samsung: Các sản phẩm nghe nhìn (tivi, màn hình…), sản phẩm gia dụng (tủ lạnh, máy giặt, máy điều hòa…) và máy in (hướng về giải pháp cho công ty, doanh nghiệp). Đây đều là những sản phẩm thông minh, hay nói cách khác tất cả sản phẩm ở đây đều kết nối với Internet để hiện đại, tiện lợi và đơn giản hơn cho người dùng sản phẩm, theo xu hướng Internet kết nối vạn vật (Internet of Things) với dự báo đầy tiềm năng trong tương lai.    

Dự án SEHC đã được khởi công, đang trong giai đoạn xây dựng trên diện tích 70ha tại Khu Công nghệ cao TPHCM

Samsung đầu tư 1,4 tỷ USD tại SHTP để sản xuất các sản phẩm nói trên với mục tiêu hướng đến thị trường toàn cầu. Hiện nay các dòng sản phẩm nói trên đã được sản xuất tại các nhà máy của Samsung nhưng quy mô còn nhỏ. Khi dự án đi vào hoạt động, quy mô sẽ lớn hơn nhiều lần, chủ yếu để xuất khẩu, còn lại là phục vụ thị trường trong nước. Giá trị của thị trường toàn cầu mang đến cho TPHCM nói riêng và cả nước nói chung là kim ngạch xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Đạo, Phó Tổng giám đốc Công ty Điện tử Samsung - Vina, cho biết: Tập đoàn Samsung đầu tư nhanh, đúng tiến độ thì sản phẩm ra đời cũng nhanh và đáp ứng được xu hướng - nhu cầu của thị trường, thể hiện năng lực, trình độ của nhà đầu tư. Samsung vốn đang là đầu tàu công nghệ - công nghiệp của Hàn Quốc, việc đầu tư lớn tại SHTP thể hiện sự đầu tư lâu dài, có chiều sâu để đạt được những mục tiêu cao.

Giá trị cốt lõi

Đây là dự án mới hoàn toàn và độc lập nên việc đầu tư và xây dựng rất thuận tiện. Hơn nữa, cơ chế chính sách đầu tư tại TPHCM rõ ràng và cơ sở hạ tầng tại SHTP đã hoàn thiện nên dự án sẽ sớm đi vào hoạt động như kế hoạch đề ra (quý 2-2016). Điều này cho thấy sự nghiêm túc và bài bản của Samsung khi đầu tư tại Việt Nam. Samsung sẽ còn thành lập Trung tâm R&D để nghiên cứu chương trình và phần mềm ứng dụng cho các dòng sản phẩm điện tử của dự án. Phía Samsung cũng có lộ trình nội địa hóa sản phẩm được sản xuất tại SHTP. Đây chính là điều mà SHTP nói riêng và TPHCM mong muốn, kỳ vọng. Việc đầu tư Trung tâm R&D tại SEHC, với lực lượng nòng cốt hỗ trợ từ Hàn Quốc và hạt nhân tương lai tại TPHCM sẽ là mục tiêu khởi điểm để TPHCM phát triển khoa học kỹ thuật công nghệ cao...

Như thế, dự án SEHC của Samsung còn mở ra một giá trị lớn hơn. Nó được nhìn nhận như giá trị cốt lõi cho nơi có chủ trương muốn nâng cao chất lượng khoa học công nghệ. Ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý SHTP, cho rằng: Samsung đã thể hiện tinh thần này rất nghiêm túc và đã kết hợp chặt chẽ với SHTP để từng bước thực hiện cam kết nội địa hóa 35% tổng giá trị sản phẩm vào năm 2020. Để thực hiện việc này, Samsung đã 3 lần “mở cửa” mời gọi các doanh nghiệp phụ trợ cùng tham gia vào quá trình sản xuất của SEHC. Đến nay, đã có 20 doanh nghiệp nội địa nằm trong “niềm tin” của Samsung… Và nếu vượt qua các tiêu chuẩn cuối cùng của Samsung thì đây sẽ là những doanh nghiệp nằm trong chiến lược nội địa hóa sản phẩm của SEHC. “Doanh nghiệp nội địa nào đạt được các điều kiện, yêu cầu và tiêu chuẩn của Samsung thì SHTP sẽ thúc đẩy quá trình đầu tư của doanh nghiệp đó tại SHTP nhanh chóng hơn nữa. Trung tâm R&D của SEHC tại SHTP cũng là một cơ hội lớn với chúng ta. Ở đây sẽ có những con người Việt Nam làm việc, là một cơ hội lớn để tham gia học tập kinh nghiệm”, ông Lê Hoài Quốc nhấn mạnh.

Với dự án 1,4 tỷ USD, cánh cửa cùng làm việc với nhau để phát triển đã mở rộng hơn rất nhiều, là cơ hội của con người, doanh nghiệp nội địa và đây cũng chính là lực lượng sẽ nâng cao giá trị cộng thêm, chất lượng công nghệ của TPHCM. Theo ông Lê Hoài Quốc, dự án này còn đặt ra kỳ vọng cho phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tại TPHCM, với sự hỗ trợ tối đa của Samsung.

Ông Nguyễn Văn Đạo cho rằng, giá trị gia tăng được quyết định bởi hai lý do: Đầu tiên là do công nghệ ứng dụng. Đầu tư càng nhiều thì giá trị gia tăng càng lớn, các công đoạn sản xuất đều nằm trong nước, tức là công đoạn sản xuất đó góp phần nâng cao giá trị gia tăng. Thứ hai quan trọng hơn, là các nhà sản xuất phụ đi kèm. Điều này mang ý nghĩa: Trước đây, các nhà sản xuất quy mô nhỏ gần như phải nhập nguyên liệu với tỷ lệ rất lớn, chỉ đặt nhà máy lắp ráp, cho nên giá trị gia tăng thấp. Bây giờ, với quy mô lớn, Samsung sẽ lôi kéo được các nhà sản xuất phụ đi kèm, tạo ra vùng công nghệ, mà xung quanh là các nhà sản xuất phụ trợ… Do vậy giá trị cộng thêm hay còn gọi là giá trị gia tăng sẽ tăng rất cao.

 BÁ TÂN

Dự án 1,4 tỷ USD và “giá trị cộng thêm” ảnh 2

Các tin, bài viết khác

Tin cùng chuyên mục